Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021
Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021
Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021
NHÀ THỜ ĐỔ - NGA THIỆN
NHÀ THỜ ĐỔ
Nghe
nói bên kia sông có cái nhà thờ đổ mà mãi gần đây mới có dịp qua. Nó đã thành phế
tích đến 40 năm nay. Nơi ấy thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
Vào khoảng năm 1977-1978 cả nước đang hừng hực
khí thế tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH. Nhiều mô hình tiêu biểu được nêu gương
để cả nước học tập như Quỳnh Lưu (Nghệ An), Định Công (Yên Định, Thanh Hóa).
Làng Đạo Đức, một xóm đạo Thiên chúa nhỏ bé ven sông Hoạt được quy hoạch lên
vùng kinh tế mới Cẩm La (Hà Trung). Vùng đất này bỏ hoang từ đấy và đương nhiên
nhà thờ cũng thôi hoạt động. Sau này nó bị đổ do
bão, chỉ còn lại tháp chuông và cái cổng dây leo chằng chịt phủ kín. Tuy bị đổ
nát nhưng các hoa văn, họa tiết vẫn đang còn đó trông rất hài hòa, trang nhã.
Chúng tôi gặp ông cụ đang ở gần đấy. Ông người làng
khác sang đây mở trang trại độ vài chục năm nay. Chỉ có mình ông ở trong một
căn nhà cũ kỹ vốn là nhà ở của các cha khi xưa. Sau này làm nhà kho Hợp tác xã,
trên tường vẫn còn nhiều câu khẩu hiệu, ví dụ như "Thi đua đuổi kịp Đông
phương hồng 5 tấn thóc 1 héc ta". Câu này rất thịnh hành ở vùng quê miền bắc vào những năm 60.
Vùng đất này khá hoang sơ do chỉ có một số hộ dân, đường từ nhà nọ qua nhà kia
quanh co và cây cối rậm rạp. Mỗi lần đi chợ
hoặc về nhà qua bên kia đều phải dùng thuyền.
Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021
HOÀI NIỆM MỘT LẦN ĐI XÓA MÙ
Hồi đang còn ở bộ đội, một lần tôi được phái cử xuống Trung đoàn huấn luyện làm công tác xoá mù chữ cho tân binh. Cả Trung đoàn đang khẩn trương huấn luyện quân để đi chiến trường K (Căm-pu-chia). Lính tráng rất trẻ nhưng có một số không biết đọc, biết viết, số này quê ở ven biển Thanh Hoá, Nghệ An và vùng núi cao. Chúng tôi tuyển được khoảng 30 anh em. Buổi sáng ra thao trường luyện tập cùng đồng đội nhưng đến chiều tập trung về lớp học chữ. Tôi phụ trách chính và một anh B trưởng của Trung đoàn vừa đứng lớp vừa quản lý học viên. Tài liệu là 1 cuốn sách mỏng của Cục Quân huấn được phân bổ trong 50 buổi.
Buổi đầu khai
giảng, anh em rất hào hứng và háo hức muốn biết chữ ngay. Chúng tôi viết vào tờ
giấy can to như cái chiếu nội dung bài Quốc ca và yêu cầu cả lớp hát cho thật
thuộc. Tôi viết lên bảng 2 chữ cái i và t rồi hỏi: “Hai chữ ấy giống nhau và
khác nhau chỗ nào?”. Sau đó cho từng người lên tìm 2 chữ đó. Tôi kết luận: “Các
đồng chí muốn đọc và viết được thì trước hết phải thuộc hết các chữ cái”….
Đại khái các tiết học sau cũng như vậy, tôi và chú Sơn B trưởng thay nhau đứng lớp và hướng dẫn học viên. Buổi sáng họ đi tập tôi tha thẩn lên Trung đoàn ngồi chè nước với mấy tay trợ lý, xuống bếp xem mấy em nuôi quân nấu cơm, đạp xe vào trong dân chơi với mấy ông già.
Học viên chăm chỉ học, vừa phần họ thấy sướng đã tự đánh vần được chữ, phần khác được ưu đãi nghỉ tập, nghỉ lao động để học. Giờ giải lao giảng viên, học viên gần gũi thân tình vì cùng là đồng chí cả. Trong số đó tôi lớn tuổi hơn nên các học viên cứ xưng hô thầy với em. Tôi nhớ nhất một học viên tên là Đô quê ở Hoằng Phụ, Hoằng Hoá, rất khôi ngô và chân thật. Nhiều lần Đô đã đến phòng tôi chơi kể chuyện về quê hương, gia đình mình, lại còn ngỏ ý xem tôi có nhờ làm giúp gì không.
Lớp học mở ra khoảng hơn 2 tháng thì kết thúc. Bài thi tốt nghiệp là một đề mở: “Đồng chí viết một bức thư về cho người thân ở quê nhà”. Kỳ thi rất đặc biệt vì chả có ai chép bài của ai, chả có tài liệu nào mà giở. Chúng tôi chuẩn bị sẵn phong bì, tem để họ tự bỏ vào dán lại, hướng dẫn họ ghi địa chỉ rồi đưa cho Quân bưu mang ra Bưu điện.
Sau khoá học các học viên lên đường ra mặt trận. Liên hoan và chia tay, lưu luyến và cảm động tràn trề. Đô viết vào cuốn sổ tay của tôi: “Em nhớ thày lắm chúc thày ở lại khoẻ”. Nét chữ nguệch ngoạc, mộc mạc mà ẩn chứa biết bao ân tình.
Mấy tháng sau tôi gặp lại Sơn B trưởng trong một chuyến công tác. Sau một hồi chuyện trò Sơn bảo:
- Lớp lính hồi anh em mình xoá mù, có mấy đứa đã chết rồi.
Tôi sững người:
- Sao nhanh vậy? Bị thế nào?
- Đơn vị chúng nó truy đuổi tàn quân Pol Pốt rồi vướng vào bãi mìn. Anh có nhớ thằng Đô hay lên chỗ chúng ta không? Em có thằng bạn đi cùng đợt, nó viết thư về bảo thế.
Tôi buồn lặng đi đến mấy ngày sau đó, hình ảnh của Đô cứ chập chờn ám ảnh tôi.
Bức thư nó viết về chắc cha mẹ nó phấn khởi lắm. Nhưng có biết đâu đấy chính là bức thư cuối cùng của đứa con yêu thương mà giờ đây không biết nó đang còn nằm lại ở cánh rừng nào.
Thế mà đã ngót 40 năm.