1/ THỊT
RÙA: Hồi lên 9-10 tuổi tôi đã được chứng
kiến cảnh người ta hành quyết một chú Rùa. Hôm đó, ông hàng xóm đi xiếc cá
ngoài sông, bỗng dưng thấy xiếc của mình trùng xuống như có một hòn đá ở bên
trong. Ông ta bê cả xiếc lên bờ đổ ra thì thấy có một con Rùa. Cái mai của nó
to như cái mũ cối, khum khum màu mốc xam xám, trên đó có các ô khía ngang khía
dọc. Chưa có ai làm thịt Rùa bao giờ nên mấy ông cứ loay hoay không biết làm thế
nào, hết vật ngửa lên, lại lật úp xuống. Nhìn con Rùa thật đáng thương, cổ thì
thụt sâu vào mãi trong, chỉ còn 4 chân thò ra quẫy quẫy vô vọng.
Cuối cùng
họ đã giết nó bằng cách ngâm vào nồi nước sôi. Con Rùa chết một cách thê thảm.
--------------------------------
2/ RÙA HỒ
GƯƠM
Chẳng mấy
ai không biết chuyện Sự tích Hồ Gươm. Nhưng tận mắt nhìn thấy Rùa Hồ Gươm thì
chắc không nhiều. Tôi được mục kích tiêu bản Rùa Hồ Gươm khi vào thăm đền Ngọc Sơn khoảng
năm 1982. Chiều dài của cụ Rùa phải đến 2 mét, đặt bên trong một hộp kính trong
suốt. Da và mai Cụ mốc meo màu đất.
Những năm
gần đây con cháu đời sau của Cụ ở dưới hồ thỉnh thoảng vẫn nổi lên. Mỗi lần như
vậy, dân chúng lại háo hức kéo nhau đi xem, chụp ảnh và bàn tán sôi nổi. Mấy
người giàu óc suy diễn thì rỉ tai, thì thầm: Cụ nổi thế này là báo hiệu có sự
chẳng lành sắp xảy ra đấy. Còn Giáo sư Hà Đình Đức, một nhà Rùa học thì cho rằng:
Có 2 khả năng, một là Cụ bị đau do bọn câu trộm kéo lưỡi câu móc vào người, hai
là do nước hồ ô nhiễm quá, Cụ bị thiếu ô-xi phải nổi lên để thở. Đơn giản thế
thôi.
-------------------------------------
3/ NUÔI BA
BA
Tôi quen một
thầy giáo, vốn ham thích lao động ruộng vườn, cây con từ thời trai trẻ. Đến
chơi thấy anh đang cho người dựng ngói Prô Xi-măng bao quanh cái ao trước nhà
mình. Anh bảo: Tôi đang làm dự án nuôi ba-ba, lãi lắm ông ạ. Rồi anh vanh vách
thuyết trình mô hình nuôi ba-ba mà anh đã lặn lội đến tận nơi tham quan và lấy
giống. Tôi không hiểu biết gì về cái lĩnh vực này nên chỉ há mồm ngồi nghe.
Mấy năm
không gặp, năm nay lại đến anh chơi. Rất ngạc nhiên khi thấy ao chuôm sạch sẽ,
lớp ngói dựng xung quanh cũng đã biến mất. Hỏi ba ba đâu cả. Anh cho biết do
không lường hết được các khó khăn nên đầu tư mất bao nhiêu mà thất bại. Thứ nhất
là bệnh dịch, thứ hai là đầu ra. Cứ bảo là đặc sản nhưng mang đến nó trả rẻ rề.
Mấy lần bán không được, nên chán đành phá bỏ.
Anh cười
và tếu táo: “Bây giờ chỉ còn nuôi mỗi con ba-ba của nhà mình”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét