SUỐI CÁ
Từ Thành
nhà Hồ lên Suối cá thần Cẩm Lương theo quốc lộ 217 ước độ 30 km. Đường đã bắt đầu
quanh co và hơi khó đi, có đoạn người cứ nhẩy chồm chồm như ngồi trên lưng ngựa.
Một đoạn đường đi dọc theo sông Mã, mùa lũ nước đục ngầu chảy xiết, ven bờ ngô
non đang trổ cờ, xanh mượt. Điểm tập kết xe là một bãi rộng bên này sông, ngồi
xe điện qua cầu treo vào còn gần 4 km nữa. Ngót hai chục năm trước, chúng tôi
cũng đã lên đây, khi đó du lịch còn rất sơ khai, qua sông bằng đò rồi đi xe ôm vào.
Nay Suối cá đã ra dáng một khu du lịch sầm uất với những nhà
cửa hiện đại, hàng quán san sát. Còn đâu nữa những ngôi nhà sàn trầm tư bên
núi, rộn tiếng chim ca, những phụ nữ Mường với trang phục dân tộc bày bán các sản
vật núi rừng của họ. Từ bến xe điện ra suối độ vài trăm mét mà có đến hàng trăm
quán lớn nhỏ bán đủ thứ: đồ lưu niệm, đồ ăn khô, nước, thuốc…
Khách tham quan khá đông đúc, ai cũng mải mốt đến cái nơi
đang háo hức trông chờ. Nhiều người trong số họ chỉ mới đọc báo nghe đài mà
chưa một lần đặt chân tới. Dạo này mùa mưa, nước suối nhiều, đầu ngoài cá còn
lưa thưa. Càng đi vào trong càng dày đặc, không khác gì cá trong chậu, có con
dài đến nửa mét. Chúng nhởn nhơ bơi sát cả vào bờ mặc cho người người nhìn ngó,
chỉ trỏ. Có du khách còn lội cả xuống cái đám quần ngư ấy mà vuốt ve, bồng bế
cá cho thỏa thích. Người ta bán bỏng ngô cho cá ăn và người ta cũng khuyến cáo
không nên cho cá ăn, chả biết nên như thế nào.
Con suối chảy từ trong núi ra nên đàn cá chui vào ở trong
hang núi, nếu đến sớm quá cá cũng chưa ra. Không biết tự khi nào mà huyền thoại
cá thần cứ râm ran trong dân, nếu ăn vào có thể chết bởi nó không phải là loại
cá thường. Những cái chết thương tâm, kỳ bí của ai đó do cố tình ăn cá càng làm
cho Suối cá thần trở nên hấp dẫn du khách gần xa.
Chúng tôi tranh thủ vừa xem vừa chụp ảnh, quay clip làm kỷ niệm.
Bên kia suối một ngôi đền mới dựng có lẽ thờ Thần cá chăng. Đi thêm một đoạn có
hang động trên lưng chừng núi. Thời gian không có nhiều nên chúng tôi chỉ tới
Suối cá rồi về. Nghe đâu vùng Cẩm Thủy này còn vài nơi kiểu như vậy nhưng quy
mô nhỏ hẹp hơn.
Đi lại bây giờ cũng tiện, các “thượng đế” được xe điện chở
đi, chở về. Tuy vậy cũng có người đi lẻ phi xe máy vào tận nơi.
TRƯA CẨM THỦY
Buổi trưa
ngày 1/8, chúng tôi về nhà hàng Sơn Thủy ở Thị trấn Cẩm Thủy ăn trưa. Nghe đâu
Bí thư Huyện nơi ấy vốn là cựu sinh viên khoa Toán và hôm đấy cũng đón một đoàn
14-K3 họp lớp và về tham quan Suối cá.
Vừa xuống
xe đã thấy một anh ăn vận tươm tất, chỉnh tề, cà-vạt nghiêm trang ra bắt tay và
xởi lởi giới thiệu là cán bộ huyện hân hạnh được tiếp đón các thầy.
Đang tạm
nghỉ ngơi uống nước thì thấy vợ chồng Lê Văn Kê hồ hởi đi xe máy đến chào đoàn
và thanh minh việc không thể tham gia với lớp đợt này là có lý do riêng. Hồi xưa
đi học Kê và Kích là cặp đôi bị diễu nhại luôn đi với nhau vì đã kê là phải
kích. Sau này về Cẩm Thủy dạy học hắn lại phệt thêm dấu sắc thành Kế, vì thế hỏi
thăm giáo viên dạy trên ấy có biết thày Kê không thì không ai biết cả.
Trong buổi giao lưu trưa ấy rất tình cờ gặp lại mấy anh bạn
cũ.
Quách Văn Sơn, là chủ nhà được Bí thư điều ra tiếp khách – Hiện
đang là hiệu trưởng cấp 3 Cẩm Thủy.... Hồi 95-96 học cùng lớp Tin học ở ĐHBK Hà
Nội. Vậy là 20 năm nay mới gặp lại nhau.
Lê Văn Thuyết, quê Đức Thọ học Toán 14 cùng dạy C3 Thạch
Thành những năm 79-80, cái thời đói kém chia nhau từng mẩu sắn “gạc nai”. Từ hồi
mình rời nơi đó vào bộ đội 12/1980 thì cũng chưa khi nào gặp lại. Gần đây tình
cờ có người cho biết anh ta đang ở Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và sau đó thì đã kết bạn
trên Facebook. Chúng tôi có hẹn với nhau một dịp nào đó cùng về Thạch Thành ôn
lại thời gian khó xa xưa.
Một người nữa là Bùi Văn Thiền, cùng dạy ở trường Văn hóa
Quân khu 4, quê Thạch Hà. Hơn 30 năm sau nhân dạng đã có nhiều đổi khác, sương
gió thời gian đã làm cho mái đầu anh ta bạc trắng. Tôi và anh ta cứ nhìn nhau
mãi mà chưa nhận ra nhau.
Tiệc tàn, Nguyễn Ngọc Hà và Thanh Hà nhảy lên sân khấu hát liền
mấy bài. Thấy vui Đinh Chương Hòa, Trần Thanh Bình, Phượng, Lâm và Lệ Hằng cũng
lên hát xúm. Ai nấy hát say sưa như lên đồng, như được đắm chìm trong cái thời
sinh viên sôi nổi năm nào.
Đã đến lúc phải chia tay Cẩm Thủy để đi Lam Kinh tiếp tục cuộc
hành trình. Ngoài kia đang chào nhau râm ran và xe đang nổ máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét