Trang

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

LAN MAN NHỮNG NGÀY COVID


THỜI COVID NGỒI BUỒN TÁN RÓC

Từ hôm nay cả nước bước vào một giai đoạn chống dịch khốc liệt. Thấy có một số bạn làm avatar với câu slogan: “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” hoặc là “Stay at Home Save Lives”. Đúng vậy dịch truyền nhiễm đã và đang ở giai đoạn lây lan trong cộng đồng cần phải hạn chế việc đi lại. Tuy nhiên như Thủ tướng đã giải thích về cách ly toàn xã hội: người dân chỉ đi ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu không bị dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Lại một câu nữa: “Đứng yên là yêu nước” nghe nó cũng chưa thật chuẩn lắm. Nếu có thì phải là “Phòng dịch là yêu nước” bởi Phòng dịch thì bao hàm tổng hợp nhiều yếu tố:

-  Hạn chế giao tiếp và đi ra ngoài

-  Luôn đeo Khẩu trang đúng chuẩn và đúng cách

-  Rửa tay, súc miệng nước muối thường xuyên

-  Thực hiện khai báo y tế và có dấu hiệu phải thông báo ngay.

 Câu slogan ngắn gọn, dễ hiểu và bao quát lúc lúc này chỉ cần: “Đồng lòng chống Covid 19” hoặc “Chung tay trừ Covid 19”.

 

 

CHUYỆN NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH



Ngồi làm mấy cái avatar cho  chị em cũng hay ra phết, nào là sửa lại tư thế, đầu tóc, môi, má… nào là màu mè thêm bớt… lại được các em khích lệ đến quên cả thời gian. Bỗng dưng chuông điện thoại réo vang, ở đầu bên kia tiếng ông bạn:

-      Dịch bệnh thế này không đi đâu buồn nhể.

-  À, phải tìm cách mà giải buồn chứ

-  Ông bảo nhà tôi có ba gian nhà quét mãi nó cũng phải hết, vườn tược chả có thì lấy chi mà giải buồn.

-  Thì xem ti-vi, xem mạng, đọc sách…

-  Mà cái mạng Phây-bút hồi năm ngoái ông làm cho tôi bây giờ nó đi đàng nào rồi ấy.

-  Ông còn nhớ mật khẩu không?

-  Ồ, à… tôi quên mất rồi, với lại tôi cũng ít dùng lắm, tôi ngại.

-   Dứt khoát ông phải kiếm một cái việc gì đấy mà giải buồn kẻo rồi tự kỷ đấy. Tôi biết tính ông mà. Lâu lâu thế này người như ông dễ phát điên lắm đấy. Thế đánh cờ thì sao?

-  Ai họ cho tụ tập nữa, hồi trước cứ rủ nhau đánh cờ cả buổi hoặc là đánh bóng ngoài sân Nhà văn hóa, nhưng nay thôi.

Thế là tán róc với ông bạn một lúc các chuyện ABC, chuyện hồi còn đi học…,  chúc ông ấy mau chóng hết buồn. Quả thật là ông ấy cũng chả biết mạng mẽo là cái gì, điện thoại cục gạch cổ lỗ sĩ, lại không chịu khó. Bây giờ bị giam trong nhà thế này không chừng lại sinh bực bội, cáu kỉnh rồi lại trút hết cơn bực lên đầu vợ con.

Thôi đành chờ cho hết 15 ngày cách ly vậy. Thế mới biết thời xưa thực dân Pháp muốn ngăn một Nhà cách mạng nào họ chỉ việc Giam lỏng với từ ngữ rất chi là văn vẻ: Cho đi An trí.

 

TẢN MẠN QUANH CÁI BÌA




Dùng cái bìa FB lâu quá rồi, dễ đến gần chục năm chứ chả ít. Ai cũng đã đổi mới và đổi mới nhiều lần. Thế mà cái thằng tôi thì cứ cũ rích, lúc nào cũng chỉ tre pheo với làng quê giờ đã bê-tông cả.

Cứ nghĩ biết đâu sau này nó thành đồ cổ có giá thì sao nhỉ. Thôi cứ để nguyên đấy.

Đang yên lành bỗng dưng chuyển sang thời Đại dịch Cô-vít, cả thế giới rung chuyển vì nó. Lịch sử chẳng đã mô tả những trận dịch khủng khiếp cả làng chết gần hết, số sống sót phải tha phương cầu thực khắp nơi đó sao.

Chợt nhớ đến câu của Thủ tướng: “Chống dịch như chống giặc”. Có lẽ nó còn hơn cả giặc bởi chống giặc còn có trận tuyến rõ ràng. Đàng này không nhìn thấy, không nghe thấy, không rõ nó ở hướng nào.  Biết đâu ông bạn hàng xóm lại chính là “giặc” cũng nên… Cho đến giờ này mà các nhà khoa học mới chỉ là “phỏng đoán” và “có thể”…, huống chi mình chỉ là dân thường.

Hôm qua thay cái bìa FB mới, em học sinh năm xưa hỏi thăm và nhờ chế cho một cái hợp với mùa đại dịch. Hóa ra để làm một cái Bìa ưng ý cũng phải có vài mẹo vặt. Ấy là chọn cái ảnh nào thiên về bề ngang, bởi ảnh Bìa thì chiều ngang gấp ba lần chiều cao. Còn nếu không thì lúc đưa lên ông Facebook sẽ yêu cầu “Điều chỉnh” và mình kéo cho tới khi nào phù hợp.

Vì không biết “Điều chỉnh” cho nên có nhiều người đưa ảnh của gia đình, của lớp lên Bìa mà phần đầu thì bị cắt cụt.

 

RỬA TAY



Mấy chục năm trước có một trận ốm to, đi ngoài cấp và phải truyền dịch, nằm bẹp ở nhà đến cả tuần. Khỏi rồi mà cứ lâng châng như trong mơ, không gian và thời gian tưởng chừng lệch lạc sang thế giới khác.

Rồi bỗng từ đâu cái Đại dịch chết tiệt này ập đến, cách ly toàn xã hội, không có việc gì thì ở trong nhà. Nghe nói xăng đại hạ giá định ra mua ít về trữ mà lại ngại, với lại có đi đâu mà cần xăng. Thì đi lên nhà rồi xuống bếp vậy, vừa vận động nhẹ nhàng lại an toàn phòng dịch.

“Này ông xuống ăn cơm chứ!”

Ô, thế ra đã là 11 giờ…  Hình như mới ăn sáng đã kịp đói đâu nhỉ.

Đã thành một phản xạ có điều kiện, đến chỗ vòi nước rửa cái tay.

“Vừa mới thấy ông rửa mà lại rửa nữa à!”

Ừ nhỉ. Hay là lẩm cẩm thật rồi. Bỗng nhớ ra là hồi này mình chăm rửa tay quá, một ngày dễ phải đến mấy chục bận. Thảo nào bánh xà-phòng nhanh hết thế, mới có 3, 4 ngày. Mà quanh quẩn trong nhà thì có cần thiết phải rửa tay nhiều đến vậy không chứ…

Ngó lên cái gương trong nhà vệ sinh tự nhiên không nhận ra mình nữa, đầu tóc bù xù như tổ quạ. Cái này là thuộc lỗi của tay thợ cắt tóc, hắn ta nghỉ cả chục ngày trời rồi vì sợ chẳng may dính Cô-vít. Lại nghĩ cứ quanh quẩn ở nhà thế này thì có cần thiết phải cắt tóc không nhỉ?

 

THÂM NIÊN NHÀ GIÁO

Tình hình là rất tình hình. Từ sáng đến giờ nhận được ba cú điện thoại cùng một chủ đề, lăn tăn quá chả biết đàng nào mà lần.

Sáng sớm, mà chắc không còn sớm nữa vì dậy từ lâu rồi, đánh răng, rửa mặt lâu rồi, chợt có tiếng chuông điện thoại reo vang ở nhà ngoài:

-  A-lô. Chào chú. Chị nghe nói có chủ trương Nhà nước chi trả thâm niên cho các nhà giáo nào chưa được hưởng phải không chú?

-  Dạ. Đúng chị ạ. Nghị định 14 của Chính phủ quy định về việc đấy ạ. Em đã hỏi Bảo hiểm Xã hội nhưng họ chưa trả lời.

-  Tôi lại nghe nói có cả chế độ truy lĩnh đối với người đã mất.

-  Đúng vậy. Nghị định quy định rất rõ cho cả những người đã mất, tùy thuộc vào ngày tháng năm… và cho phép ủy quyền vợ con nhận.

-  Ông nhà tôi về từ năm 93 và mất ba năm nay rồi thì thế nào?

-  Ô! Thế thì lại không thuộc diện điều chỉnh rồi, vì Nghị định nói rõ ai nghỉ  từ 01/01/1994 đến 30/05/2011 cơ.

-  À vậy à. Có sao chú tin cho tôi với nhé.

 Cảm ơn cái điện thoại, nhờ nó mà tránh được một cuộc “tiếp xúc gần” giữa mùa đại dịch. May mà con Cô-rô-na Virus này nó không truyền  theo đường sóng điện từ.

Lại một cú điện thoại sau đấy, tiếng một người phụ nữ còn trẻ phía bên kia:

-  A-lô. Em ở trường Tiểu học X… đây anh ạ. Em mới nhận được thông báo của Phòng Giáo dục yêu cầu thống kê các giáo viên nghỉ hưu từ ngày 01/01/1994 đến ngày 30/05/2011. Anh giúp em được chứ?

-  À! Anh giúp được. Chỗ anh có danh sách các giáo viên nghỉ hưu trên địa bàn phường ta mà. Việc ấy để thực hiện Nghị định 14 của Chính phủ đấy. Anh đã hỏi Bảo hiểm Xã hội và họ hứa sẽ trả lời sau.

Đoán chắc sẽ còn nhiều cuộc điện thoại về nội dung này. Tôi đã dự sẵn câu trả lời có phần hơi hài hước: “Tôi đã hỏi BHXH, họ chưa trả lời. Khi nào có câu trả lời tôi sẽ trả lời nhé”.

Chiếc điện thoại trên bàn lại rung lên bật bật:

-  Dạ! Cháu chào chú ạ. Cháu là nhân viên của Bảo hiểm Xã hội đây ạ. Cháu lấy số của chú từ tuần trước ấy ạ. Vấn đề chú hỏi cháu xin trả lời thế này ạ. Chúng cháu đã chi trả cho các thầy cô nghỉ hưu thuộc các đối tượng trong nghị định 14 rồi ạ. Từ năm 2014 cơ ạ. Có danh sách đầy đủ ạ.

-  Ồ! Thế á. Cảm ơn cháu nhé. Nhưng chú bảo này, cháu đánh máy cái trả lời vừa rồi phóng to lên dán ngoài cổng nhé. Hết đại địch các cụ ấy sẽ kéo lên để hỏi chế độ đấy, không đủ sức trả lời từng người đâu.  

Đã thực hiện từ năm 2014 mà sao nay Chính phủ lại còn ra Nghị định thực hiện… Lại còn có câu “Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/03/2020”.  Khó hiểu quá ạ.

 

CHỮ “CHƠI”




Từ thuở lọt lòng cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay con người ta quanh quẩn quanh mấy chữ “Làm” “Ăn” “Chơi”. Còn nhỏ xíu thì việc trẻ “chịu ăn chịu chơi” đã đủ là niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình. Lớn lên tý chạy nhảy khắp nơi thì bắt đầu “chơi nghịch, nhưng khổ nhất là có nhiều đứa “chơi dại” những trò chơi oái oăm khiến cho người lớn phải phiền lòng. Lên cấp 2, cấp 3 không mấy đứa không biết trò “chơi game” đến nỗi sa đà nghiện ngập, nói dối xin tiền bố mẹ rồi bỏ học… Quá quắt lắm có nhà đã phải cho con đi cai nghiện. Nhưng đến tuổi thanh niên thì có lắm vị tự dưng chán game.

Nhiều anh không có điều kiện nhưng lại thích “chơi trội”, xài thời trang hàng hiệu, điện thoại xịn, “chơi xe” oách. Giá mà lo tu chí làm ăn thì còn đỡ chứ máu mê cờ bạc thì hết “chơi lô đề” chuyển sang “chơi cá độ” dẫn đến khuynh gia bại sản, thậm chí cả toi mạng. Có anh quen sống buông thả, bản năng thì thích đi “chơi gái” tìm cảm giác lạ, hậu quả mang bệnh vào người.

Phần lớn thanh niên chăm lo học hành lập nghiệp, lập gia đình, không “chơi bời lêu lổng”, có chăng tranh thủ thời gian thư giãn, giải trí bằng việc “chơi thể thao…”, “chơi các loại nhạc cụ…” là những thú chơi lành mạnh làm cho cuộc sống thêm cân bằng.

Cũng có những kiểu chơi độc không phải ai cũng thích và chơi được như là “chơi chọi gà”, “chơi tem”, “chơi ảnh”… Nó là sở thích, là niềm đam mê của mỗi cá nhân. Có người đam mê suốt cả đời và cảm thấy đời lúc nào cũng lên hương, lãng mạn.

Lại có anh nói “chơi” nhưng chính là làm đấy. Đấy là “chơi đồ cổ”, “chơi cây cảnh”, “chơi chứng khoán”… Chỉ có mua bán đầu tư chứng khoán mà nhiều anh nắm tiền tỷ trong tay. Nhưng cũng có anh đầu tư sai, hết phiên giao dịch đành ôm đầu khóc tiếng mán.

Tuổi cao sức giảm thì ngồi nhà “chơi cờ”, “chơi tổ tôm”, có khả năng thì ra bãi “chơi bóng chuyền hơi”, “chơi thơ các CLB”

Đáng tiếc có ông già nhưng lại chưa thấy mình già thành ra vẫn còn  chơi trống bỏi”.

 

 

CHÀO NHAU VÀ BẮT TAY




Lúc bé trẻ được dạy: “Khoanh tay chào ông đi con!”, thế là đứa bé răm rắp chấp hành, được xoa đầu khen: “Cháu ngoan lắm!”

Lớn lên thói quen này mất dần, hầu như người lớn mặc định lối chào đó chỉ dành cho bọn con nít. Và các kiểu chào nhau khi giao tiếp  thường là:

-  Bẩm ông!

-  Chào ông!

Quê tôi còn có kiểu chào: - Ông đá (Rút gọn từ Ông đấy à)

-  Ông làm gì đấy!

-  Ông đang đi chơi đấy ạ!

Trong bộ đội có thêm kiểu chào nhà binh: Giơ tay lên trán.

Sau này giao lưu mở rộng ngoài việc chào hỏi còn bổ sung động tác bắt tay. Hình như cái bắt tay phổ biến sau năm 1975 thì phải, còn người dân quê chả mấy ai bắt tay. Phổ biến chỉ có trong giới công chức, người ở quê hay gọi là những người thoát ly. Lại có cả những giáo trình dạy cách bắt tay, thí dụ như với người trên thế nào, với người dưới thế nào, rồi bắt tay phụ nữ ra sao… tỷ mỉ lắm. Có vị được anh em phong cho biệt danh “Chuyên gia bắt tay” bởi thường xuyên được cử đi đón khách, tiếp khách thành kỹ năng, kỹ xảo.

Thời đại dịch Covid này tự nhiên ai cũng sợ cái bắt tay. Biết vậy nên cũng không ai chìa tay ra nữa. Thì đúng quá, ngộ nhỡ ông truyền Vi-rus cho tôi thì sao, đang còn phải trùm khẩu trang kín mít cơ mà.

Thế là bỗng dưng hồi này chào nhau chỉ còn là gật gật hoặc giơ tay lên ra hiệu bởi đeo khẩu trang thì chào nhau cũng chả ai nghe.

Sau mùa đại dịch này thì cái sự chào nhau và bắt tay sẽ có nhiều thay đổi. Thôi thì cấm tiệt cái bắt tay cũng tốt, sợ nhất các bữa rượu mà cứ phải đứng lên ngồi xuống hàng chục lần, rồi bắt tay và bắt tay. Nhọc lắm.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét