Trang

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

LAN MAN LỘC VỪNG






Lộc vừng hay Lộc bừng? Ở quê tôi người ta gọi là cây Bừng, thứ cây cổ thụ thường thấy ở các đền miếu hoặc các gò đống hoang. Thời xưa người ta ít chơi cảnh loại cây này.

Mùa này Lộc vừng đang ra lộc. Mấy hôm trước lá còn đỏ au, cành cây trơ trụi khẳng khiu, gầy guộc in trên nền trời trắng đục. Bẵng đi ít hôm mà lộc non tua tủa tràn trề nhựa sống như đang đồng loạt xông lên trời vậy. Không phải là xanh, cũng không hẳn là tím, nó nõn nà, mịn màng trông rất ngon mắt. Ở thôn quê xưa dân ta thường hái ngọn lộc bừng ăn cùng với tép rang. Vị chát và bùi hòa lẫn mùi thơm của tép tạo nên một hương vị thật đậm đà khó quên.

Nhưng ấn tượng nhất của Lộc vừng là hoa của nó. Mỗi năm Lộc vừng ra hoa một lần (không nhất thiết theo mùa). Những dây hoa dài thõng xuống như những tràng pháo hồng đu đưa trong gió. Hoa Lộc vừng nở và rụng liên tục tạo nên một thảm hoa nhuộm đỏ quanh gốc. Bọn trẻ con rất khoái nhặt những hoa rụng ấy xâu lại thành chuỗi đeo vào cổ.

Cách nay độ chục năm đến nhà ông bạn chuyên làm cây cảnh, trông thấy mấy cây Lộc vừng đang trồng góc vườn. Hỏi ông ấy mỗi cây bao nhiêu? Ông ấy cho biết có rẻ cũng phải ba chục (30 triệu). Thấy tôi còn ngơ ngác ông ta phân trần: “Phải vào tận vùng sâu, vùng xa, thuê người đào, khiêng rồi thuê xe cẩu đưa về đây đấy, của một đồng công một nén”.

Sợ tôi chưa hiểu hết được tầm quan trọng cũng như giá trị của  loại cây này ông giảng giải thêm: “Hiện nay Lộc vừng đang là có giá nhất, nó có ý nghĩa phong thủy cho khuôn viên một ngôi nhà, mang lại nhiều may mắn, tài lộc hưng thịnh dồi dào cho gia chủ. Lộc vừng ra hoa nghĩa là thành công nở rộ, làm việc gì cũng được như ý. Tuổi thọ cao của cây Lộc vừng mang đến sự trường thọ bách niên cho người sở hữu nó.

Bây giờ thì cây cảnh xuống giá, không rõ số phận mấy cây Lộc vừng của ông bạn tôi ra sao.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét