Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

HỌP LỚP

 


Nguyễn Thị Đông là một cựu SV Văn khoa, rất thường hay làm thơ Đường luật. Tôi đã họa với cô ấy bài “Hội trường”. Mạo muội đưa lên giãi bày cùng anh chị em.

                  HỘI LỚP

(Đặng Kích họa thơ Nguyễn Thị Đông)

Năm nào hội lớp thật đông vui

Tay nắm chặt tay, rộn tiếng cười

Bạn cũ đây rồi ngay trước mặt

Người xưa cứ tưởng thuở đôi mươi

Tóc pha sương đượm đà bao chốc 

Đời bóng tà dương khỏe mấy hồi

Chân dẻo, não thông còn gặp gỡ

Chỉ chờ Cô-vid nữa mà thôi.

--------------

HỘI TRƯỜNG

(Bài xướng của Nguyễn Thị Đông)

Hội trường hội lớp đến là vui

Tay bắt mặt mừng rộn nói cười

Rắn rỏi, chào anh lên thất thập

Xinh giòn, đón chị vượt năm mươi

Bốn chục năm xa, lòng khắc khoải

Ba ngày gặp gỡ, dạ bồi hồi

Ước được quyền năng ghìm tạo hoá

Chúng mình về lại thuở đôi mươi.






Đọc tiếp »

VỀ TỪ THỨC

 


ĐI TỪ THỨC GẶP TIÊN

      Từ Thức là tên gọi một hang động khá nổi tiếng thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Động gắn liền với huyền tích Từ Thức gặp tiên, tóm tắt câu chuyện như sau: 
      "Từ Thức vốn là quan trong triều nhưng chán thế sự đã ngao du vào đất Thanh Hoa thấy cảnh động đẹp bèn đi sâu vào trong thì hiện ra cung điện nguy nga lộng lẫy, gặp nàng Giáng Hương, là tiên giáng trần. Từ Thức đã cảm tình và kết duyên cùng nàng.
Một hôm, Từ Thức ngỏ ý muốn về trần thăm lại gia đình. Giáng Hương bảo: "Chàng về làm gì nữa, còn ai mà về. Một ngày trên này bằng cả trăm năm hạ giới". Nhớ quê Từ Thức vẫn quyết giũ áo ra đi, Giáng Hương chỉ khóc gửi theo phong thư và dặn về đến nhà hãy mở.
     Từ Thức về quê, không ai biết mình cả, cha mẹ anh em cũng mất lâu rồi. Từ Thức mở thư xem: "Thiếp với chàng kể như đã đoạn tình từ đây...". Mới biết rằng không còn lối nào trở lại cõi tiên được nữa"

 

 

VỀ TỪ THỨC CẦU TỰ

      Động Từ Thức là một động đẹp với nhiều thạch nhũ sắc màu long lanh, hình thù phong phú như cùng kể lại câu chuyện tình Giáng Hương, Từ Thức. Từ các hình khối của nhũ đá tự nhiên, người đời đã khéo liên tưởng đến những Kho vàng, Kho bạc, Kho muối, Kho tiền, Kho vải… Rồi đây nữa: Mâm xôi, Bàn cờ, con Rồng, con Cóc, con Voi, con Rùa… Thiên tạo mà sao như là nhân tạo vậy. 
      Lại còn có nơi tiên tắm, hỏi sao biết thì trả lời rằng: Cái áo của tiên đang còn treo lơ lửng đấy thôi.
      Mờ mờ trên sườn động là quanh co đường lên trời. Nhưng trời ở xa lắm, vả lại rất khó đi xin du khách đừng lên. Còn đây là đường xuống âm phủ, một ngách nhỏ xuyên sâu xuống lòng động, nó hơi nghiêng nghiêng nên có thể cúi lom khom mà đi. Tuy nhiên đã có ai đi sâu xuống mà biết âm phủ ở cõi nào.
     Qua ánh điện đỏ xanh huyền ảo, nửa thực nửa hư, nghe cô Thuyết minh viên giới thiệu trơn tru, lưu loát về nơi bồng lai tiên cảnh, cảm nhận thêm tính nhân văn của câu chuyện tình liêu trai, thơ mộng. 
      Bỗng giật mình khi nghe cô nói: “Nơi này những đôi vợ chồng hiếm muộn thường đến cầu xin và luôn cầu được, ước thấy…”.
     Nhớ đến các chuyện xưa những gia đình khó khăn đường con cái đã đến lễ bái cửa chùa gọi là cầu tự. Nhưng sang thế kỷ 21 được hai chục năm rồi mà sao chuyện kia vẫn đang còn thời sự. 
      Cuối buổi tôi nói lời cảm ơn cô và dặn thêm: Lần sau nếu có ai đến cầu tự cô nên khuyên họ đi Từ Dũ nhé. Chỉ đến Từ Thức là không ổn đâu.
     Thiết nghĩ những bát hương, đồ tế lễ trong động nên đưa ra ngoài để cho môi trường động Từ Thức được sạch sẽ, trong lành xứng tầm một Di tích Danh thắng Quốc gia.

 







Đọc tiếp »

THĂM NHÀ ÔNG BÁ KIẾN (3 bài)

 



       Cách đây dăm năm tôi đã đến thăm ngôi nhà này vì một sự tò mò. Chúng tôi nghe chuyện Bá Kiến, Lão Hạc, Chí Phèo cùng Thị Nở với những thực hư giữa trang sách và cuộc đời. Đây là ngôi nhà cổ xưa trong câu chuyện với biết bao nhiêu những thăng trầm thế sự. Làng Vũ Đại bên bờ sông Châu Giang lừng danh bằng nghề dệt vải thủ công xưa. Con cháu cụ Nam Cao, cụ Bá Kiến còn đây cả. Chuyện cũ mịt mờ nhưng vẫn được các ông bà già truyền nhau như bài học thuộc lòng. 

      Thì ra ngôi nhà  này cũng bình thường như bao nhà khác ta đã thấy. Có thể trong cái không gian đồng quê Bắc bộ khi ấy toàn là nhà tranh vách đất thì nó nổi bật lên mà thôi. Đàng trước hiên có bức liếp che chắn mưa nắng, trước nhà một cái sân gạch không lấy gì làm rộng, lối vào hẹp và quanh co. 

       Bây giờ người ta sửa sang lại làm du lịch sau khi đã qua tay 3 chủ (nghe nói các chủ ở đây đều bất an). Người mặc bộ đồ trắng kia là anh cháu họ, nhà ở đầu làng, được cử ra trông nom, quét tước và khi có khách đến mở cửa.



======================================


THĂM NHÀ LƯU NIỆM NAM CAO

Chúng tôi đến làng Vũ Đại, xã Đại Hoàng, Lý Nhân, Hà Nam vì một sự tò mò bởi chính nơi đây đã từng là bối cảnh cho các câu chuyện của nhà văn Nam Cao như Sống mòn, Chí Phèo, Lão Hạc... Ngay phía sau tôi là đất nhà Lão Hạc xưa. Như trong câu chuyện, lão đã chết từ tám hoánh nào rồi và anh con trai lão cũng không bao giờ trở lại quê hương nữa. Hôm nay trên mảnh đất ấy người ta xây Nhà lưu niệm Nam Cao.

"Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão, đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn". (Lời của Ông Giáo trong truyện Lão Hạc)

Con cháu của Nam Cao thì học hành và làm ăn nơi xa (1 người là Tiến sỹ ở Hà Nội, 2 người đang bên Nam Định, qua con sông Châu Giang).

Con cháu cụ Bá Kiến cũng ở Hà Nội phần nhiều, số ở làng họ không thích nhắc lại chuyện đau buồn cũ.

Hậu duệ Chí Phèo  hiện nay sinh cơ lập nghiệp ở khắp nơi, hình như chỗ nào cũng có. Uống rượu thì bọn chúng hơn đứt ông cha, phải tính bằng can, bằng lít chứ đâu có dùng ly, dùng cốc. Riêng khoản chửi, bọn con cháu ngày nay hơn cụ Chí nhiều lắm. Xưa cụ chỉ chửi quanh làng Vũ Đại, bây giờ chúng chửi hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh... và xuyên biên giới. Có đứa đã được phong là "Thánh Chửi" đấy.

P/s: Lại cũng mới nghe nói Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... bị đuổi hết  ra khỏi SGK mới rồi... Không rõ thực hư ra sao?

==================================


VIẾNG MỘ NAM CAO 

Đây là phần mộ nhà văn Nam Cao, đặt trong khuôn viên Khu tưởng niệm. Phía trước là mô hình một cuốn sách trích một câu văn tiêu biểu của ông: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao đã về nơi cát bụi nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì thật là  đồ sộ.

Ông sinh năm 1915, được gia đình cho ăn học từ nhỏ, sau này học lên đến bậc Thành chung, từ năm 19 tuổi đã vào Sài Gòn làm thuê đủ các nghề, đã viết truyện đăng báo để kiếm sống. Nhân vật thày giáo Thứ trong “Sống mòn” rất gần với cuộc sống lận đận của bản thân ông lúc ấy.

 Từ năm 26 tuổi ông đã xuất bản sách và đã vô cùng nổi tiếng trên văn đàn. Trước Khởi nghĩa 1945 ông tham gia Việt Minh, sau này từng làm Chủ tịch xã. Năm 1947 lên chiến khu Việt Bắc làm báo Văn nghệ, rồi báo Cứu quốc... Hi sinh năm 1951 do bị Pháp phục kích trên đường đi công tác..

Văn của Nam Cao luôn có ý nghĩa triết lý nhưng trữ tình sâu sắc về con người và cuộc sống. Có thể coi ông như một Lỗ Tấn của Việt Nam.


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

HỌC TRỰC TUYẾN (ONLINE)

 Đang yên lành thì dịch Covid bùng phát, bản tin hàng ngày liên tục  đưa tin cập nhật các ổ dịch với số ca F0, F1, F2…  Nhiều hoạt động bị đảo lộn thậm chí ngừng trệ. Các địa điểm tập trung đông người như bãi tắm, quán ăn, trường học… luôn là một nguy cơ phát tán dịch bệnh.

 Từ ngày 10/5 các trường học đã phải cho học sinh nghỉ ở nhà tránh dịch. Việc dạy và học phải nhờ đến mạng internet truyền tải. Để chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến giáo viên phải công phu, chu toàn hơn bởi biết đâu có cả phụ huynh cũng đang xem thầy dạy. Từ trang điểm, nói năng, bài trí nơi dạy luôn đẹp đẽ hơn bình thường.

 Đã qua một mùa Covid nên học sinh ít nhiều đã biết thế nào là học trực tuyến. Một cái Laptop hoặc 1 cái điện thoại thông minh nối mạng cài sẵn một phần mềm là đủ để bắt đầu. Đến giờ học cũng điểm danh như khi học ở trường vậy, thầy  kiểm tra bài, học sinh phát biểu, kênh chữ, kênh hình… Tuy nhiên học trực tuyến chất lượng hay không còn phụ thuộc vào máy móc, hệ thống mạng và ý thức học tập của học sinh.

 Những gia đình có sự đầu tư về máy, thiết bị, nơi học yên tĩnh thoáng mát, quan tâm đến việc học hàng ngày của con thì việc học trực tuyến mới có thể đạt hiệu quả. Và cũng phải thấy rằng đây là xu hướng học và thi phổ biến trong tương lai.

 




Đọc tiếp »