Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

THĂM NHÀ ÔNG BÁ KIẾN (3 bài)

 



       Cách đây dăm năm tôi đã đến thăm ngôi nhà này vì một sự tò mò. Chúng tôi nghe chuyện Bá Kiến, Lão Hạc, Chí Phèo cùng Thị Nở với những thực hư giữa trang sách và cuộc đời. Đây là ngôi nhà cổ xưa trong câu chuyện với biết bao nhiêu những thăng trầm thế sự. Làng Vũ Đại bên bờ sông Châu Giang lừng danh bằng nghề dệt vải thủ công xưa. Con cháu cụ Nam Cao, cụ Bá Kiến còn đây cả. Chuyện cũ mịt mờ nhưng vẫn được các ông bà già truyền nhau như bài học thuộc lòng. 

      Thì ra ngôi nhà  này cũng bình thường như bao nhà khác ta đã thấy. Có thể trong cái không gian đồng quê Bắc bộ khi ấy toàn là nhà tranh vách đất thì nó nổi bật lên mà thôi. Đàng trước hiên có bức liếp che chắn mưa nắng, trước nhà một cái sân gạch không lấy gì làm rộng, lối vào hẹp và quanh co. 

       Bây giờ người ta sửa sang lại làm du lịch sau khi đã qua tay 3 chủ (nghe nói các chủ ở đây đều bất an). Người mặc bộ đồ trắng kia là anh cháu họ, nhà ở đầu làng, được cử ra trông nom, quét tước và khi có khách đến mở cửa.



======================================


THĂM NHÀ LƯU NIỆM NAM CAO

Chúng tôi đến làng Vũ Đại, xã Đại Hoàng, Lý Nhân, Hà Nam vì một sự tò mò bởi chính nơi đây đã từng là bối cảnh cho các câu chuyện của nhà văn Nam Cao như Sống mòn, Chí Phèo, Lão Hạc... Ngay phía sau tôi là đất nhà Lão Hạc xưa. Như trong câu chuyện, lão đã chết từ tám hoánh nào rồi và anh con trai lão cũng không bao giờ trở lại quê hương nữa. Hôm nay trên mảnh đất ấy người ta xây Nhà lưu niệm Nam Cao.

"Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão, đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn". (Lời của Ông Giáo trong truyện Lão Hạc)

Con cháu của Nam Cao thì học hành và làm ăn nơi xa (1 người là Tiến sỹ ở Hà Nội, 2 người đang bên Nam Định, qua con sông Châu Giang).

Con cháu cụ Bá Kiến cũng ở Hà Nội phần nhiều, số ở làng họ không thích nhắc lại chuyện đau buồn cũ.

Hậu duệ Chí Phèo  hiện nay sinh cơ lập nghiệp ở khắp nơi, hình như chỗ nào cũng có. Uống rượu thì bọn chúng hơn đứt ông cha, phải tính bằng can, bằng lít chứ đâu có dùng ly, dùng cốc. Riêng khoản chửi, bọn con cháu ngày nay hơn cụ Chí nhiều lắm. Xưa cụ chỉ chửi quanh làng Vũ Đại, bây giờ chúng chửi hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh... và xuyên biên giới. Có đứa đã được phong là "Thánh Chửi" đấy.

P/s: Lại cũng mới nghe nói Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... bị đuổi hết  ra khỏi SGK mới rồi... Không rõ thực hư ra sao?

==================================


VIẾNG MỘ NAM CAO 

Đây là phần mộ nhà văn Nam Cao, đặt trong khuôn viên Khu tưởng niệm. Phía trước là mô hình một cuốn sách trích một câu văn tiêu biểu của ông: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao đã về nơi cát bụi nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì thật là  đồ sộ.

Ông sinh năm 1915, được gia đình cho ăn học từ nhỏ, sau này học lên đến bậc Thành chung, từ năm 19 tuổi đã vào Sài Gòn làm thuê đủ các nghề, đã viết truyện đăng báo để kiếm sống. Nhân vật thày giáo Thứ trong “Sống mòn” rất gần với cuộc sống lận đận của bản thân ông lúc ấy.

 Từ năm 26 tuổi ông đã xuất bản sách và đã vô cùng nổi tiếng trên văn đàn. Trước Khởi nghĩa 1945 ông tham gia Việt Minh, sau này từng làm Chủ tịch xã. Năm 1947 lên chiến khu Việt Bắc làm báo Văn nghệ, rồi báo Cứu quốc... Hi sinh năm 1951 do bị Pháp phục kích trên đường đi công tác..

Văn của Nam Cao luôn có ý nghĩa triết lý nhưng trữ tình sâu sắc về con người và cuộc sống. Có thể coi ông như một Lỗ Tấn của Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét