LAN MAN KIẾN
Hồi đang học cấp 1, cuốn sách Kim Đồng lần đầu tiên mà tôi được đọc là một câu
chuyện nói về Kiến. Lâu lắm rồi nên không nhớ tên sách nhưng nội dung chuyện
thì đang còn nhớ như in. Tóm tắt sơ lược thế này:
Một chú Kiến hiếu động và ham chơi. Một bữa leo lên đỉnh ngọn cây cao để xem phía xa xa kia có gì. Chẳng may bám vào một cái lá vàng nên gió to đã làm cho lá rụng. Chả biết làm thế nào, chú ta cứ thế bám chắc vào đấy cho đến khi lá bay ra xa và rơi xuống đất. Thoạt đầu chú rất lo sợ, hoang mang gào khóc ầm ỹ. Nhưng sau đó chú được rất nhiều bạn tốt giúp đỡ như sâu đo cho ngồi lên lưng để đưa qua gò cao, nhện nước cõng qua sông, bọ dừa, bọ ngựa… chỉ lối dẫn đường. Mãi đến chiều tối chú ta mới bò về đến tổ. Chú chui vào tổ cũng là khi cánh cổng đến giờ đóng lại…. Đại khái câu chuyện là thế, chung quy lại là tính nhân đạo rất cao.
Hồi con nít, chúng tôi thường phải đi chăn trâu ở mấy cái gò bãi cạnh làng, ở đấy có khá nhiều các loại kiến. Có một thứ kiến đen dài đến gần 1 phân, đốt cực đau. Chỗ nó đốt có thể sưng lên và nổi giát đỏ. Chúng tôi bày ra trò chơi đua kiến. Mỗi đứa tìm bắt một con, dùng móng tay cặp rút cái ngòi ở đít ra để nó khỏi đốt. Kiếm một nơi đất bằng phẳng, vạch một vạch xuất phát và một vạch về đích. Các chú kiến cùng cho xuất phát một lúc và nói chung thường chạy lung tung tứ phía. Chúng tôi phải theo sát chúng, lấy tay ne cho chúng hướng về đích. Con nào về đích trước là ăn giải (chủ của nó được búng tai thằng khác)
Năm tôi dạy học ở miền núi Thạch Thành, ngay sát vách là phòng của anh Hồ, dạy văn, người dân tộc Mường. Là thương binh mất một tay nhưng anh lao động giỏi hơn cả người lành lặn. Bắn súng hơi thì thiện xạ vô cùng. Thấy con chim đậu trên cành cây mé sau ao, anh xách súng lên và bảo: “Ta đi lấy con chim kia!”, nhẹ nhàng như lấy đồ trong túi vậy. Chiều tối hôm ấy, vừa lên lớp xuống, thấy anh gọi: “Này, sang đây, ta đang có món này”. Tôi sang thì thấy trên mâm ngoài vài món thông thường còn có thêm một đĩa trăng trắng trông như cơm nguội rang. Anh hỏi tôi: “Có biết cái chi không?”. Quả thật từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa được ăn món này khi nào. Nó bùi, hơi ngòn ngọt và thơm thơm. Đấy là lần đầu tiên và cũng chưa có lần thứ hai tôi được ăn món trứng kiến. Anh cho biết hôm qua Chủ nhật vào rừng thấy có tổ kiến to trên cây, chặt mang về lấy ra được vài bát trứng.
Cách
đây ít hôm, nhân bàn về chủ đề Kiến, tôi nói với một thầy dạy Văn cấp 3: “Kiến ở
khắp quanh ta mà sao thành ngữ, tục ngữ nói về nó có vẻ hơi ít”.
Anh
cười: “Không ít đâu, tôi sơ sơ đã có đến 4, 5 câu đây này!” và lẩm nhẩm đọc một
loạt: “Quan thấy kiện như Kiến thấy mỡ”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Con Kiến
mà kiện củ khoai”, “Kiến giết Voi”, “Kiến bò miệng chén”, “Con Kiến mà leo cành
đào…”, “Bé như con kiến”…. Lại nhớ đến Thơ của Trần Đăng Khoa có hẳn một bài
về Kiến: “Đám ma bác Giun”:
Bác giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng kiến rủ nhau ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến Chúa bạc đầu
Khóc than kiến cánh khoác màu áo tang
Kiến lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến kim chống gậy, kiến càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét