Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

THỎ RÙA


CÂU CHUYỆN ĐẦU TIÊN
   
Chuyện xẩy ra đã lâu lắm rồi. Với Thỏ, đây là câu chuyện buồn nhưng được Thỏ đồng ý nên tôi vẫn kể lại một cách trung thực từng chi tiết.
Các cư dân ở khu rừng nọ họp bàn tổ chức đón Tết. Mọi việc đã xong xuôi, chỉ còn vấn đề thể thao. Ai đó đề xuất thi chạy giữa Thỏ và Rùa. Tiếng vỗ tay rộ lên tán đồng, ngày xuân thì vui là chính mà.
Ai cũng biết Thỏ nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh nên việc Thỏ thắng Rùa dường như một lẽ đương nhiên. Rùa cũng hiểu rõ năng lực của bản thân vì thế cứ chiều chiều là hắn ta lại lên bờ tập chạy. Mấy bác lớn tuổi đi qua thấy Rùa đang chăm chỉ luyện tập thì an ủi: “Ừ! Cố lên biết đâu chú mày giật giải đấy”.
Ngày thi, các loài vật dưới nước như Rùa, Ếch, Nhái…; trên cạn như Thỏ, Nai, Hoãng… và trên không là các loài Chim, Bướm rủ nhau đến xem cổ vũ rất chi là đông.
Rời vạch xuất phát, Rùa chỉ có nhằm phía đích mà cắm cúi bước. Nó không có hi vọng hão huyền vào chiến thắng nhưng không hề có ý định bỏ dở cuộc đua. Trái lại Thỏ đã thể hiện sự chủ quan ngay từ phút đầu. Nó chưa chạy ngay vì nghĩ rằng còn lâu thì Rùa mới bò đến đích. Nó cũng chạy chầm chậm, thi thoảng cũng lăm xăm vượt lên trước một tý cho phải phép. Còn lại rong chơi cùng với bọn Bướm Hoa và Chuồn Chuồn.
Ai dè sự rong chơi lại quá chớn, ngấc cổ lên nhìn thì đã thấy Rùa chả còn cách đích bao xa. Thỏ vùng căng chạy như mũi tên về đích và cuối cùng nó cũng được xếp thứ Nhì sau Rùa.
Khi lên bục nhận Giải Nhì, Thỏ xấu hổ quá, cái đầu cứ cúi cúi không dám nhìn ai. Ban Giám khảo phải động viên: “Dù sao thì hai bạn cũng đã mang đến cho Hội thi những phút giây thư giãn thật là bổ ích và thú vị”

CUỘC THI LẦN HAI   (Tiếp theo 2)
Chuyện Rùa Thỏ chạy thi thì ai cũng biết cả rồi nhưng chưa phải là hết. Năm sau chuyện đón Tết lại vẫn có ý kiến đề xuất Rùa và Thỏ chạy thi.
Thỏ huyênh hoang tuyên bố:
-   Năm ngoái Rùa thắng là do Thỏ mải chơi thôi. Tết này nếu thi lại thì làm sao mà Rùa thắng được Thỏ.
Vì thế, nhiều bạn bè của Rùa đã can ngăn:
-  Lần trước anh thắng là do Thỏ chủ quan. Lần này sao mà thắng được anh ta. Hay là từ chối quách đi.
Rùa mỉm cười:
-  Tất nhiên rồi! Làm sao có thể thắng được Thỏ khi mà anh ta cố gắng. Ở đây tôi chỉ muốn nói là trong cuộc sống nếu người nào có tài và nhanh nhẹn thì người đó sẽ dễ đạt được mục đích hơn những người chậm chạp. Nhưng phải với điều kiện là họ không được kiêu căng và chủ quan.
Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ rằng Rùa thật là độ lượng và sâu sắc, biết chắc là thua nhưng vẫn nhận lời thi đấu để đem đến cho mọi người một bài học về tinh thần thể thao cao thượng. 

CHIẾN THẮNG BẤT NGỜ  (Tiếp theo 3)
Lại một năm khác, cũng vào dịp Tết, chuyện đón Xuân vẫn có mục Rùa Thỏ chạy thi. Năm trước được Nhất, Thỏ tự đắc khoa chân múa tay nói rằng mình chỉ có thắng mà thôi, lần đầu thua chẳng qua là chưa muốn thắng.
Rùa cũng vẫn nhận lời tham gia nhưng có một đề nghị với Ban Giám khảo là cho phép mình được chọn đường đua và đường đua lần này sẽ là mới và dài hơn mọi khi.
Sáng hôm sau, Thỏ muốn giành chiến thắng áp đảo từ phút đầu nên vọt ngay lên trước. Nhưng không phải dễ! Phía trước mặt là một hồ nước, Thỏ loay hoay không biết làm sao để vượt qua, đành phải tìm cách đi vòng…
Trong khi ấy thì Rùa bình thản bơi qua nhẹ nhàng và về đích trước.
Thỏ lấy tay quyệt  mồ hôi ròng ròng trên mặt và thắc mắc:
-   Như vậy là không công bằng, tại sao tôi không biết bơi mà bắt tôi phải vượt hồ?
Lúc này Rùa mới ôn tồn:
-   Bạn Thỏ ạ! Trên đời này không có ai giỏi tuyệt đối và cũng không có ai dốt tuyệt đối. Anh có thế mạnh ở trên bờ, còn tôi có khả năng dưới nước, đó là chuyện thường. Mỗi người hãy biết tự tìm ra điểm mạnh điểm yếu của mình để thích ứng, để hoạt động tốt nhất trong cộng đồng.
Từ đó Thỏ nể phục Rùa lắm, nó nhận Rùa là anh em kết nghĩa, đi đâu xa cũng rủ Rùa đi theo, nó tình nguyện cõng Rùa để cùng đi cho nhanh, còn những lúc qua sông thì nó được Rùa cho ngồi lên lưng và chở sang.

THOÁT SÓI  (Tiếp theo 4)


Có một câu chuyện, Rùa không kể với ai bao giờ nhưng có nhiều người đã chứng kiến.
Bữa ấy, ngày xuân đẹp trời, nắng vàng tươi rải trên thảm cỏ non xanh mơn mởn, hoa dại thi nhau khoe sắc thắm rực rỡ. Thỏ ta phởn chí ngắm hoa, đuổi bướm ở ven cánh rừng thưa ngay gần một con suối.
Sói già từ trong rừng đi ra và đã phát hiện được Thỏ. Nhưng nó chưa hành động ngay mà rón rén… rón rén… tiến lại gần. Linh tính thấy có điều chi đó bất an, Thỏ co giò chạy thục mạng về phía bờ suối. Sói ta gầm lên và đuổi theo quyết bắt cho kỳ được con mồi vừa bị để sổng. Trên bờ suối, Thỏ hoảng hồn hai cái tai dài dựng đứng vẫy vẫy, miệng ngoác đến tận mang tai, líu ríu kêu cứu. Đang đi kiếm ốc ở gần đấy Rùa bơi lại. Biết được sự tình, Rùa hô: “Nhảy xuống đi. Có tôi”.
Không thể tính toán gì hơn, Thỏ nhảy ào xuống suối. Rùa cõng bạn từ từ bơi qua bên kia, mặc cho Sói ta gào rú, vò đầu bứt tai, bực bội ở trên bờ mà không làm gì được.
Sau trận đấy, Thỏ lại càng quý trọng Rùa hơn gấp nhiều lần, coi như một ân nhân cứu mạng.

RÙA BỊ CHÂM CHỌC   (Tiếp theo 5)
Phải công nhận tình bạn Thỏ Rùa thật là hiếm có trên cõi đời này. Tuy vậy cũng có những lúc bị lung lay, nao núng.
Một hôm, Rùa đang một mình hì hụi nhặt ốc ven suối bỗng nghe tiếng xào xạc rất gần đâu đây. Hóa ra là có 2 chú Sóc đang ở trên cành cây chìa ra dòng suối, vừa cắn hạt dẻ vừa ríu rít buôn chuyện. Dỏng tai lên nghe ngóng chúng đối thoại với nhau:
-  Tay Thỏ này sao nó ngu thế nhỉ, đi đâu cũng thấy cõng lão Rùa trên lưng như bố ấy. Mà lão ta có nhẹ gì đâu, nặng như cục đá ấy chứ.
-  Thế cậu không biết gì à! Hôm trước không có lão Rùa thì Thỏ đã bị Sói nó nuốt chửng lâu rồi. Bây giờ mắc nợ lão chứ sao. Lão ta đòi đi đâu là phải đến cõng lão đi.
Nghe qua chuyện, Rùa buồn lắm, vốn đã ít nói giờ lại càng ít lời hơn.
Hôm sau, đẹp trời Thỏ lại đến rủ Rùa đi chơi. Rùa vui vẻ tiếp bạn nhưng lấy cớ sức khỏe không được tốt để ở nhà.
Hôm sau và lại hôm sau nữa cũng vẫn cứ y như vậy. Thỏ gặng hỏi nhưng Rùa bảo không có vấn đề gì.
Thỏ buồn bã lắm, thẫn thờ như người mất hồn cũng chả thiết chơi bời đâu cả, trong đầu cứ ám ảnh một câu hỏi: Vì sao Rùa lảng tránh mình?

 RÙA ỐM  (Tiếp theo 6)
Đã hơn tuần nay Thỏ chưa đến chơi chỗ Rùa, nó rất nhớ người bạn tri kỷ, thân thiết của mình. Nhà Rùa ở một cái hốc đá tĩnh mịch quay mặt về phía suối, phong cảnh đồi núi, nước non ở đây thật nên thơ và trữ tình.
Hôm nay đến cổng Thỏ đã linh cảm thấy có chuyện gì đó bất thường. Rùa đi đâu mà mới sớm mai đã ra khỏi nhà. Mọi khi đến chơi, khẽ nghe tiếng gọi cổng là Rùa đã lồm cồm bò ra đón vồ vập.
Vào đến sân, nhìn vào nhà cũng chẳng thấy đâu. Thỏ cất tiếng gọi bạn thì nghe tiếng Rùa yếu ớt từ mãi sâu bên trong khe khẽ vọng ra. Thì ra Rùa đang ở nhà nhưng bị ốm, nó ép sát vào tường nhà, lẫn với màu rêu đất nên rất khó phát hiện. Thỏ hỏi xem đau ốm thế nào, Rùa kể và chỉ vào chỗ đau bên phải bụng mình. Vốn đã có thời gian và kinh nghiệm, Thỏ bảo với Rùa:
-  Cậu bị đau ruột thừa rồi, thôi để tớ cõng lên bệnh viện ngay bây giờ, kẻo nó vỡ thì nguy lắm.
Không đợi cho Rùa có đồng ý hay không, Thỏ xốc bạn lên vai chạy thẳng một mạch tới bệnh viện của các loài vật cách đấy mấy cây số.
Các bác sỹ khẩn trương hội chẩn và đưa lên bàn mổ liền. Quả đúng như Thỏ dự đoán, Rùa ta âm ỉ đau ruột thừa từ mấy hôm nay đã sắp đến lúc vỡ bục. Nếu không cấp cứu kịp thời thì cầm chắc cái chết.

THỎ RÙA ĂN GÌ ?  (Tiếp theo 7)
Sau cái đận đi viện mổ ruột thừa về, Rùa yếu sức hẳn, phải nằm nhà an dưỡng không đi kiếm ăn được. Thỏ về nhà mình khuân đến bao nhiêu là đồ ăn thức uống. Nào là rau cải, cà rốt; rồi thì khoai tây, dưa chuột…  Nhưng Thỏ vẫn thấy Rùa chỉ dè dặt ăn lương khô lấy trong kho của nhà chứ không đụng đến những thứ mà mình đưa đến. Rùa còn bảo: Lần sau bạn đừng mang đến nữa.
Trước việc làm của Rùa, Thỏ cảm thấy vô cùng áy náy. Nó tự ái, nói thẳng với Rùa:
-  Mình thật lòng mà sao bạn lại khách sáo quá như thế. Bạn chẳng ăn một thứ gì của mình đem đến là sao?
Lúc này Rùa mới khẽ cười và từ tốn giãi bày:
-  Bạn Thỏ thân mến ơi! Bạn chơi với mình từ lâu mà chả hiểu mình gì cả. Mình đâu có ăn được mấy cái thứ bạn cho. Thức ăn của mình là cua ốc ở dưới nước cơ mà. Khi chưa bị ốm, mình đã phơi khô dự trữ được mấy hộp, nay không đi kiếm được thì cũng đã có cái để dùng.
À! Ra vậy. Lúc này Thỏ mới vỡ lẽ, Rùa không thể nào xài nổi các đồ ăn nó mang đến, mặc dù với họ hàng nhà Thỏ đấy là những món cực kỳ khoái khẩu.

CỨU RÙA THOÁT CHẾT  (Tiếp theo 8)
Khỏi bệnh, Rùa lại đi kiếm ăn ngoài suối. Bản tính Rùa thường lề mề, chậm chạp nhưng bù lại đó là sự cần mẫn, siêng năng đáng nể.
Một hôm đang chăm chú tìm mồi, Rùa bị vướng vào lưới của Người giăng ra để bắt cá. Loay hoay mãi chả làm sao thoát ra được. Lúc Người ra gỡ cá thì lại nhặt được Rùa. Nó van xin tha mạng nhưng Người không hiểu được tiếng Rùa. Người mang về nấu nước chuẩn bị làm thịt.
Thỏ biết chuyện đến nơi thì mọi sự đã xong xuôi. Mất một người bạn tri kỷ, lại là ân nhân của mình, Thỏ vô cùng buồn bực và đau đớn. Nó nghĩ hoài mà không tìm ra cách nào để cứu được bạn. Thỏ lần mò đến gần chỗ Người sắp hành quyết Rùa, bất ngờ nó nảy ra một cơ mưu thật là táo bạo. Chờ cho người cởi trói Rùa, Thỏ kêu to lên mấy tiếng rồi bước tập tễnh qua trước mặt Người. Nhìn thấy con Thỏ què ngon ăn quá, Người bỏ Rùa xuống đất đuổi theo để bắt. Thỏ cứ giả vờ cà nhắc chạy vòng vèo cho Người đuổi đến mệt lử.
Lúc này, Rùa chỉ việc vừa bò, vừa lăn về phía suối mà thoát thân.
Tất nhiên Người không bao giờ có thể bắt được con Thỏ giả vờ què kia, sau chán quá đành phải quay lại. Về đến nhà thì, ôi thôi! Chú Rùa cũng đã biến mất. Ngần ấy thời gian vừa đủ để Rùa ta kịp thời bò được đến bờ suối.
   

CÂY NỞ NGÀY ĐẤT ?  (Tiếp theo 9)
Một hôm Thỏ ta đi kiếm ăn về, bỗng nhiên thấy các khớp chân sưng tấy lên và đau nhức ghê gớm. Đến thầy thuốc khám thì mới biết bị bệnh Gút cấp tính. Đang chạy nhảy như thế mà bây giờ phải nằm lì một chỗ, Thỏ ta buồn bực và khó chịu vô cùng. Thầy thuốc cũng cho biết bệnh chỉ đỡ thôi chứ không thể khỏi hẳn. Trở về nhà Thỏ buồn chán chả thiết làm gì. Nó nghe người ta nói có cây “Nở ngày đất” chuyên trị bệnh Gút. Tìm được cây này là có thể yên tâm.
Nghĩ là làm, Thỏ đi tìm cây thuốc quý Nở ngày đất. Núi rừng ở đây, dù cho hang cùng ngõ hẻm, đối với hắn ta không còn lạ lẫm chỗ nào. Nhưng đi ròng rã đến 3 ngày trời mà không thấy đâu có. Hình như rừng bị tàn phá nhiều quá, người ta đi tìm hái cây thuốc và đã nhặt hết rồi thì phải.
Chợt nghĩ đến anh bạn Rùa thân yêu, Thỏ chạy một mạch đến nhà Rùa để hỏi. Nghe xong, Rùa reo lên: Tưởng gì chứ cây này ở gần khe suối chỗ mình hay bắt ốc có mà đầy, bây giờ cậu chở mình đến đó đi. Nói đoạn Rùa leo lên lưng Thỏ để đến thẳng nơi có cây Nở ngày đất.
 Ôi! Đúng rồi. Thỏ ta sướng rơn, hái liền một bó tướng. May mà bạn Rùa biết chỉ lối cho. Từ nay không lo gì bệnh Gút hoành hành nữa.      
Ai bị bệnh Gút thì nhớ nhé, hãy tìm cây Nở ngày đất. Nếu không tìm thấy thì nhờ Rùa dẫn đi. Đảm bảo khỏi 100%

NỖI LO VÀO SÁCH ĐỎ  (Tiếp theo 10)
Thỏ gặp Rùa, nhìn mặt bạn có vẻ ngơ ngác, thất thần như thể có chuyện chi bồn chồn, lo lắng dữ lắm. Thỏ liền hỏi ngay: Chắc đằng ấy đang có việc gì hả?
Rùa thật thà bộc bạch:
-  Hôm qua cả đêm mình không sao chợp mắt được. Buổi chiều nghe bọn hươu nai ra suối uống nước kháo nhau rằng Rùa đã có tên trong sách đỏ mà lo quá. Không biết tới đây rồi sẽ ra sao.
Thỏ vốn nhanh nhẹn và hoạt bát, cái tai nó to và dài thế kia nên chả mấy chuyện mà nó không biết. Nghe Rùa trình bày Thỏ cười rung cả râu:
-  Ôi bạn Rùa yêu quý của tôi, nhiều tuổi rồi sao vẫn còn lạc hậu quá. Bạn có tên trong Sách Đỏ là một vinh hạnh lớn mà con người đã dành cho các bạn. Từ nay bạn sẽ được coi trọng, và sẽ được quan tâm  bảo vệ đấy. Ti-vi hôm nọ đưa tin: Kiểm lâm bắt được một ô-tô chở hàng quốc cấm toàn là Rùa. Họ đã tịch thu và mang vào rừng thả trở lại môi trường.
-  Cậu không để ý sao?
Nghe Thỏ giải thích đến đâu, mặt Rùa lại giãn ra, rạng rỡ và tươi tỉnh đến đấy. Nó chợt nhớ lại cái hồi không may dính lưới, xuýt nữa bị làm thịt mà kinh hãi, tưởng như không bao giờ có thể quên được.

TẠI SAO RÙA ĐƯỢC VÀO SÁCH ĐỎ ?  (Tiếp theo 11)
Bản tính Rùa vốn chậm chạp, ù lì nên thường bị các bạn khác trêu chọc và coi thường. Nhưng từ sau cái hôm nó có tên trong Danh mục Sách đỏ của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Động vật thì tình thế lại đảo ngược hẳn. Bọn chim chóc trên cây, côn trùng dưới bãi nhìn thấy Rùa có vẻ như ngưỡng mộ ghê lắm. Chúng rỉ tai nhau: Ai biết bạn Rùa cù lần thế kia mà lại có suất đặc biệt như thế.
Một hôm Rùa đang kiếm ăn ở ven suối bỗng nghe trong bụi rậm gần đấy có tiếng ộp oạp. Mấy chú Ếch xanh đang ngồi tán gẫu. Lắng tai nghe thì biết họ đang kháo nhau việc Rùa có tên trong Sách Đỏ. Một chú mập mạp ra dáng hiểu biết vung tay chém gió:
-  Lâu nay mình thấy Rùa chơi thân với Thỏ, mà tay Thỏ này ghê lắm nha, chỗ nào hắn cũng quen biết. Tôi đảm bảo chắc chắn là hắn đã chạy thủ tục cho Rùa được vào Sách đỏ.
-  Vô lý thật. Tại sao họ không đưa loài Ếch chúng ta vào sách đỏ có phải hơn không. Chúng ta nhanh nhẹn chứ cái bọn Rùa thì rù rà, rù rì chả được cái tích sự gì.
Rùa vốn ít nói nên cũng chẳng buồn đấu khẩu với bọn đó. Mà giả sử có đấu cũng chẳng được vì bọn chúng có hàng chục cái mồm ồm ộp, ồm ộp.
  Mang chuyện này về nói lại cho Thỏ nghe. Thỏ cười ngất ngư, miệng nghệch ra gần đến tai:
-  Đúng là cái bọn Ếch ngồi đáy giếng, có đi đến đâu mà biết. Để đưa ai vào Sách Đỏ là phải có một Hội đồng toàn các Nhà khoa học chứ đâu phải đùa. Họ khảo sát khắp các châu lục, quan sát hàng năm trời mới có được số liệu. Nếu chạy được sao bọn nó không chạy.
Thế mà Rùa lại cứ nghĩ đơn giản, họ thích cho loài gì vào Sách đỏ là họ chỉ việc ghi tên vào.

RÙA TAI ĐỎ LÀ THẾ NÀO  (Tiếp theo 12)
Hôm ấy tầm khoảng 4 giờ chiều, người ta thấy Thỏ chạy như bay đến nhà Rùa, tay cầm một tờ báo. Gặp Rùa, Thỏ hỏi ngay:
-  Cậu có biết Rùa Tai đỏ không?
Rùa cứ ngơ ngơ, ngác ngác như mới từ trên sao Hỏa xuống:
-  Hôm trước Thỏ giải thích cho mình là Rùa Sách đỏ chứ có biết Rùa Tai đỏ là thế nào đâu.
Thỏ sành tờ báo ra dõng dạc đọc rõ to:
“Nghe đây nhé: Rùa Tai đỏ có tên trong danh sách của khoảng hơn 200 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên. Rùa Tai đỏ có xuất xứ từ Bắc Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2000. Khi thoát ra môi trường chúng sẽ ăn tất cả các loài động vật thủy sinh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái do khả năng tàn phá của chúng ….”
 – Cậu thấy chưa? Nguy hiểm không.
Rùa vẫn đang còn hoài nghi, cái đầu nó cứ lúc la lúc lắc bên trong cái mai nặng nề, đồ sộ:
-  Sao hôm nọ cậu bảo với mình là Rùa được con người ghi tên trong Sách đỏ và được coi trọng, với lại bảo vệ cơ mà.
Thỏ lại phải giải thích kỹ càng cho Rùa hiểu:
-  Trong Danh mục Sách đỏ có rất nhiều loài Rùa được bảo vệ vì thuộc loại động vật quý hiếm, một số có nguy cơ tuyệt chủng. Còn cái giống Rùa Tai đỏ này thì lại rất nguy hiểm cho nên Quốc tế đã phải cấm phát tán, nuôi trồng đấy.
Đến lúc này Rùa mới gật gù ra chiều thông hiểu. Thế ra họ hàng nhà Rùa cũng có nhiều loại khác nhau, cũng như con người vậy, có người tử tế, có người bất nhân.

LẠI CHẠY THI NỮA…  (Tiếp theo 13)
Lâu lắm rồi Thỏ và Rùa chưa chạy thi với nhau. Hôm ấy bà con trong làng các loài vật tổ chức một bữa cơm chung vui tất niên. Buổi liên hoan diễn ra rất vui vẻ, đầm ấm. Bỗng có ai đấy đề xuất tổ chức chạy thi giữa Rùa và Thỏ để ôn lại truyền thống, mời các bạn bè đến dự cổ vũ nhân dịp đón xuân Ất Mùi 2015.
Thật không ngờ mọi người vẫn chưa quên các cuộc thi năm xưa giữa Thỏ và Rùa. Vì thế cả hai vui vẻ đồng ý ngay.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, các loài vật phân công nhau làm đường chạy. Lần này chỉ chạy ở ven hồ, không có đoạn nào cần phải bơi cả. Chỗ vạch xuất phát có trọng tài cầm cờ đỏ và còi, khi nào có hiệu lệnh mới được khởi hành.
Cùng đi kiếm ăn với nhau ở suối, Ếch đã kết thân với Rùa. Gần đến ngày thi, Ếch khẽ rỉ tai thủ thỉ bảo Rùa: “Cậu thi chạy với Thỏ sẽ cầm chắc phần thua. Tớ bàn với cậu một cách mà nhất định 100% sẽ thắng cuộc”
Rùa tò mò hỏi: “Cách gì hay vậy?”
-  Tớ nhìn mấy anh em Rùa nhà cậu mà chả phân biệt được ai với ai. Hôm ấy cho mỗi đứa đứng một góc, còn cậu nấp ở gần đích. Tay  Thỏ kia có đến 10 cẳng cũng phải thua.
Rùa nghe xong, tư lự giây lát rồi trả lời Ếch:
-  Mình không nghĩ nhiều về thắng hay thua mà chỉ muốn vui vẻ cho mọi người nhân dịp đón Xuân mới. Thế thôi. Làm như cậu nói là lừa dối người xem, có thể Thỏ không phát hiện ra được nhưng anh em nhà mình sẽ chẳng coi mình ra gì. Hơn nữa tự mình cũng phải tôn trọng khán giả thì cuộc chơi mới đẹp.
Nghe Rùa nói đến vậy, Ếch chỉ còn biết chép miệng và khẽ thở dài mấy tiếng: ộp… ộp… rồi không dám bàn thêm nữa.

NỖI LO QUÁN ĐẶC SẢN  (Tiếp theo 14)
Đôi bạn Thỏ và Rùa sống ở hai môi trường khác nhau nhưng chúng lại rất thân nhau. Hôm qua Thỏ bỗng phát hiện ra: Rùa không ra khỏi nhà. Nó chạy đến xem có chuyện gì bất thường thì thấy Rùa đang nằm ủ rũ, nét mặt đầy vẻ lo âu. Thỏ hỏi tình hình, sờ đầu bạn cũng vẫn thấy bình thường. Rùa kể lại câu chuyện hôm nọ Ếch nói rằng bên trong mé núi có cái quán Đặc sản Rùa, vẽ hình to tướng để quảng cáo; nay mai họ sẽ lùng sục bằng hết Rùa…. Sợ quá không dám ra ngoài nữa….
Nghe bạn nói, Thỏ vỗ vai Rùa cười khà khà:
-  Đúng là cái lão Ếch này chỉ ngồi đáy giếng đồn đại linh tinh. Có cái quán Đặc sản Rùa ấy thật nhưng người ta la ó phản đối dữ quá nên bây giờ đã rút rồi. Thế giới con người cũng phức tạp lắm, có người tử tế và cũng có người bất nhân.
Nghe Thỏ giải thích vậy nhưng Rùa vẫn chưa hết bồn chồn, lo lắng:
-  Cậu bảo cái quán ấy nó rỡ đi rồi nhưng nay mai nó lại mở ở chỗ khác thì sao, vì vẫn có kẻ bất nhân mà….
-  Hôm trước đã nói với cậu đấy, từ chỗ người ta đưa vào Sách Đỏ các loài vật quý hiếm, rồi tiến đến có luật bảo vệ môi trường. Nay còn có thêm cả Cục Cảnh sát Môi trường…. Cậu yên tâm đi.
-  Mình lại cứ lo lo à… Chậm chạp thế này chúng nó thịt hết…
-  Cậu xem ti-vi không thấy hay sao? Cái lão Thanh Tra gì họ Trần ấy người ta cũng khui ra, bẩn thỉu bao nhiêu lâu nay… Mang tiếng là Thanh tra cứ tưởng là tốt đẹp lắm… Nay thì báo chí họ nói cho nhục nhã, chả còn dám nhìn mặt vợ con.
Cậu nên nhớ rằng xã hội sẽ ngày càng văn minh chứ không thể ngày càng dã man và mông muội.
Đến đây thì Rùa yên tâm vì tin rằng người tử tế có rất nhiều, vẫn yêu quý và bảo vệ Rùa dù cho trên đời này ma quỷ vẫn còn lởn vởn.

ĐI CHƠI GẶP ANH RÁI CÁ  (Tiếp theo 15)
Thỏ ta đi nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp, rất muốn ghi lại và chia sẻ cùng bạn bè. Nó bèn sắm một cái Máy ảnh và đến rủ Rùa đi chơi:
-  Mình với cậu hôm nay đi chụp ảnh đi. Để cho thuận tiện ta cứ dọc theo suối, cậu bơi ở dưới, mình đi trên bờ. Chỗ nào ưng mắt ta dừng lại và chụp ảnh.
Nghe Thỏ nói vậy, Rùa đồng ý liền. Lâu nay chỉ mải mê đi kiếm ăn ít nghĩ đến chuyện giải trí thư giãn giúp cho đầu óc thảnh thơi.
Trên đường đi vô vàn chỗ thiên nhiên hùng vĩ. Chỗ này sóng nước lăn tăn, in bóng núi non như bức tranh thủy mặc. Chỗ kia hoa thơm khoe sắc, bướm lượn rập rờn chả khác gì vườn Thượng uyển.
Bỗng dưng, Thỏ giật mình khi nghe tiếng quát:
-  Anh kia!... Ai cho phép anh chụp ảnh ở đây!
Hơi bất ngờ giây lát, quay lại thì thấy anh Rái Cá, mặt mũi bặm trợn, bộ điệu hung hăng. Tuy nhiên Thỏ cũng đã kịp trấn tĩnh:
-  Tôi xin hỏi anh! Khu vực đây là nơi công cộng, không của riêng ai, sao anh lại nói như vậy. Có biển cấm chụp ảnh đâu.
-  Đây là quê tôi. Chúng tôi có quyền…
-  Nếu đây là quê anh thì chúng tôi ghi hình phong cảnh đẹp để giới thiệu cho mọi người biết chứ hà cớ gì lại ngăn cản chúng tôi.
Ban đầu Rùa cũng có vẻ hoảng, nhưng khi thấy Thỏ khảng khái đối thoại thì nó lấy lại can đảm bò lên, đến bên cạnh Thỏ và nói với Rái Cá:
-  Này Rái Cá ơi! Anh đã quá lời với anh Thỏ rồi. Anh ấy nắm rất chắc Luật đấy. Và  tuy ở trên bờ nhưng hiểu khá rõ các chuyện dưới nước. Vì thế anh đừng cậy quyền, cậy thế dân bản địa mà bắt nạt chúng tôi nhé.
Rái Cá không ngờ rơi vào thế yếu, nó vẫn cố vớt vát:
-  Nhưng dù sao đến đây cũng phải nói với chúng tôi một tiếng, hoặc là mời chúng tôi ra cùng chụp ảnh chứ.
-  Anh Rái Cá ạ! Chúng tôi cũng không biết được anh lại cũng muốn và thích chụp ảnh. Nếu anh tỏ ý thân thiện thì từ nay chúng ta sẽ là bạn của nhau nhé. Được chưa?.
Rái Cá nghe vậy thì ngượng đỏ cả mặt, nó nói lí nhí cái gì đấy không ai nghe rõ rồi lủi một mạch vào bụi rậm.

RÙA BẮT ĐẦU ĐI HỌC  (Tiếp theo 16)


Như đã nói ở trên, Thỏ và Rùa là đôi bạn thân nhưng chúng là hai thái cực đối nhau như nước với lửa. Thỏ thì nhanh nhẹn, tháo vát còn Rùa thì chậm chạp, lề mề. Lại thêm một sự khác biệt lớn nữa là Thỏ thì được học hành nhưng Rùa lại mù chữ, cầm quyển sách chỉ biết giở xem tranh ảnh.
Một hôm, Thỏ bảo với Rùa: Bạn phải học chữ đi, thời buổi này không biết chữ là khổ lắm. Lăn tăn một lát rồi Rùa cũng đồng ý.
Từ đấy ngày ngày Thỏ ta đến dạy chữ cho Rùa. Những ngày đầu cực kỳ hưng phấn, đôi bạn say sưa quên cả trưa tối. Càng về sau Rùa càng chán nản với một đống hỗn độn những a, b, c rồi là x, y, z. Thỏ nhiệt tình nhưng láu táu, thiếu phương pháp sư phạm lại nôn nóng muốn cho Rùa biết chữ ngay, thế là nhồi nhét, có lúc la hét bạn.
Được độ 1 tháng Rùa buồn bã nói với Thỏ:
-  Mình vô cùng biết ơn sự tận tình của bạn. Tuy vậy việc học hành thì cho mình được thôi từ nay. Cái đầu mình nó bé và ngu lắm, chữ không thể vào được.
Đến khi này Thỏ bỗng thấy mủi lòng thương thương Rùa, nó nhỏ nhẹ dỗ dành:
-  Thôi, bạn Rùa ơi, hãy cố gắng lên tý nữa. Có lẽ mình chưa đạt được là do chúng ta nóng vội quá. Vậy thì hãy làm lại từ đầu nhé! Bao giờ bạn thuộc và hiểu mình mới chuyển sang bài khác.
Lại bắt đầu từ ABC. Lần này không dồn ép nữa, vừa học vừa chơi rất chi là thoải mái. Hôm nào mệt quá chúng lại rủ nhau đi dã ngoại ở vườn cây sau nhà, tìm những món ăn mà chúng ưa thích.
Quả nhiên chỉ mấy tháng sau Rùa đọc sách vanh vách, nó thích lắm, vớ được bất cứ cái gì có chữ là mang ra đọc.

RÙA ĐÃ BIẾT ĐỌC  (Tiếp theo 17)
Một hôm Thỏ mang về cho Rùa cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 và khoe ngay từ đầu cổng:
-  Con Người họ đưa cả chuyện chúng ta chạy thi hồi năm xưa vào sách đây này. Cậu còn nhớ không?
Rùa giở sách ra. Ồ! Hay thật: “Rùa chạy thi với Thỏ…… Thỏ vừa chạy vừa chơi, Thỏ thua Rùa”.
Đọc xong Rùa cười tít cả mắt. Lại còn cả câu đố ai đây nữa: 
“Bước rì rà, rì rà
Vác cả nhà đi dạo
Nói năng thì không thạo 
Sống được cả hai nơi 
Ngày đội nhà vui chơi 
Tối úp nhà nằm ngủ” 
(Là con gì?)
Sao mà họ tả con gì giống mình thế không biết. Còn đây là ai nhỉ?
“Con gì đuôi ngắn, tai dài
Mắt hồng lông mượt, có tài chạy nhanh”
(Là con gì?)
Đôi bạn sung sướng ôm chầm lấy nhau quay một vòng. Bây giờ thì Rùa hiểu thêm ra rằng: Chữ cũng quan trọng chẳng kém gì thức ăn, nước uống vậy.

 RÙA CHĂM CHỈ  (Tiếp theo 18)
Rùa đọc thông viết thạo thì Thỏ chuyển sang dạy cả Toán và các môn khác. Cùng học với Rùa còn có thêm một chú Ếch con. Lớp học có hai học trò tính khí khác nhau một trời một vực. Ếch con thì nhanh nhẹn, thông minh, học đâu hiểu đấy. Rùa thì chậm chạp, học lâu vào mà lại chóng quên.
Nói chung Thỏ thường chữa lỗi rồi mới cho điểm vào vở. Thường thì Ếch luôn đạt điểm cao, còn Rùa thì ngược lại. Cũng có nhiều hôm thầy không cho điểm mà chỉ ghi nhận xét.
Hễ hôm nào mà không có điểm trong vở là Ếch ta buồn lắm. Hôm nào được điểm 10, về nhà nó lôi sách ra đọc ồm ộp… ồm ộp… cả làng nghe thấy. Nó xin với thầy Thỏ cứ cho điểm nhiều vào, không cần nhận xét cũng được.
Biết chuyện Rùa nhỏ nhẹ nói với Ếch:
-  Bạn Ếch ơi! Chúng ta học để có kiến thức thì điểm có quan trọng gì đâu.  Thầy nhận xét và chữa lỗi để mình còn biết mà sửa đấy.
-  Bạn nghĩ thế chứ tớ chỉ thích nhiều điểm thôi. Bạn toàn bị điểm thấp thì bạn mới không thích chứ… Mà nói thật nhé, không có điểm thì mình chán lắm, chả thích đi học nữa đâu…
-  Vậy là bạn đi học chỉ cốt để lấy điểm cao thôi ư? Khi không chấm điểm thì bạn không học bài nữa hay sao?....

HỌC KIỂU ẾCH  (Tiếp theo 19)
Như đã nói ở trên, hai bạn Ếch và Rùa tính khí khác hẳn nhau: Ếch thì tiếp thu nhanh nhưng mau chán, Rùa thì chậm nhưng chắc chắn, học đâu biết đấy.
Được thầy Thỏ khen học Toán tốt, Ếch sướng lắm và chỉ tập trung vào môn Toán, còn các môn khác qua loa, chiếu lệ. Rùa cũng biết khả năng có hạn của mình nên cố sức chăm chỉ, nó còn tìm hiểu thực tế để biết sâu xa hơn ngoài trang sách. Nó rất ham đọc sách báo để bổ sung kiến thức đã học trên lớp. Thấy bạn cứ tẩn mẩn học theo kiểu như vậy Ếch bảo:
-  Sao cậu dở hơi thế, thầy có bắt phải làm thế đâu mà cậu phải nhọc xác mò mẫm như vậy. Mình chỉ làm bài nào thầy ra thôi, còn thì nghỉ ngơi, chả việc gì phải tốn sức.
Rùa cũng biết là Ếch chỉ thích Điểm cao để khoe với mọi người nên bảo với bạn:
-  Mình nghĩ cái việc học nó rộng và dài lắm. Chẳng phải chỉ có mấy chữ trong sách đâu và cũng chẳng phải chỉ có ở trên lớp đâu. Thế nên ngoài kia người ta mới đang “xây dựng xã hội học tập”. Mình thấy cậu chỉ tập trung học Toán mà coi nhẹ các môn khác là học lệch đấy.
Ếch không nghe, cứ học theo lối cũ, ồm ộp… oàm oạp… nhiều thế nhưng chả có gì sâu sắc. Nó rất thích mấy câu hát nhố nhăng, tào lao của lũ trẻ:
 “Học thì nhác.
 Điểm thì cao.
Muốn là vào.
Thi là đỗ….”
Rùa chăm chỉ tự tích lũy kiến thức, sau này tài ba được con người tôn vinh vào hàng Tứ Linh: Long – Ly – Quy - Phượng.  Quy chính là Rùa mà.

ẾCH ĐI ĐÂU ?  (Tiếp theo 20)
Từ khi biết đọc, biết viết Rùa ta trở nên ham học hơn bao giờ hết. Nó nghĩ học một mình sẽ buồn, nếu có nhóm bạn để bí chỗ nào thì trao đổi ngay.
A! Tại sao mình lại không sang học với bọn Ếch nhỉ? Mọi khi thấy các hắn tập trung đọc bài to lắm kia mà? Rùa chạy đến nhà Ếch, nhìn vào thì cửa đóng then cài kín mít. Rùa cố sức gọi to, không có ai trả lời.
Ngoài kia bầu trời xám xịt, từng tảng cơn màu chì vần vũ, gió bấc rít ù ù thổi những luồng hơi băng giá xuống khắp khu rừng. Rùa nghĩ bụng: Chắc là Ếch về quê xa nên lâu nay cũng không gặp nó đi kiếm ăn. Chứ cái bọn Ếch này to mồm lắm, chúng mà ở chỗ nào là biết liền.
Rùa kể chuyện này với Thỏ. Nghe xong, Thỏ không nhịn được cười:
-  Ôi! Bạn Rùa ở dưới suối mà không hiểu gì về Ếch cả. Nó đang ngủ trong nhà ấy.
 Rùa vẫn chưa hết ngạc nhiên:
-  Nhưng mình thấy rất lạ là lâu nay không hề gặp nó, không hiểu nó ăn uống khi nào nhỉ?
-  Bạn ơi! Nó không cần ăn đâu. Nó ngủ cả mùa đông lạnh lẽo, sang xuân ấm áp mới thức dậy.
-  Ơ, thế nó không đói sao?
-  Bọn Ếch này phàm ăn lắm. Mùa nắng nó tranh thủ tận dụng mọi thời cơ chén thật đẫy, đến cuối thu con nào con nấy béo ú ra. Có như vậy nó mới nằm lì cả mấy tháng trời chứ.
Thế là nay thì Rùa đã hiểu thêm về Ếch. Nó ăn cho thật béo để đi trốn rét mùa đông. Thảo nào người ta hay nói: “Ếch ngủ đông”


ẾCH NÓI NGỌNG  (Tiếp theo 21)

Đầu mỗi buổi học, thầy Thỏ cho Rùa và Ếch đọc lại bài học hôm qua. Rùa đọc thong thả, chậm rãi và diễn cảm được thầy khen. Đến lượt Ếch, do háu táu nên nó đọc rõ nhanh và to ồm ộp nhưng lại bị sai nhiều quá. Ấy là vì nó bị ngọng từ bé lâu ngày thành quen, không phân biệt nổi l với n hoặc r với d...
Trên lớp Thỏ đã uốn nắn rất nhiều, bắt phải đọc đi đọc lại lại cho kỳ đúng mới thôi nhưng cũng chỉ được lúc ấy. Đại khái là: cứ nẫn nộn nung tung cả, chả da nàm xao.
Rùa tâm sự với Ếch:
- Cậu phải tập phát âm cho chuẩn vào chứ không thì người nghe buồn cười lắm.
Nhiều khi bảo thủ, Ếch cứ cãi cùn:
- Nói ngọng cũng là một nét văn hóa đặc trưng của họ hàng nhà Ếch chúng tớ đấy.
- Không phải đâu bạn ơi! Không thể gọi đấy là văn hóa được. Bạn phải kiên trì mà luyện thôi. Khó mấy mà quyết tâm thì cũng thành công. Từ ngày mai chúng ta sẽ cùng luyện nhé. Dù sao mình cũng nói chuẩn hơn bạn mà.
Thế là từ đấy cả hai cùng nhau bên bờ suối luyện phát âm, từ nào sai thì chỉnh sửa ngay, chẳng bao lâu Ếch đã đỡ ngọng đi nhiều. Do người ngoài không hiểu ngôn ngữ loài Ếch nên chỉ nghe ồm ộp... là vậy.


PHẢI CÓ CÁI BẰNG  (Tiếp theo 22)
Một hôm, Ếch tâm sự với Rùa:
-  Tớ thấy bây giờ ai cũng có Bằng cả, mà toàn là Bằng oách. Tớ với cậu học hành lâu nay mất bao nhiêu công sức chả lẽ không có được cái Bằng hay sao.
Rùa hỏi lại:
-  Nhưng mà bạn Ếch ơi, chúng ta học để lấy kiến thức hay học chỉ để lấy bằng? Nếu học cốt được chữ thì mục đích lấy Bằng có quan trọng lắm đâu.
-  Cậu không thấy bọn chúng nó ai cũng khoe bằng nọ bằng kia ư? Mình cũng phải có cái để khỏi bị khinh chứ. Mới lại thời buổi này hơn nhau ở cái bằng cấp.
Rùa chỉ mải mê học cho mình nên dù có bằng hay không cũng chả quan trọng. Còn Ếch thì chỉ cốt kiếm bằng mà lơ là mấy cái chuyện học hành nên kiến thức rỗng tuếch.
Người ta không rõ nó chạy chọt, luồn lọt kiểu gì hoặc là đã lên Văn Miếu “Sờ đầu Rùa” mà bỗng dưng thấy có cái Bằng to tướng treo ở nhà. Đi đâu, gặp bạn bè nào cũng khoe oang oang, lại còn tổ chức khao cả làng. Hôm ấy bà con được bữa mất ngủ vì tiếng Ếch kêu.
Sáng hôm sau, ở ngoài đường bọn trẻ con có bài vè:
“Anh kia sao cũng ti toe
Học hành láo nháo lại khoe có bằng”


RÙA ẾCH VÀ RẮN  (Tiếp theo 23)

Rùa và Ếch mặc dù khác nhau về tính cách nhưng lại khá thân nhau.
Rùa chậm chạp nhưng hiền lành, tốt bụng và cương trực. Trong vùng ác hiểm nhất là Rắn mà cũng không làm gì được. Cái mai nó vồm vồm, bè bè thế kia, cứng như bê tông cốt thép khiến cho Rắn đôi phen cũng phải kiêng nể. Đã có lần Rắn cậy thế du côn, du đãng xông vào tấn công Rùa. Rùa bình tĩnh co đầu vào mai của mình, mặc cho Rắn lồng lộn xung quanh. Cái đầu Rắn cứ mổ chan chát vào mai Rùa, đau điếng đến tóe cả máu. Rùa ở trong nói vọng ra: “Chính tôi mới là… rắn đấy, anh Rắn ạ! Anh có đập đến mai cũng vậy thôi”.  Xấu hổ quá, Rắn đánh bài chuồn.
Trên đời này Rắn thường bắt nạt Ếch. Hễ mà Ếch nhìn thấy Rắn thì… Ôi thôi! Nó như bị thôi miên và đơ ngay từ phút đầu, khiến cho Rắn dễ dàng bắt làm nô lệ cho cái bụng đang háu đói.
Rùa nắm khá tường tận các loài Rắn vì dù sao chúng cũng đã từng mang họ Bò sát. Bởi thế Ếch thường đi kiếm ăn cùng với Rùa, nhờ Rùa che chở cho cũng như chỉ lối chỗ nào không có Rắn.   
Tuy nhiên, Ếch cũng có thói rất xấu là tham lam, ích kỷ. Thấy mồi, bao giờ nó cũng lanh chanh kêu lên:
-  Tớ nhìn thấy trước đấy nhé!
Biết tính Ếch lau chau và phàm ăn, Rùa thường nhường nhịn bạn. Mặt khác Rùa cũng thông cảm cho Ếch, nó phải cố ra ăn để đến mùa đông đủ khả năng ngủ qua mùa.

DU LỊCH 

RỦ NHAU ĐI DU LỊCH  (Tiếp theo 24)
Quanh quẩn mãi một chỗ cũng chán, Thỏ rủ Rùa và Ếch đi du lịch một chuyến dài ngày. Rùa ham hiểu biết nên vừa nghe Thỏ đề xướng thì vui vẻ đồng ý liền, còn Ếch thì chẳng có gì hăng hái cả, nó nghĩ thầm trong bụng: “Có gì hay ho đâu cơ chứ, chỗ nào chả giống chỗ nào mà phải xem…”
Sáng sớm mai, cả ba cùng lên đường. Cứ men theo suối mà đi để tiện cho Rùa và Ếch khi di chuyển. Chủ đích đi chơi và học hỏi nên không cần nhanh, không cần phải cố sức. Dọc đường Rùa thường dừng lại tìm hiểu thắng cảnh, các phong tục tập quán, các sản vật, cây cỏ lần đầu mới gặp. Có đi ra mới biết thiên nhiên, đất nước quê hương mình hùng vĩ như thế nào. Suối nước trong xanh trôi lững lờ, từng đàn cá sắc màu sặc sỡ đang đùa giỡn tung tăng giữa làn nước biếc. Trên bờ ngào ngạt bao thứ hoa thơm cỏ lạ, ong bướm bay hàng đoàn rập rờn, cảnh tượng thật là tươi đẹp.
Có nhiều thứ từ bé tới giờ Rùa mới nhìn thấy, lạ lẫm và hứng thú vô cùng. Lắm chỗ tò mò cứ phải hỏi Thỏ hoặc các cư dân nơi ấy cho tường tận mọi lẽ. Cùng với trang sách hồng thì bài học cuộc đời sinh động và quý giá biết bao.
Ngược lại với Rùa, Ếch chỉ nhảy chồm chồm xem qua quýt như là cái gì cũng đã biết cả rồi. Câu cửa miệng mà Ếch thích nói là: “Ộp ộp… Biết rồi - Biết rồi… Ộp ộp…”  


KỲ THỊ MÀU DA  (Tiếp theo 25)


Hôm ấy, trời trong và gió nhẹ, Ếch cảm thấy trong lòng khoan khoái lạ thường. Nhìn bộ điệu thì biết bữa nay nó đang phởn chí, tay cầm một tàu lá làm ô che đầu, miệng nghêo ngao hát mấy câu mà nó tự sướng:
“…Ta đây oách nhất trên đời
Gà đồng đặc sản mấy ai sánh cùng
Tiêu dao non nước vẫy vùng
Chán chê thì lại ngủ đông hết mùa….”
Bỗng nó giật bắn mình, nhảy ngược trở lại. Một con vật giống Ếch như lột nhưng toàn thân xanh lét đang trố mắt trừng trừng nhìn vào nó. Bình tĩnh lại nó hỏi con kia:
-  Tại sao mày lại dám giả danh Ếch?
-  Tao mới chính là Ếch đây. Mày ở đâu đến đừng có mà hồ đồ, láo toét.
-  Á, à… Tên này trêu máu mình….
Hai đối thủ gườm gườm, chuẩn bị giáp lá cà xông trận thì Thỏ và Rùa chạy đến:
-  Thôi, thôi! Dừng lại đi! Tôi can hai bạn đấy!… Can hai bạn đấy!
Khuyên giải mãi chúng mới hết cơn khùng điên. Bấy giờ Thỏ mới giải thích rành mạch cho cả bọn hiểu:
-  Cả hai đều là Ếch cả thôi. Anh này màu đất vì thường ở vùng đất, anh kia màu xanh vì thường sống vùng nhiều cây cỏ. Màu sắc giúp Ếch hòa lẫn vào môi trường khiến cho Rắn khó phát hiện. Chỉ đơn giản vậy thôi. Thế nào, đã hiểu chưa? Nếu hiểu rồi thì hòa giải đi….

Hai đứa ngượng ngùng quá, bắt tay nhau mà vẫn chưa hết ngượng. Từ nay chúng mới sáng mắt ra: Đừng có mà kỳ thị màu da, Ếch nâu hay Ếch xanh tùy từng vùng và chỉ là để thích nghi tự bảo vệ mình.   
Dọc đường đi Thỏ còn cho biết thêm: Một số loài khác cũng có tính thích nghi vậy như Tắc-kè, Kỳ nhông…

QUẢ GÌ MÀ XINH XINH THẾ  (Tiếp theo 26)
Hôm nay, cả ba đi vào một khu rừng già. Nhìn lên bầu trời chẳng thấy mặt trời đâu, chỉ thấy những thân cây cổ thụ sần sùi, cao vút trong tán lá ken dày. Thấp thoáng là bóng mấy chú Hoãng, Hươu, Nai rủ nhau ra suối uống nước.
Bỗng Rùa phát hiện ra vùng này lắm cái quả gì giống như hình cánh quạt nằm rải rác ven bờ suối. Nó nhặt lên xem thì đúng là kiểu dáng của nó rất đặc biệt có hai cánh 2 bên cân đối, như một thứ đồ chơi cho trẻ nhỏ. Rùa hỏi Ếch:
-  Mình chưa hiểu: Tại sao cái quả ấy lại có hình thù lạ mắt như vậy? Cậu có thể giải thích được không?
-  Ồ! Sao cậu cứ hay tò mò, rắc rối quá vậy. Ai chẳng thích đẹp, người ta nhìn thấy cái quả đẹp thì họ sẽ nhặt thôi. Có thế mà cũng phải hỏi.
-  Mình thì nghĩ rằng nó có tác dụng gì đấy chứ không phải bỗng dưng cấu tạo của nó lại cân đối, đẹp đẽ đến như vậy đâu.
Lúc ấy Thỏ từ đằng xa vừa đi tới, nghe Rùa và Ếch đang tranh luận về cái quả cầm trên tay, Thỏ mới giảng giải cho 2 bạn:
-  Quả này chính là quả Chò nâu. Lần tôi đến rừng Cúc Phương thấy có rất nhiều. Đây cũng là một hình thức phát tán của cây để duy trì dòng giống. Hình thù như vậy sẽ làm cho nó bay trong gió như một cái chong chóng và đi rất xa để cắm một hạt giống ở đấy. Các bạn có thấy cây cối nó khôn ngoan không?
Không chỉ có Chò nâu, các cây Gạo, cây Ké… cũng có kiểu phát tán rất độc đáo. Quả Gạo có túm bông nhẹ như cái dù để bay ra xa. Quả ké có móc để bám vào lông các con thú mà đi khắp nơi…

Lúc này thì cả Rùa và Ếch mới vỡ lẽ và hiểu ra rằng tạo hóa rất thông minh và có lý để bảo toàn, phát triển nòi giống cho muôn đời sau.  

ĐẸP CHẾT NGƯỜI  (Tiếp theo 27)
Một hôm thấy Rùa từ đằng xa bò gấp gấp đến gặp Thỏ, hổn hển thở không ra hơi:
-  Thỏ ơi! Gay quá…. Ếch bị làm sao rồi…!
Thỏ chạy lại chỗ Rùa chỉ thì đúng thế thật. Ếch ta đang nằm thẳng cẳng, miệng sùi bọt mép, mắt trợn ngược. Rùa cho biết nó nhìn thấy Ếch ăn cái quả gì ở đằng kia.
Theo tay Rùa thì phía trước mặt là một đám cây hoa mơn mởn, đẹp rực rỡ, bông thì màu tím, bông thì màu trắng, bông lại màu vàng. Có mấy quả nhỏ như quả ổi đang lăn lóc gần đấy.
Thế là Thỏ đã hiểu ra sự tình, nó đi kiếm mật hoa, lá thuốc về đổ vào miệng Ếch. Lát lâu sau thì Ếch tỉnh, nó ngơ ngác như kẻ vừa từ một hành tinh xa lạ nào đến, miệng hãy còn đắng ngắt. Ếch thuật lại sự việc: …Đi chơi gặp khóm hoa đẹp cũng lại có quả nữa bèn cắn thử. Không ngờ trong đó có chất gì mùi thơm thơm, ngon ngon nhưng hăng hắc làm nó quay cuồng đến mê mệt, đờ đẫn… chả còn biết gì nữa.
Thỏ bảo:
-  Đấy là cây Anh Túc (hay là cây thuốc Phiện) trong nó có chất gây nghiện rất nguy hiểm. Vừa rồi cậu chỉ mới thử một tý mà đã vậy. Cậu mà thử vài lần nữa là không cai nổi đâu.
Hiện tại Loài Người họ cũng đang điêu đứng, khổ sở vì tệ nạn nghiện hút này đây, tổn hại không biết bao nhiêu là tiền của, công sức mà chưa giải quyết xong được.

À! Thế ra cái từ Ma túy có nguyên do từ cái cây hoa xinh đẹp đến mê hồn này đây. Nhiều anh đi vào chỗ chết chỉ vì hám đẹp là vì thế. Có lẽ Ếch sẽ sợ đến già không bao giờ dám đụng đến cây Anh túc nữa.


ĐẠI HỒNG THỦY (Tiếp theo 28)
Không biết đã trải qua bao nhiêu ngày trời trong chuyến chu du kỳ thú này. Chỉ biết rằng đã qua rất nhiều mùa trăng tròn, trăng khuyết.
Một hôm, chúng nhìn qua bên kia suối thấy có hàng đoàn kiến cõng ấu trùng trên lưng, mang vác, vận chuyển lương thảo hối hả chạy ngược lên gò cao. Thỉnh thoảng lại thấy vài ba con chụm đầu vào nhau thì thầm câu chuyện gì đấy có vẻ như hệ trọng lắm. Thỏ bảo hai bạn: “Trời sắp có mưa to rồi đấy, chúng ta cũng phải cảnh giác tìm nơi trú thôi”. Ếch ngước mắt lên nhìn trời. Trời xanh cao bát ngát, vài cụm mây trắng giăng ngang, nắng vàng chan hòa, rực rỡ tỏa khắp khu rừng. Ếch không thể tin nổi thời tiết đẹp như thế mà lại chuyển sang mưa. Nó cứ loanh quanh ven suối tìm mồi và chơi với bọn Cua Đá chẳng hề lo sợ gì. Nó còn bảo với Cua Đá: “Trời này á, còn lâu mà mưa nhé. Nắng nóng thế, tớ cứ tắm cho mát cái đã”.
Chiều ấy, mặt trời bỗng dưng biến đâu mất, một cơn giông cực lớn như cuồng phong nổi lên, mây đen ở khắp bốn phương kéo đến mù trời, không nhìn thấy rõ cả lối đi. Thỏ cõng Rùa chạy vội vào một hang đá gần đấy trú mưa, còn Ếch đang ngoài suối nên chạy không kịp. Tất nhiên nó bơi rất giỏi nhưng trận lũ quét bất ngờ đã cuốn nó đi xa… Rất xa….
Cả đêm ấy Thỏ và Rùa thao thức không sao ngủ được vì lo cho Ếch hãy đang còn lưu lạc phương nào…  

HẬU ĐẠI HỒNG THỦY  (Tiếp theo 29)
Sáng sớm mai, trời chưa tỏ Thỏ và Rùa đã rời khỏi hang ra bờ suối. Một cảnh tượng thê lương, rùng rợn đang bày ra trước mắt chúng.
Con suối hiền hòa mọi ngày đã trở nên hung bạo cuồn cuộn một thứ nước đỏ ngầu, thi thoảng nổi lềnh phềnh những cái xác chết. Góc ngọn núi bên suối bị sạt lở, đất đổ xuống đã chôn vùi nhiều gia đình bên dưới. Nghe đâu cả nhà Nhái bén, cả nhà Chẫu chàng đang bị vùi lấp dưới lớp đất dày. Tiếng kêu la thấu trời lộng đất nghe đến não lòng, nát óc. Trước tình cảnh ấy, Thỏ và Rùa bảo nhau đến góp sức đào bới để cứu các cư dân gặp nạn.
Vừa làm họ vừa nghe kể lại câu chuyện buồn:
…. Trước đây cuộc sống nơi này rất yên bình, không bao giờ bị tai ương ghê rợn như hôm qua. Gần đây rừng đầu nguồn bị chặt phá nhiều quá, khiến cho lũ lụt tràn về, nặng nề nhất là lũ quét và lở đất.
Rùa nghe chuyện vẫn chưa hiểu được tại sao phá rừng lại gây ra lũ quét. Thỏ lại phải giải thích để cho Rùa hiểu:
-  Cây bị đốn hạ, lớp lá mục cũng không còn nữa, đất bị cuốn trôi trơ trọi không còn khả năng thấm nước. Hễ mưa lớn là nước tuột ngay về xuôi, không còn giữ lại được trên thượng nguồn. Một lượng nước khổng lồ tràn về thì tạo thành lũ quét, lũ ống là điều không thể tránh khỏi.
Thật không ngờ bọn lâm tặc phá rừng cũng chính là đồng phạm gây nên những cái chết cho các cư dân khốn khổ nơi đây. 
  Sang buổi chiều công việc đào bới đã tạm ổn, Thỏ Rùa phải cáo lỗi để đi tìm Ếch. Bốn phương bất định, trời đất mông lung nhưng chúng vẫn cứ đi, mang theo hi vọng mong manh.

ĐI TÌM ẾCH TRONG VÔ VỌNG  (Tiếp theo 30)
Phần tiếp sau của cuộc du lịch biến thành một cuộc buồn vì Thỏ và Rùa phải men theo suối đi ngược lại tìm Ếch. Dù sao bộ ba cũng đã bao nhiêu ngày đồng hành, bao nhiêu phen chia ngọt sẻ bùi, vào sinh ra tử.
Dọc đường về Thỏ Rùa càng có dịp tìm hiểu sâu thêm về đời sống gian truân của chúng sinh muôn loài. Trận lũ quét đi qua đã để lại những hậu quả thật là tàn khốc. Đâu đâu cũng nghe tiếng khóc nỉ non, sầu thảm của những đám tang các cư dân xấu số. Nhà cửa đổ nát ngổn ngang, cây cối rũ rượi như không còn sức sống.
 Một bác Rái Cá đang dựng lại căn chòi bị đổ trong cơn hồng thủy vừa qua, còn bác gái thì ngồi ủ rũ nơi góc chòi khóc than thảm thiết. Hỏi chuyện, các bác cho biết: “….Từ xưa tới giờ mới gặp một trận lũ quét kinh khủng như vậy. Chỉ có mấy phút là nước ngập vào nhà. Vợ chồng bác phải ôm đàn con bơi vội lên gò đất cao. Đứa út yếu ớt quá đã không may bị nước cuốn trôi. Nhiều nhà chạy không kịp thì lũ cũng cuốn đi tất cả…”
Hỏi thăm có ai biết Ếch ở đâu không. Không một ai biết. Thỏ cũng nghĩ Ếch kêu to lắm, nó mà đang ở đâu đấy là biết liền.
Ngày thứ ba vô vọng trong việc tìm kiếm Ếch….

PHÁT KIẾN BẤT NGỜ  (Tiếp theo 31)
Chán nản, mệt mỏi và buồn bã, cứ nhìn thấy một đám tang hay một nấm mồ ven đường là cả hai lại lờ mờ nghĩ đến Ếch. Tuy nhiên cũng chỉ nghĩ vậy thôi chứ không dám nói với nhau cái giả định phũ phàng, cay đắng ấy.  
Bỗng dưng như có một phát kiến bất ngờ, Rùa nhảy dựng lên:
-  Ôi! Tại sao chúng ta không đăng thông tin này lên nhỉ? Có phải đỡ được bao nhiêu công lao đi tìm không?
Hay quá! Đơn giản vậy mà chỉ vì mải lo tìm kiếm bạn nên không nghĩ ra. Vậy là cứ đi dọc theo bờ suối, Thỏ và Rùa viết lên tất cả các thân cây dòng thông báo: “Thỏ Rùa đang đi tìm Ếch. Ai biết chỉ giùm. Xin cảm ơn”
Đã có vài ba thông tin nhưng lần mò được đến nơi thì lại không phải. Hôm qua, gặp Bọ Ngựa, nó cam đoan là đã nhìn thấy Ếch đang ở trong một gốc cây mục, cứ đi theo nó chỉ lối sẽ đến. Hộc tốc theo ngay Bọ Ngựa đến chỗ ấy thì gặp cụ Cóc già, da đã nhăn nheo. Cụ gương mắt nhìn cả bọn, đoạn ho sù sụ rồi khó nhọc nói từng tiếng:
-      Tao không phải Ếch…. Tao là cậu ông Trời…. Nhưng bây giờ già rồi…, ít khi ra ngoài lắm… chẳng biết gì đâu….
  Lại một phen thất vọng tràn trề…..

BẤT NGỜ  (Tiếp theo 32)
Tưởng như chả còn hy vọng gì thì bất ngờ ngày thứ ba có một chú Chuồn Chuồn bay đến báo tin: Ếch đang ở một cái hốc đá ven suối cách đấy chưa đầy 1 dặm. Thỏ Rùa cảm ơn Chuồn Chuồn tốt bụng rồi vội vã theo chỉ dẫn đến đó ngay.
  Nhìn vào hốc đá thấy đầy rêu xung quanh, bên trong tối lờ mờ. Đúng là Ếch đang ở đây thật nhưng nhìn kỹ mới nhận ra vì hình trạng vô cùng thiểu não và tiều tụy của nó. Toàn thân bị xây xát, rớm máu, một bên mắt sưng húp, một chân bị thương nặng. Nhìn thấy hai bạn tới tìm, nó tu tu khóc nức nở và kể lại đêm kinh hoàng mà nó đã trải qua.
  …!...!...!.... Cơn lũ ập đến, lập tức nó bị nước cuốn đi ngay. Bất ngờ vớ được một cái cành khô rồi cứ thế nhắm mắt mặc cho trời đất quay cuồng. Người nó lúc lật bên này, lúc lật bên kia mệt đến rã rời. Cho đến lúc nó chìm vào một giấc mơ màu đen…  Mở mắt ra thì thấy đang nằm trên một bụi cỏ, xương cốt mỏi nhừ không thể hoạt động được. Mãi lâu sau mới gắng gượng lết vào cái hốc này và nằm lì suốt từ hôm đến nay…
Nói xong Ếch lại ôm mặt khóc tức tưởi.
Thỏ an ủi bạn: “Từ giờ bạn có thể yên tâm, có chúng tớ luôn bên cạnh. Rồi sẽ bình thường thôi mà. Rồi chúng ta lại trở về nhà”
Rùa ra suối kiếm cho bạn ít thức ăn, Thỏ lên rừng hái lá thuốc về rịt vết thương cho nó. Cũng phải mấy ngày sau Ếch mới hồi phục.

ĐƯA TÁO VỀ TRỜI  (Tiếp theo 33)   
Buổi sáng hôm ấy, cả ba đang men theo suối để trở về, bỗng xuất hiện trước mặt một cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy bao giờ. Hàng đoàn cá Chép Nhí nối đuôi nhau bơi dưới lòng suối như đi hội. Chúng có vẻ hoảng loạn lắm, khóc đỏ cả mắt, có đứa bị bong tróc vẩy, có đứa lờ đờ bơi vật vờ như xác chết.
Hỏi một chú đang bơi sát bờ xem binh tình ra sao mà thảm thương đến vậy. Chú dừng lại khóc than và kể lể:
-  Các bác không biết hôm nay là ngày gì ư? Đây là cái ngày Đại tang mà họ hàng nhà Chép chúng em khốn khổ, khốn nạn từ bao lâu nay. Chả biết sao mà Con Người đặt ra cái lệ cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp và phóng sinh cá Chép. Họ dùng lưới hót chúng em lên bán cho người khác, cuối cùng người ta lại chuyển chúng em ra suối. Quá trình đánh bắt, mang ra chợ nâng lên, đặt xuống đã làm chúng em trầy trợt. Nhiều đứa yếu quá đã chết… Hu…hu…hu…
Nghe Chép Nhí vừa nói vừa khóc mà thương cảm không cầm được nước mắt. Thì ra mải đi, cả ba quên mất luôn ngày tháng, với lại cái Lễ cúng Ông Táo ấy của Người chứ bọn chúng có đâu.
Rùa bảo với Thỏ: “Chúng ta có cách gì nói cho Người hiểu rằng có thể bỏ cái lệ Phóng sinh này đi được chăng?”

LẠC VÀO CÕI NGƯỜI (Tiếp theo 34)
Một buổi nọ, mải vui chơi thế quái nào Thỏ, Rùa và Ếch bị lạc vào một ngôi làng, nhà cửa san sát, chỗ nào cũng thấy tường bê-tông. Chúng hoảng hồn lo sợ chưa biết thoát ra bằng cách nào. Bỗng có một bác nông dân đã đứng tuổi trông thấy. Bác ôn tồn bảo:
-  Mời các bạn vào ăn Tết với chúng tôi. Dịp này không ai làm gì các bạn đâu. Nhưng sau Tết thì mời các bạn trở lại rừng chứ không thì sẽ trở thành món nhắm đấy.
Ngừng giây lát bác tiếp:
-  Thôi được rồi, cứ ở đây với nhà ta ăn một cái tết cùng Người xem sao. Qua Tết rồi ta sẽ mang trả về rừng.
Bác nông dân thật bao dung, tốt bụng và hiếu khách. Bác bố trí cho 3 vị khách ở một góc vườn sạch sẽ, có ao, có rau dùng tùy thích. Bác dặn vợ con đây là khách quý của nhà ta năm nay, phải trông nom cẩn thận.
Vừa đói, vừa mệt cả bọn đánh một giấc dài.
Bỗng dưng, tầm nửa đêm chúng giật mình thức giấc, một tiếng nổ rồi nhiều tiếng nổ đì đẹt phía cuối làng. Hoảng loạn, chúng tìm cách để chuồn khỏi nơi này. Nhưng xung quanh vườn đều xây tường cao, không thể làm sao được. Trong nhà tiếng bác trai:
-  Lại đứa nào đốt pháo rồi. Quái quỷ. Cấm ngặt thế mà chúng vẫn cứ mò ra được
Tiếng cậu con trai: “Giao thừa có pháo cũng vui mà bố”
Lại tiếng ông bố: “Chúng mày có biết gì đâu. Hồi cho nổ pháo tự do đã làm chết bao nhiêu người không, Chính phủ mà không cho cấm thì là còn chết khối”.
Xen vào tiếng bà mẹ: “Tôi là tôi cứ cấm tiệt, điếc tai, tốn tiền…”
Cả bọn phía sau vườn nín thở nghe câu chuyện. Ở cõi Người cũng phức tạp thật. Lần đầu đến chỗ Người, lại đúng vào Tết của họ, với chúng cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm.

NGÀY ĐẦU NĂM MỚI  (Tiếp theo 35)
Mệt và buồn ngủ, chúng lại tiếp tục chìm trong giấc nồng đang dở dang, lúc mở mắt ra thì đã sáng tưng bừng. Thời tiết đẹp hơn hôm qua nhiều, trời sáng và ấm, gió nhẹ hiu hiu. Mùi hương trầm thoang thoảng lẫn trong gió sớm. Ngoài đường tấp nập người đi lại, bọn trẻ con diện quần áo mới chạy nhảy lon ton. Tiếng chào hỏi nhau râm ran nghe sao mà vui vẻ và thân thiện quá:
 “Năm mới chúc bác sức khỏe dồi dào….”
“Năm mới chúc em sắp có tin vui….!”
“Năm mới chúc cháu học giỏi….”
…………
Bắt tay nhau, xởi lởi… hồ hởi và vồn vã như là lâu lắm rồi họ chưa bao giờ gặp nhau. Trong lòng mỗi người đang dâng lên những niềm vui thật sự, khó mà hình dung ra được có một lúc nào đấy họ lại đi nói xấu về nhau.
Rồi mời mọc đến nhà nhau một cách thiết tha, chân tình lắm. Lúc này, trong nhà ồn ào những câu chúc tụng chẳng nghe rõ ra câu gì. Tiếng chạm cốc lanh canh, họ bắt đầu một cuộc đánh chén. Bất ngờ có tiếng hô thật to: Một, Hai, Ba…. Dô…!  ---- Một, Hai, Ba…. Dô….!
Bọn chúng lại một phen sợ xanh mặt, tưởng họ đang chuẩn bị khí thế để hành quyết mình. Nhưng không phải. Họ thích thế mỗi khi uống rượu cho nó bốc. Họ ăn và uống lâu lắm, càng ngày càng nói to như đang cãi nhau, ngoài vườn nghe rõ mồn một: “Chả mấy khi… Tết mà…. Xả láng đi… Sợ à…. Nào trăm phần trăm nhá….”.
Bác trai bảo vợ mang thật nhiều thức ăn ra cho 3 vị khách. Ăn chán chê, còn lại tràn trề. Trong cuộc đời chúng chưa bao giờ chỉ nằm một chỗ mà được ăn uống, phục dịch sung sướng đến như vậy.

KHÁCH THIẾU NHI  (Tiếp theo 36)
Hôm nay ông chủ có một toán khách thiếu nhi. Từ cổng đã nghe bọn chúng ríu rít tranh nhau chào:
-  Chúng cháu chào ông bà!....
-  Chúng cháu chúc ông bà năm mới mạnh khỏe ạ!....
Ông bà lấy quà bánh ra đãi bọn trẻ và bảo:
-  Tết năm nay nhà ông có khách đặc biệt. Bây giờ ông sẽ dẫn đi thăm các vị khách ấy.
Cả bọn reo ầm lên sung sướng theo ông ùa ra vườn. Ông chỉ vào góc vườn:
-  Kia kìa! Khách quý của ông đó.
-  Ơ! Hay nhỉ? Sao lại giống hệt trong câu chuyện “Thỏ Rùa liệt truyện” của bác Dang Kich vậy, hả ông? Chúng cháu đang đọc dở đến đoạn ba bạn Thỏ, Rùa và Ếch đi du lịch thì bọn nó bị lạc đâu mất. Hóa ra lại đi lạc vào nhà ông à. Ông đã đọc chuyện đó chưa? Rồi chúng líu ríu kể lại “Thỏ Rùa liệt truyện” cho ông già nghe.
Lúc này đã hơi quen quen; Thỏ, Rùa và Ếch mới mon men đi đến chơi với bọn trẻ. Bọn chúng khoái lắm hết sờ tai lại sờ đuôi Thỏ, có đứa còn bê cả Rùa lên xem có nặng không. Lâu nay chúng chỉ nhìn thấy hình trong sách chứ có khi nào được sờ vật thật. Nhưng rất tiếc giữa loài vật và con người bất đồng ngôn ngữ nên chỉ nói được với nhau bằng động tác của mỗi bên.
Bọn trẻ đến chơi đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, khó quên. Hóa ra trong xã hội Con Người cũng có rất nhiều người yêu thương và bảo vệ loài vật. 

 THƠ CHO ẾCH THỎ RÙA  (Tiếp theo 37)
Hôm nay đã là ngày thứ 3 ăn Tết ở đây. Chủ nhà tiếp một ông bạn tri kỷ lâu ngày mới gặp. Đôi bên mừng rỡ hàn huyên đủ thứ chuyện về gia đình, về công việc, các bạn bè cũ ai còn ai mất, chuyện nhân tình thế thái…. Bỗng ông chủ nói với ông bạn:
-  Tôi gặp chuyện này lạ lắm ông ạ! Hôm 30 tết, thấy có 3 con vật đi với nhau lạc vào làng. Tôi đưa về nhà nuôi. Hôm qua mấy đứa cháu đến chúc tết nó lại bảo bọn này ở trong sách. Rồi chúng nó kể chuyện “Thỏ Rùa liệt truyện” cho tôi nghe. Sao lại có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ vậy nhỉ?
Trong khi bà vợ đang sắp cỗ, ông dẫn bạn ra thăm vườn, thăm Thỏ Rùa Ếch cũng là để minh họa cho câu chuyện. Ông còn đọc mấy câu thơ viết tối qua cho ông bạn nghe:
Tết Bính Thân năm nay vui thật
Trong vườn nhà có Ếch Thỏ Rùa
Thong dong xem chúng nô đùa
Tiêu dao ngày tháng, hơn thua kiếp người
Dẫu có sống một đời vương giả
Cứ ở rừng liệu đã hơn ai
Vào đây tháng rộng ngày dài
Ăn no, mặc ấm hôm mai mặc lòng
Ta đối xử cũng không đến nỗi
Để các người bối rối hoang mang
Về xuôi nhớ núi non ngàn
Về ngàn có nhớ xóm làng xa xôi
Chốn xa xôi có người có vật
Chuyện tào lao như thật như đùa
Ngẫm xem Liệt truyện Thỏ Rùa
. . . . . . . . . . . .
Ông khách chăm chú nghe rồi ngửa mặt lên trời cười ha hả:
-  Ông lãng mạn và mộng mơ quá đấy!... Các con vật nó biết quái gì đâu mà ông cứ nghĩ ngợi cho nó mệt óc.
-  Nó biết cả đấy ông ơi! Ông có thấy khi ta làm thịt con vật nó khóc và nhìn ta bằng ánh mắt căm hờn không ?
- Trời sinh ra nó để làm cái việc ấy mà.
-  Tôi nghe nói các nước họ ra hẳn một đạo luật Quy định cấm hành xử thô bạo với loài vật. Thôi thì ở ta chả biết đến khi nào. Mình cứ theo cái lương tâm của mình thôi ông ạ.

SAU TẾT LÀ RÁC  (Tiếp theo 38)
Mấy ngày qua ở Xứ Người được đối xử tử tế, được ăn ngủ đầy đủ, Ếch - Thỏ - Rùa có cảm giác dễ chịu và tương đối hài lòng.
 Nhưng sự khó chịu đầu tiên mà chúng gặp đó là xuất hiện đống rác to lù lù ở góc vườn bên kia. Thôi thì đủ cả: túi ni-lon, giấy gói bánh, vỏ hoa quả, bã chè, xương xẩu… Có cả những thứ không dùng được phải vứt đi như bánh mứt kẹo quá hạn, giò chả ôi thiu, hoa quả tẩm hóa chất của Tàu….
Tình cờ chúng nghe lỏm được câu chuyện giữa bà chủ nhà và một bà khách sang chơi:
-  Nhà em các cháu nó sắm về nhiều đồ ăn, thức uống quá, chả làm sao mà hết được. Ăn không xuể, hôm nào cũng phải đổ đi.
-  Có khác gì bên tôi. Trời ơi! Bao nhiêu là thứ. Tôi tính cái Tết dễ tiêu đến hơn chục triệu chứ chả phải ít.  
 Bọn chúng không thể hiểu được tại sao ngày tết họ lại ăn tiêu nhiều đến thế, phải gấp mấy lần ngày thường. Và do vậy đống rác cũng to dần, cao dần theo thời gian.
Hôm qua nghe ông chủ nói với mấy người con: “Tết nhất không có xe rác đâu, liệu mà bỏ gọn một chỗ. Cứ phải đến Rằm tháng Giêng người ta mới đi làm. Hễ mà bày bẩn ra thì gắng mà chịu” 
Chúng cũng phần nào lo ngại tốc độ phát triển của đống rác sẽ tràn sang chỗ bọn chúng đang ở. Lúc ấy thì sẽ nằm trên rác và sống chung cùng rác.

SÁT PHẠT ĐỎ ĐEN LÀ GÌ ?  (Tiếp theo 39)

Suốt ngày thấy Người đi lại, chúc tụng nhau, uống rượu và hát hò, thiết tưởng cũng đã mệt mỏi lắm rồi.
Thế nhưng tối hôm ấy, giữa bốn bề vắng lặng, lắng tai nghe phía bên nhà hàng xóm vẫn có tiếng ồn ào. Bên này nghe rõ tiếng ông chủ nhà: “Lại sát phạt đỏ đen. Chỉ mượn hơi tết mà sát phạt nhau…. Rồi đến khát nước, cháy túi mà chết thôi”
Bọn chúng thực sự không hiểu cái trò “sát phạt đỏ đen” kia nó là thế nào,  đôi lúc chỉ nghe rộ lên: Liêng, Liêng… Ba số…Trúng cái….  Xuống đi, xuống đi…. Nhiều người còn nói những câu từ rất là tục tĩu, bậy bạ.
Bỗng nhiên, có tiếng cãi cọ nhau ầm ỹ lắm. Có cả những tiếng phụ nữ  ấm ức và bức xúc.
To nhất là tiếng một bà giọng chua ngoa, cheo chéo như xé vải:
-  Ối làng nước ơi! Ối các ông, các bà ơi! Ông ấy phá hết của nhà tôi! Có mấy đồng bạc để đóng học cho con ông ấy nướng cả vào cờ bạc rồi…
Và tiếp theo là gào khóc, là chửi bới…. huỳnh huỵch như giằng xé nhau. Lộn xộn, ồn ào mất một lúc lâu thì thấy đám đông giải tán.
Tưởng là chỉ có người lớn chơi trò ấy. Ai ngờ, sáng sớm mai có hai thằng bé đi ngang qua nói với nhau:
-  Ngày qua tao thắng được hơn 3 trăm nhá! Thằng Tèo có mấy đồng mừng tuổi thì nướng sạch.
-  Nhà tao, mẹ tao giấu tiền ở bồ lúa mà bố tao vẫn mọ được. Đếch biết học kỳ 2 lấy đâu ra tiền để nộp học phí.
Ở thế giới động vật không có chuyện ấy nên chúng khá ngỡ ngàng, không hiểu vì sao bỗng dưng người ta lại mang tiền bạc đi nướng. Nướng thì chắc là cháy rồi.

SUÝT CHẾT VÌ NGỘ ĐỘC  (Tiếp theo 40)

Trời chưa sáng hẳn, mà sao hôm nay Thỏ bỗng thấy ruột gan mình đau quằn quặn một cách khác thường. Rùa và Ếch cũng không biết làm cách nào vì loanh quanh trong vườn không thể tìm được cây thuốc như trong rừng.
Vẫn theo thói quen, mỗi sớm mai ông chủ lại ra vườn nhà ngắm cảnh, nhân đó tập thể dục luôn. Bỗng ông giật mình thấy Thỏ nằm thõng thượt, không còn đâu cái vẻ linh lợi như mọi ngày.
Ông  gọi với vào nhà: “Mẹ nó ơi! Ra đây tôi nhờ”.
Bác gái luống cuống chạy ra.
-  Có phải hôm qua mẹ mày cho các vị này xơi lá xu-hào mua ngoài chợ không? Nếu thế là bị ngộ độc rồi. Rau cỏ bây giờ là kinh khủng lắm.
 Cũng may ông làm Y tá ở xóm nên lập tức nghĩ ra cách giải quyết.
-  Mẹ nó vào cầm ngay cái hộp thuốc và bộ xa-ranh ra đây cho tôi.
Ông tiêm cho Thỏ liền 2 phát giải độc cấp tính, uống nước Gờ-lu-cô-za và mấy viên thuốc trợ lực.
Xong xuôi đâu đấy ông dặn vợ:
-  Thôi nhé ! Từ nay đừng có mua rau ngoài chợ nữa, toàn phun các thuốc hóa chất độc hại của Tàu thôi, không đảm bảo đâu. Nhà ta trồng lấy rau sạch mà dùng là tốt nhất.
Điều trị mấy ngày Thỏ ta mới trở lại bình thường.
Có ở cõi Người lâu lâu mới thấy lắm sự phức tạp. Thỏ bỗng nhớ về rừng xanh thân thương với suối nước trong veo, cỏ cây tươi tốt, không khí mát lành. Nó đã bắt đầu chán cảnh sống nơi đây.

BÀN KẾ THOÁT VỀ RỪNG (Tiếp theo 41)

Đã qua dịp tết của Người mà vẫn chưa thấy ông chủ có ý định thả trở lại rừng như đã hứa, cả ba trở nên bồn chồn, lo lắng.
Buổi tối, 3 anh em chụm đầu, nhỏ to bàn tính:
-  Tình hình này chúng ta phải tìm cách thoát thân thôi, chứ ông ấy mà nuốt lời hứa là bọn mình sẽ vào nồi hết.
-  Nhưng thoát làm sao được khi mà tường xây cao, rào kín mít, cổng đóng cả ngày.
-  Thỏ với Ếch có thể nhanh nhảu vọt thoát được, chứ Rùa này chậm chạp cũng đành chịu thôi….
Suy tính chán chê, Ếch lại bàn:
-  Hay là ta vờ ốm. Thấy không có hy vọng gì ông ta sẽ mang quẳng tất vào rừng.
-  Thôi, cậu ơi. Tớ sợ ông ta quẳng xuống hố rồi lấp đất lại là hết cách…
Rùa rầu rầu hiến kế:
-  Trong các cách, chúng ta nên chọn cách nào đỡ thiệt hại nhất. Ngày mai khi ông ấy mở cổng, Thỏ và Ếch cứ phóng đại ra ngoài. Còn để mặc tớ…..
-  Không! Không thể được! Không thể để mình Rùa ở lại được! Phải đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Có thể chúng ta sẽ bện một cái túi bỏ Rùa vào đó, Thỏ sẽ buộc chặt lên mình và chạy.
Đêm đã khuya. Mệt quá chúng thiếp đi khi nào không biết.

 HÀNH QUYẾT  (Tiếp theo 42)
……
….Y theo lời bàn của Rùa. Sáng ra, chúng nấp sẵn vào sau cánh cổng, chờ cho ông chủ vừa mở hé cổng, Thỏ và Ếch vọt mạnh ra ngõ, cứ thế chạy thục mạng. Ông chủ sững sờ đứng như trời trồng mà nhìn theo.
 Chỉ còn lại Rùa, ông điên tiết lên, hai tay bê Rùa giơ lên cao quá đầu và đập mạnh xuống đất như trời giáng. Rùa tưởng như mình sẽ vỡ tan tành ra hàng trăm mảnh. Nhưng cái mai của nó quá cứng nên chỉ làm lõm đất. Ông cau mặt lại, gầm thét như một người điên:
-      Đồ vô ơn bạc nghĩa. Đồ phản bội. Tao sẽ cho chúng mày biết tay.
Rồi ông gọi giật giọng vào trong nhà:
-      Bà nó ơi! Hãy nấu cho tôi nồi nước! Tôi hết chịu đựng rồi! Tôi không thể chứa chấp quân này được nữa rồi.
Ông mang Rùa vào trong sân, rút con dao phay ra góc bể nước ngồi mài. Vừa mài dao ông vừa lẩm bẩm:
-      Sướng không muốn sướng lại thích khổ. Đối xử với chúng nó tử tế như thế chứ còn thế nào nữa. Đúng là đồ súc vật, không có não….
Rùa nghe ông chủ nói thì thấy oan ức quá, chỉ biết khóc tấm tức mà không biết phân trần ra sao.
Lại nói về Thỏ và Ếch, chạy được một đoạn chả biết nghĩ ngợi thế nào lại mon men quay lại hòng cứu Rùa như hồi trước đã có lần. Hé mắt nhìn vô thấy Rùa đang nằm ngửa giữa sân, bốn chân giơ lên trời quẫy quẫy trong tuyệt vọng. Nồi nước trên bếp thì đang sôi sùng sục. Thỏ thương bạn quá đã gào lên:
-      Các người ác lắm! Không được giết bạn tôi….! Không được giết bạn tôi….!  
Cảnh tượng hãi hùng sắp sửa diễn ra.
Thì….
…………………….

NGOÀI SỰ TƯỞNG TƯỢNG  (Tiếp theo 43)
Đang chờ cảnh tượng hãi hùng diễn ra.
Thì… Bỗng giật mình tỉnh giấc khi có tiếng lách cách mở khóa cổng. Hóa ra đấy chỉ là một giấc mơ đầy kinh dị. Cảm giác giờ lên giá treo cổ đã rất gần. Có lẽ bây giờ là thật chứ không còn là mơ nữa rồi. Ông ta cầm trên tay một con dao và kèm theo một cái bao, bê từng con một bỏ vào và buộc miệng bao lại. Thỏ, Rùa và Ếch hết sức nài nỉ nhưng có lẽ ông không hiểu được tiếng bọn chúng, cứ thế vác lên vai mà đi.
Dọc đường, dường như phần nào đoán ra được tâm trạng lo sợ của ba vị khách đang nằm trên vai mình, ông chủ khẽ thì thầm vừa đủ nghe:
-  Tôi đang mang các vị trả lại rừng xanh đây. Tôi chả bao giờ có ý định lừa lọc các vị cả. Tôi đã hứa là tôi sẽ làm. Với lại tôi mà thịt các vị đi thì câu chuyện “Thỏ Rùa liệt truyện” của Dang Kich còn gì mà viết nữa?
Nghe ông nói đến đâu cả bọn mừng vui nở từng khúc ruột đến đấy. Tình huống đảo ngược ùa đến bất ngờ làm bọn chúng bàng hoàng như đang trong mơ. Chúng đã hiểu lầm tấm lòng vị tha của ông mà suýt nữa xử sự cạn tàu ráo máng. Chúng cảm ơn ông bằng ngôn từ của loài vật nên ông cũng chả nghe được. Ông lại tiếp tục màn độc thoại:
-  Con người ta sống phải có đạo đức, phải có trước, có sau, có nhân, có nghĩa. Loài vật cũng suy nghĩ như con người. Phải có lòng nhân với muôn loài thì lương tâm mới thanh thản. Cho nên đạo Phật mới khuyên người ta đừng có sát sinh…
Chúng như nuốt từng lời của ông và chả rõ ông có nghe được không nhưng cứ thấy chúng dạ, vâng rối rít.
Đến ven suối, ông hạ bao xuống, mở miệng bao bỏ từng con một ra, vuốt ve chúng như dặn dò rồi từ biệt. Ba con vật nước mắt tuôn trào, cứ mải nhìn theo bóng ông xa dần cho đến khi khuất hẳn sang bên kia sườn núi.

VỀ RỪNG (Tiếp theo 44)


Sau hơn một tháng lang bạt vào cõi Người, Ếch Thỏ Rùa lại trở về với rừng xanh thân thuộc của mình. Trở về với những người bạn hiền lành dễ thương đã từng gắn bó bao kỷ niệm. Rái cá, Tắc kè, Chim muông… dàn hai bên bờ suối hân hoan chào đón các bạn. Nhái Bén yếu đuối cũng nhảy lên một cành lau trên cao để nhìn cho rõ.
Mừng vui khôn tả, kể sao cho xiết những tình tiết trong chuyến đi dài, đầy những ngẫu hứng bất ngờ mà trong đời chúng chưa bao giờ gặp.
Đợi cho cơn ồn ào ban đầu dịu đi, Nhái Bén mới rụt rè hỏi:
-  Nhưng các anh ơi! Tôi nghe nói Con Người họ ác lắm. Họ ăn thịt hết tất cả chúng ta khi rơi vào tay họ.
-  Đấy chỉ là tin đồn thôi cô em ạ! Đúng là cũng có những người như thế thật. Họ chả từ một loại động vật nào. Nhưng không phải ai cũng đều vậy. Đây các bạn xem, chúng tôi đứa nào đứa ấy béo tốt, tươi tỉnh cả đấy chứ. Không những ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, lại còn được chiều chuộng, chăm chút khi ốm đau.
-  Nhưng Người họ có nghe được tiếng của bọn ta đâu?
-  Không nghe được nhưng họ cảm nhận được, nhất là các bạn thiếu nhi. Nhiều người lớn cũng rất tốt, rất nhân từ đã quan tâm đến bọn tớ như là: Nguyễn Thị Thúy, Cindy Phạm….   và còn rất, rất nhiều các bạn khác nữa.
……
Các bạn ơi! Chúng ta cũng đừng nghĩ xấu về Người. Trong số họ có rất nhiều người tốt, thương yêu các loài vật, mong muốn một môi trường trong lành đầy cây xanh và hoa trái. Chỉ có một số rất ít người vô ý thức mới tìm cách phá hoại môi trường tự nhiên mà thôi. Chúng ta phải làm sao cho những người đó thấy rằng họ phải đối xử đúng mức với chúng ta thì cuộc sống của họ mới bền vững.

SUY TƯ SAU CHUYẾN ĐI  (Tiếp theo 45)
Quả là “Đi một ngày đàng, học một sáng khôn”. Sau chuyến tham quan du lịch về, cả ba đều đã từng trải, trưởng thành và học hỏi được khá nhiều điều bổ ích.
Rùa hình dung lại chặng đường dài, những nỗi vui buồn đã trải qua để ghi chép lại coi như những bài học cuộc đời quý báu. Nó hiểu hơn đời sống thực tế của muôn dân trăm họ. Càng đi lại càng thấy mình kém cỏi và ngu dốt. Về nhà, Rùa càng ham đọc sách báo, hễ đi kiếm ăn về là tranh thủ mang sách ra coi. Thậm chí có hôm đọc sách quên cả đi kiếm ăn, nhờ thế kiến thức của Rùa không ngừng được mở mang thêm.
Ếch cũng khá lên nhiều lắm. Tuy nhiên cái tính hồ đồ, háu táu, cẩu thả, tham ăn thì vẫn còn. Nó thủ thỉ tâm sự với Rùa:
-  Đúng là trước đây mình hiểu biết nông cạn, họ hay nói “Ếch ngồi đáy giếng”, chẳng sai chút nào, cứ tưởng bầu trời chỉ có một tý tẹo trên đầu. Nhưng được đi ra, được tiếp xúc với xã hội, nhất là có Thỏ và Rùa bên cạnh mình đã sáng ra rất nhiều.
Có lẽ đấy là những lời tâm sự chân tình của Ếch vì gần đây người ta thấy Ếch có nhiều thay đổi.

THỎ ĐI ĐÓNG PHIM  (Tiếp theo 46)

Bữa ấy, trời đã ngả sang chiều, Thỏ tìm gặp Rùa và Ếch báo một tin thật là giật gân:
-      Tới đây mình sắp phải xa các bạn rồi.
Cả 2 trố mắt lên ngạc nhiên, hỏi dồn dập:
-      Sao? Bạn nói sao? Định đi đâu? Làm cái gì?
-      Mình sẽ đi đóng phim. Hồi xưa chúng ta lưu lạc nhiều người biết lắm đấy. Một Hãng phim hoạt hình của Nga đã liên hệ và mời tớ cùng cộng tác với họ làm phim. Họ đã cho xem qua kịch bản. Phim lên đến hàng trăm tập và có tựa đề  là “Hãy đợi đấy”. Mình sẽ diễn cặp đôi cùng với Sói.
Ếch và Rùa cùng ồ lên, lo lắng, sợ hãi:
-      Ồ! Cậu không sợ hay sao? Ngày trước suýt nữa Sói nó chả thịt cậu đấy thôi!
-      Các bạn ơi! Sói bây giờ khác trước rồi. Sói không ăn thịt nữa đâu, Sói rất thân thiện và vui tính. Mình và Sói chỉ diễn để quay phim thôi mà.
-      À! Ra thế. Vậy bạn sẽ ăn uống thế nào? Liệu có thức ăn như bên ta không?
-      Các bạn yên tâm đi. Người ta tìm hiểu rất kỹ sở thích và khẩu vị của mình, cho phép mình được lựa chọn thực đơn. Bên ấy họ coi trọng an toàn thực phẩm ghê lắm, không có rau bẩn, thức ăn bẩn như ta đâu.
-      Thế bạn định làm cho họ rồi ở luôn lại hay sao?
-      Không! Mình chỉ ký hợp đồng có 1 năm thôi. Mình về đã còn lại tính sau. Biết đâu thông thạo mình lại mời các bạn cùng đi du lịch châu Âu một chuyến thì sao.
Cả ba bùi ngùi, bin rịn chia tay nhau, vui buồn lẫn lộn. Vui vì Thỏ được lên phim, lên ti-vi, được cả thế giới biết. Buồn vì phải xa một người bạn hào hiệp đã từng chia ngọt sẻ bùi, sinh tử có nhau.



Đọc tiếp »