Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

ÔNG ĐẶNG THỊNH VĨ


Cha mẹ đặt tên ông là Vĩ không rõ còn thêm ý nghĩa gì nữa không nhưng chắc chắn là đặt nhiều kỳ vọng vì ông là con trưởng, anh Cả Cang thì đã mất.
Ông sinh năm 1924, là con trai đầu cố Hào. Học xong lấy bằng Sơ học yếu lược thì thân phụ chuyển ông sang học chữ Hán đồng thời truyền nghề bốc thuốc với ý định để ở nhà làm trụ cột trông nom hương hoả. Nhưng chưa được bao lâu thì thân phụ qua đời (1943), rồi tiếp đến cách mạng tháng Tám. Nghề thuốc của ông từ đấy cũng dở dang. Thời kỳ kháng Pháp ông cũng tham gia các phong trào của Việt Minh, làm thôn trưởng, đi dân công chiến dịch…  Đầu năm 1955, cải cách ruộng đất, ông đưa cả gia đình chạy ra Hà Nội. Lúc bấy giờ tình hình xã hội phức tạp ông phải mang căn cước: Vũ Văn Ngạn. Hà Nội khi ấy còn thưa người, nhà ông ở Ngõ Giếng - Ô Chợ Dừa đang khá hoang vắng. Ông bà làm đủ các công việc nặng nhọc để lo nuôi các con ăn học, từ việc buôn gà, buôn gạo đến việc phụ hồ cho các công trường xây dựng trên Cao Xà Lá hoặc bốc vác ở bến Phà Đen…
Năm 1964, Hà Nội lại dãn dân, nhiều gia đình đã lên xây dựng kinh tế mới ở miền núi. Ông có đi thăm dò đâu đó trên mạn ngược nhưng sau chọn giải pháp về quê làm ăn. Ông bà vào Hợp tác xã, ông tham gia đội Thuỷ lợi chuyên đào mương, đắp đường… Còn nhớ tạng người ông cao lòng khòng, dáng đi hơi gù gù người cứ nhô về phía trước và luôn mặc cái áo màu xanh công nhân đã bạc trắng, đội cái mũ lá rộng vành. Ông bảo chỉ đội loại mũ ấy vì nó chịu được mưa nắng lại nhẹ và mát.
Năm 1973, bà bị bệnh kéo dài và mất sớm đúng vào cái ngày 27 áp tết Giáp Dần. Con cái đều ổn định nơi xa, anh Tiệp dạy học ngoài Thái Bình, chị Ngân ở Hà Nội (năm 1976 mới vào Đà Nẵng), chị Sách làm bên Hoằng Hoá. Từ đây hầu như các công việc trong nhà ông phải tự lo. Người hàn huyên tâm sự thường ngày là mấy anh em chú cháu: ông Quy, cố Cai, cố Tục.
Tính ông chu đáo, lại thạo việc nên hầu hết anh em bà con thường tới nhờ vả việc này, việc kia. Những là đại sự như giỗ chạp, cưới xin cho tới tiểu tiết: sửa lại tí bếp, rào đám vườn…  
Năm 1986 ông bị tai biến não khá nặng phải đi Bạch Mai điều trị hàng mấy tháng nhưng rốt cuộc vẫn để lại di chứng làm tay chân khập khiễng, đi lại phải dùng nạng. Vốn là con người tự lực, tự thân đã nhiều, ông tích cực luyện tập. Cố gắng tự phục vụ là chính chỉ nhờ con cháu những gì không thể. Và cũng do vậy cơ thể được vận động, trí não thêm công năng để chống lại những khó khăn do tạo hoá áp đặt.
Ông nghiêm túc, cẩn trọng, ngăn nắp từ lúc xưa. Nói năng thì giữ dìn, công việc thì cân nhắc trước sau. Cả đến khi  ốm đau cũng cứ giữ nếp ấy.
Đến năm 1998 thì bệnh tái phát, tuổi cao sức yếu, không cách nào khác được. Ông tạ thế ngày mùng 1 tháng Mười một năm Mậu Dần (1998).
Tấm ảnh kia tôi chụp năm 1991, đấy là chân dung của ông những năm đã đau ốm cuối đời. Tôi còn nhìn thấy một tấm chân dung khác có cả com-lê, cà-vạt ông chụp hồi ở Hà Nội khá hào hoa, phong nhã nhưng tiếc rằng bây giờ đã thất lạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét