Trang

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

THAY CÔ CHỦ NHIỆM

Ở Tiểu học, cô giáo chủ nhiệm có một vai trò rất quan trọng. Cô vừa quán xuyến các hoạt động của lớp, vừa đảm trách việc dạy các môn văn hóa. Cô phải nắm vững tình hình diễn biến trong học tập, vui chơi cũng như tâm tư, tình cảm của học sinh để thông báo định kỳ hoặc đột xuất cho phụ huynh.
Tôi có đứa cháu đang học ở một trường Tiểu học dân lập thuộc tốp những trường Chất lượng cao ở Hà Nội.
Những năm gần đây do dân số tăng nên Hà Nội phát triển mạnh loại hình trường dân lập và tư thục. Những trường có thương hiệu thường được các gia đình có điều kiện kinh tế nhắm tới. Tuy học phí cao ngất ngưởng đến 5 triệu  mỗi tháng nhưng bù lại dịch vụ giáo dục tốt, gửi con vào học cha mẹ yên tâm. Trường lại có xe đưa đón, có bán trú, có học 2 ngoại ngữ, không phải đi học thêm bất cứ nơi đâu.
Hôm đến chơi, qua trò chuyện với bố cháu thì mới hay rằng lớp cháu vừa thay cô chủ nhiệm.
Cô vốn là một giáo viên lâu năm ở một trường công lập rất có năng lực và tâm huyết với nghề. Độ vài năm nay cô xin thôi dạy trường công để thi tuyển vào trường này. Mức lương có thể gấp đôi, gấp ba trường công, nó xứng đáng với công sức, trí tuệ cô phải bỏ ra.
Hiệu trưởng là người đứng ra tuyển cô có lẽ hài lòng vì cô là một giáo viên giỏi có đẳng cấp của thành phố. Cô lại có tuổi đời, tuổi nghề tương đối để cho các đồng nghiệp học hỏi những kiến thức về đời, về nghề.
Năm ngoái không rõ thế nào nhưng năm học này bắt đầu manh nha phát sinh mâu thuẫn. Thoạt tiên là những thỏ thẻ, kêu ca của bọn trẻ con về cô:
-      Con chỉ có vậy mà hôm nào cô cũng cứ nhắc đi nhắc lại mãi.
-      Mẹ ơi! Hôm nay cô quát bạn Hùng, mặt cô cứ hằm hằm trông kinh lắm.
-      Cô đi qua bàn con, làm cái thước rơi xuống mà cô chẳng nói xin lỗi gì cả.
…………..
Cuộc họp phụ huynh cuối Học kỳ 1, cô chủ trì. Phụ huynh có nêu lên những vấn đề ứng xử để cô rút kinh nghiệm. Thay vì tiếp thu và cảm ơn những ý kiến đóng góp chí tình của phụ huynh thì cô lại cho rằng những chuyện đó quá vặt vãnh, không đáng phải lưu tâm.
Đỉnh điểm của câu chuyện là có một em trong lớp chưa bọc bìa bằng giấy bóng theo quy định của nhà trường. Cô viết lời nhắc nhở vào Sổ Liên lạc của nó. Lần thứ nhất, lần thứ hai rồi lần thứ ba khiến thằng bé sợ quá định bỏ học.

Bố nó đi làm công trình xa nên gửi nó ở nhà người quen vì mẹ nó đã mất.

Khi về biết chuyện ông đã làm toáng lên rằng tại sao cô giáo không gọi điện cho bố nó, mặc dù trong Sổ Liên lạc đã có số điện thoại ghi rõ ràng. Ông đi đến các gia đình học sinh khác cũng được nghe một số lời phàn nàn về cô.
Ông đã thảo một lá đơn đề nghị thay cô giáo chủ nhiệm có chữ ký của rất nhiều phụ huynh và gửi lên trường.
Nhà trường buộc phải triệu tập Hội nghị phụ huynh bất thường. Sự đồng thuận rất cao của các phụ huynh đã khiến cho Hiệu trưởng không còn cách lựa chọn nào khác buộc phải thay cô chủ nhiệm.
Giáo dục phải thật sự dân chủ và khai phóng như vậy thì giáo dục mới phát triển được. Người giáo viên ngoài năng lực dạy học còn phải hiểu biết tâm lý và ứng xử sư phạm. Tiếc rằng nhiều thày cô còn rất yếu mặt này.


Chừng nào còn những quan niệm “thầy luôn luôn đúng” và “trò cấm được cãi” thì giáo dục chúng ta vẫn cứ quẩn quanh những cách làm cũ rích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét