Trang

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

HÀ GIANG THÁNG 5.2019

 





ĐÀI HƯƠNG 468

Ở Hà Giang còn một địa danh nữa ít người biết đến, đó là Đài hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Cao điểm 468. Nơi đây từng diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Có những quả núi đạn pháo dội ngày đêm, chỉ có ngổn ngang đất đá, được mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh, trong đó còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.

Từ Quốc lộ 2 đường lên đến đài hương trên đỉnh núi chỉ độ 3-4 km nhưng đèo dốc quanh co, nhìn xuống dưới phong cảnh núi rừng thật là ngoạn mục.

Chị Lê Bích Thủy, Trưởng Hội Ngày mùa lên tháp chuông gõ một hồi chuông. Tiếng chuông rền rền trong chiều tà như gọi hồn Liệt sỹ. Chúng tôi cùng đứng nghiêm trang trước Đài tưởng niệm, tiếng nhạc buồn buồn trầm hùng cất lên, chị Thủy thay mặt nhóm đọc lời khấn:

Hỡi Hương hồn các anh hùng liệt sỹ! Hồn thiêng các anh còn đang ở quanh đây, các anh còn nằm trong hang đá hay dưới thung sâu. Xin hãy hội tụ về Đài hương 468… Đoàn HỘI NGÀY MÙA xin được kính cẩn dâng những bông hoa cúc trắng, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân và bày tỏ lòng thành kính đối với các anh…”

Có nhiều người mủi lòng, thương cảm đã sụt sịt khóc. Trên đường về ai nấy đều trầm tư. Có lẽ cái sự kiện thăm viếng Đài hương đã gây nên chấn động tâm can về lẽ nhân sinh trong cõi vô thường. Cầu chúc cho Hương hồn các anh siêu sinh tịnh độ mãi mãi mát lành, hoà quyện cùng trời xanh và nắng vàng, phù hộ độ trì cho quê hương, đất nước này thịnh vượng, bình an.

AI VỀ QUẢN BẠ NÚI ĐÔI



          Trước đây tôi cứ nghĩ cái địa danh Núi Đôi chỉ có ở vùng Phú Thọ vì nó gắn với bài thơ "Núi Đôi" nổi tiếng của Vũ Cao.

Hóa ra trên đất nước này còn nhiều nơi có núi đôi lắm. Nhưng đẹp nhất, cân đối, tròn trịa nhất vẫn là Núi Đôi (Quản Bạ, Hà Giang).

Người xưa trông xa về hai quả núi ấy thì liên tưởng ngay đến cặp nhũ hoa của người phụ nữ để rồi tưởng tượng ra những câu chuyện tình huyền thoại.

Dân địa phương gọi Núi Vú Cô Tiên là rất chính xác. Có thể người dưới xuôi ngại nói đến từ "vú" mà gọi chệch thành Núi Đôi chăng.

Hà Giang khéo thu hút khách du lịch bằng thế mạnh trời cho của mình. Du khách chẳng quản đường sá xa xôi, quanh co đèo dốc để lên ngắm Núi Đôi cho sướng mắt, ăn tạm bát cháo Tam giác mạch mà vẫn còn tiếc rẻ thời gian sao mà quá ngắn.

                DƯỚI CHÂN CỘT CỜ LŨNG CÚ



          Nghe nói về điểm cực bắc của Tổ quốc nhưng nay mới có dịp đến chiêm ngưỡng.

Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có độ cao gần 1500m và cách đường biên 3km về phía nam.

Từ xa xưa dưới các triều đại phong kiến cũng như thời Pháp thuộc cột cờ đã có tuy rất thô sơ nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trước các thế lực bành trướng phương bắc. Từ năm 2002 cột cờ được xây dựng quy mô, có bậc đá đi lên và năm 2010 thì xây mới to đẹp hơn mô phỏng như cột cờ Hà Nội.

Hàng năm du khách bốn phương đến thăm nơi địa đầu đất nước, lên cột cờ Lũng Cú để càng thêm quý, thêm yêu Tổ quốc Việt Nam ngàn đời nay ông cha ta đã đổ bao máu xương gìn giữ.

DINH THỰ VUA MÈO HÀ GIANG





Khu dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức tọa lạc trong một thung lũng đá thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ có diện tích gần 3 ngàn m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào năm 1928.

Lâu đài họ Vương được xây dựng theo kiến trúc của vua chúa Trung Hoa, có ba lớp nhà: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Nhà hai tầng bằng gỗ, tường đất nện (kiến trúc của dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì…) lợp ngói âm dương. Mỗi khu nhà đều có khoảng sân lát đá. Vợ chồng Vua Mèo ở lớp nhà trong cùng tường xây bằng đá xanh, có một đường hầm thoát hiểm khi có biến, phía sau lâu đài có một kho đựng tiền được xây dựng khá kiên cố. Xung quanh lâu đài là hàng rào xếp bằng đá xanh dày gần 1m, cao trên 2m, người bên ngoài khó mà vượt qua để xâm nhập vào trong.

Phía ngoài gian chính có treo một bức hoành phi chữ Hán do vua Khải Định phong tặng "Biên chính khả phong" (Làm yên ổn một vùng biên ải)

Sau năm 1945, Cụ Hồ nhận thấy vai trò của Vua Mèo Vương Chính Đức nên cử cán bộ thuyết phục Vua theo Việt Minh kháng Pháp, đuổi Nhật, chống bọn Tàu Tưởng.

Gần đây có chuyện tranh chấp, tranh cãi về quyền sử dụng đất của các hậu duệ vua Mèo và Chính quyền. UBND tỉnh Hà Giang đã nhận lỗi và hứa sẽ xem xét thỏa đáng để cho con cháu vua Mèo đỡ bị thiệt thòi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét