Trang

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

MỘT CHUYỆN LỪA

MỘT TRÒ LỪA


Tối hôm rồi, đang ngồi mạng thì có đứa cháu ở nước ngoài nhắn tin:
- Bác ơi! Cháu nhờ bác một việc được không ạ!
- Ừ nói đi
- Cháu có một việc rất khẩn bác giúp cháu với! Bác có thể cho cháu vay 2 triệu ngay bây giờ được không ạ!
- Có chuyện chi mà khẩn vậy. 
- Chuyện của cháu mà bác. Bạn cháu ở Hà Nội...
- Kiểu gì cũng ngày mai mới có thể giao dịch được.

(Mình tin tưởng và thân với thằng cháu này, bác cháu vẫn chát chít với nhau luôn nên đang băn khoăn không rõ sao nó lại gấp gáp như vậy)
- Thế bố cháu tên gì?
- Bác hỏi gì kỳ quá? Bác đã không tin cháu nữa hay sao vậy?
- Để cho an toàn bác phải kiểm tra, xác minh chứ.
- Vậy thôi để cháu bảo bố mẹ cháu gửi vậy...
- Vì bố mẹ cháu không có Internet Banking cháu mới phải cầu đến bác? À nhưng bác có Internet Banking không vậy.
- Không, bác không có.
- Thôi, vậy thì mai bác gửi cho cháu cũng được. Số TK đây: 1000111... Vài hôm nữa cháu gửi về trả bác nhé. Cháu cảm ơn bác nhiều. Cháu đang ôn thi, bận lắm bác ạ. 

(Định sáng mai gọi cho bố nó xác minh thêm hoặc gửi cho nó một cái ảnh hỏi xem chụp hôm nào, ở đâu)
Sáng mai thấy thằng cháu thay Nick mới với thông báo: "Vừa bị chiếm Password và bây giờ hủy Nick cũ" 
Mình nói với nó chuyện tối qua. Nó vội vàng loan báo đi các nơi xem có còn ai bị lừa kiểu vậy không....
.................................................................
Đến trưa, gặp lại thằng "cháu" kia:
- Bác đã gửi được cho cháu chưa ạ 
 - Bác gửi rồi. Nhưng bác đã gửi cho nó một liều thuốc trị Hacker chả biết nó nhận được chưa.
Đọc tiếp »

ĐƯỜNG QUANH CO


QUANH CO - QUANH CO
          Bây giờ đường làng thường là thẳng hoặc nắn cho thẳng và đương nhiên là con đường ngắn nhất.
Mềm mại, duyên dáng như dải lụa mềm giữa đồng lúa xanh. Nhớ quê hương bởi những con đường khúc khuỷu này đây.
Ngày nhỏ chúng tôi cũng đi trên những cung đường quanh co như thế để đến trường. Cứ thắc mắc vì sao sao các bậc tiền bối không làm đường thẳng.
Nhưng mà...  nếu tất cả đều thẳng băng thì cuộc đời này sẽ nhạt biết chừng nào.

 (Xóm Núi thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

VỀ TIÊN ĐIỀN





Chúng tôi đến thăm Khu tưởng niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân. Nhớ đến hai câu kết ở bài thơ "Độc Tiểu thanh ký" của ông:
"Bất tri tam bách dư niên hậu 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"
(Chả biết rồi sau ba trăm năm nữa
Có ai là người khóc Tố Như hay không?)
Cho đến nay người ta vẫn đang còn bình phẩm, tranh cãi xem nghĩa lý sâu xa của nó là gì. Từ điển Hán Việt giải nghĩa chữ   (khấp) là thương xót khóc không thành tiếng. Nó khác với   (khốc) là khóc to có tiếng. Và do tam sao thất bản mà nhiều sách in là KHỐC.
Thôi thì ta cứ ngẫm nghĩ theo cách nào mà mình cho là tâm đắc vậy.
- Ảnh 1: Cùng với Lê Sĩ Uyên 
- Ảnh 2: Nhà thờ Nguyễn Du 
- Ảnh 3: Đàn tế của Đại gia đình Nguyễn Nghiễm



Đọc tiếp »

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

CHIỀU VỀ CHẦM CHẬM


Ở làng tôi bây giờ hầu như không còn trâu. Bao đời nay nó là đầu cơ nghiệp vậy mà... 
Thôi khi đã hết vai trò cày kéo thì cũng đành cho nó sang lò mổ làm món "thịt trâu lá lồm" vậy. Rồi đây khi giống trâu trở thành động vật quý hiếm hoặc tuyệt chủng thì con cháu chúng ta chỉ còn biết con trâu qua các câu chuyện cổ tích mà thôi. Và biết đâu vài ba chục năm nữa tấm hình này cũng trở nên quý hiếm.





Đọc tiếp »

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Hẹn ngày gặp lại (Thơ)

                


    HẸN NGÀY GẶP LẠI
                                                               Hoàng Đồng

Tuổi trẻ mưu sinh khắp xứ người
Da mồi tóc bạc, vẫn vui tươi
Quên quên nhớ nhớ, bàn tay nắm
Vấn vấn vương vương, ánh mắt cười
Cái thuở ngập ngừng... lòng muốn nói
Một đời lưu luyến... dạ khôn nguôi
Duyên may gặp gỡ tình bằng hữu
Lắng mãi bên mình bạn của tôi

             BẠN CŨ
                               Bài họa của Đặng Kích

Vẫn cứ hình dung bạn của tôi
Nam thanh nữ tú dáng xinh tươi
Say sưa tuổi trẻ, say sưa hát
Rạng rỡ thanh xuân, rạng rỡ cười
Việc mới lâu nay còn bận bịu
Trường xưa chuyện cũ tưởng ngoai nguôi
Bốn mươi năm chẵn cùng ôn lại
Bằng hữu cầm tay lại nhớ người

----------------------------------------------------------
CHỚ CÓ KHOAN (Dang Kich họa lại Dong Hoang)
Sầm Sơn năm trước hãy còn ngân
Thôi thúc lòng ta giục bước chân
Núi biếc Sơn Đoòng mây trắng phủ
Biển xanh Nhật Lệ nước trong ngần
Đời người thấm thoắt không chờ đợi 
Vài bữa vui vầy chớ có khoan
Đảo Yến, Vũng Chùa mời ghé lại
Ngàn năm cơ hội ấy Trời ban
------------------------------
HỘI NGỘ QUẢNG BìNH (Dong Hoang)
Hồi chuông hội ngộ đã vang ngân
Bạn hỡi! Cùng vui, chớ ngại ngần
Đảo Yến Vũng Chùa nơi hiển Thánh
Thiên Đường Hang động chốn Trời ban
"Trường Sơn" giọng hát còn bay bổng
"Nhật Lệ" câu hò vẫn nhặt khoan
Quyến rũ em, tôi hòa nhịp bước
Ru hồn lão, cụ khoái dừng chân
Đọc tiếp »

GẶP GỠ SẦM SƠN

SUỐI CÁ

Từ Thành nhà Hồ lên Suối cá thần Cẩm Lương theo quốc lộ 217 ước độ 30 km. Đường đã bắt đầu quanh co và hơi khó đi, có đoạn người cứ nhẩy chồm chồm như ngồi trên lưng ngựa. Một đoạn đường đi dọc theo sông Mã, mùa lũ nước đục ngầu chảy xiết, ven bờ ngô non đang trổ cờ, xanh mượt. Điểm tập kết xe là một bãi rộng bên này sông, ngồi xe điện qua cầu treo vào còn gần 4 km nữa. Ngót hai chục năm trước, chúng tôi cũng đã lên đây, khi đó du lịch còn rất sơ khai, qua sông bằng đò rồi đi xe ôm vào.
Nay Suối cá đã ra dáng một khu du lịch sầm uất với những nhà cửa hiện đại, hàng quán san sát. Còn đâu nữa những ngôi nhà sàn trầm tư bên núi, rộn tiếng chim ca, những phụ nữ Mường với trang phục dân tộc bày bán các sản vật núi rừng của họ. Từ bến xe điện ra suối độ vài trăm mét mà có đến hàng trăm quán lớn nhỏ bán đủ thứ: đồ lưu niệm, đồ ăn khô, nước, thuốc…
Khách tham quan khá đông đúc, ai cũng mải mốt đến cái nơi đang háo hức trông chờ. Nhiều người trong số họ chỉ mới đọc báo nghe đài mà chưa một lần đặt chân tới. Dạo này mùa mưa, nước suối nhiều, đầu ngoài cá còn lưa thưa. Càng đi vào trong càng dày đặc, không khác gì cá trong chậu, có con dài đến nửa mét. Chúng nhởn nhơ bơi sát cả vào bờ mặc cho người người nhìn ngó, chỉ trỏ. Có du khách còn lội cả xuống cái đám quần ngư ấy mà vuốt ve, bồng bế cá cho thỏa thích. Người ta bán bỏng ngô cho cá ăn và người ta cũng khuyến cáo không nên cho cá ăn, chả biết nên như thế nào.
Con suối chảy từ trong núi ra nên đàn cá chui vào ở trong hang núi, nếu đến sớm quá cá cũng chưa ra. Không biết tự khi nào mà huyền thoại cá thần cứ râm ran trong dân, nếu ăn vào có thể chết bởi nó không phải là loại cá thường. Những cái chết thương tâm, kỳ bí của ai đó do cố tình ăn cá càng làm cho Suối cá thần trở nên hấp dẫn du khách gần xa. 
Chúng tôi tranh thủ vừa xem vừa chụp ảnh, quay clip làm kỷ niệm. Bên kia suối một ngôi đền mới dựng có lẽ thờ Thần cá chăng. Đi thêm một đoạn có hang động trên lưng chừng núi. Thời gian không có nhiều nên chúng tôi chỉ tới Suối cá rồi về. Nghe đâu vùng Cẩm Thủy này còn vài nơi kiểu như vậy nhưng quy mô nhỏ hẹp hơn. 
Đi lại bây giờ cũng tiện, các “thượng đế” được xe điện chở đi, chở về. Tuy vậy cũng có người đi lẻ phi xe máy vào tận nơi.



TRƯA CẨM THỦY
Buổi trưa ngày 1/8, chúng tôi về nhà hàng Sơn Thủy ở Thị trấn Cẩm Thủy ăn trưa. Nghe đâu Bí thư Huyện nơi ấy vốn là cựu sinh viên khoa Toán và hôm đấy cũng đón một đoàn 14-K3 họp lớp và về tham quan Suối cá.
Vừa xuống xe đã thấy một anh ăn vận tươm tất, chỉnh tề, cà-vạt nghiêm trang ra bắt tay và xởi lởi giới thiệu là cán bộ huyện hân hạnh được tiếp đón các thầy.
Đang tạm nghỉ ngơi uống nước thì thấy vợ chồng Lê Văn Kê hồ hởi đi xe máy đến chào đoàn và thanh minh việc không thể tham gia với lớp đợt này là có lý do riêng. Hồi xưa đi học Kê và Kích là cặp đôi bị diễu nhại luôn đi với nhau vì đã kê là phải kích. Sau này về Cẩm Thủy dạy học hắn lại phệt thêm dấu sắc thành Kế, vì thế hỏi thăm giáo viên dạy trên ấy có biết thày Kê không thì không ai biết cả.
Trong buổi giao lưu trưa ấy rất tình cờ gặp lại mấy anh bạn cũ. 
Quách Văn Sơn, là chủ nhà được Bí thư điều ra tiếp khách – Hiện đang là hiệu trưởng cấp 3 Cẩm Thủy.... Hồi 95-96 học cùng lớp Tin học ở ĐHBK Hà Nội. Vậy là 20 năm nay mới gặp lại nhau.
Lê Văn Thuyết, quê Đức Thọ học Toán 14 cùng dạy C3 Thạch Thành những năm 79-80, cái thời đói kém chia nhau từng mẩu sắn “gạc nai”. Từ hồi mình rời nơi đó vào bộ đội 12/1980 thì cũng chưa khi nào gặp lại. Gần đây tình cờ có người cho biết anh ta đang ở Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và sau đó thì đã kết bạn trên Facebook. Chúng tôi có hẹn với nhau một dịp nào đó cùng về Thạch Thành ôn lại thời gian khó xa xưa. 
Một người nữa là Bùi Văn Thiền, cùng dạy ở trường Văn hóa Quân khu 4, quê Thạch Hà. Hơn 30 năm sau nhân dạng đã có nhiều đổi khác, sương gió thời gian đã làm cho mái đầu anh ta bạc trắng. Tôi và anh ta cứ nhìn nhau mãi mà chưa nhận ra nhau.
Tiệc tàn, Nguyễn Ngọc Hà và Thanh Hà nhảy lên sân khấu hát liền mấy bài. Thấy vui Đinh Chương Hòa, Trần Thanh Bình, Phượng, Lâm và Lệ Hằng cũng lên hát xúm. Ai nấy hát say sưa như lên đồng, như được đắm chìm trong cái thời sinh viên sôi nổi năm nào. 
Đã đến lúc phải chia tay Cẩm Thủy để đi Lam Kinh tiếp tục cuộc hành trình. Ngoài kia đang chào nhau râm ran và xe đang nổ máy.


Đọc tiếp »

BẾN LÚ SÔNG MÊ




BẾN LÚ SÔNG MÊ 

      Ở một đám khác người ta đang bày bán những tờ ghi về vận mạng của từng loại tuổi. Người mua đủ các hạng già có, trẻ có, rồi thì học sinh cấp 1, 2, 3 có cả. Bà tuổi Giáp Ngọ thì đây có tờ Giáp Ngọ, cháu tuổi Nhâm Thìn thì mời cháu lấy tờ Nhâm Thìn.... Nó là nội dung các bài đoán số lăng nhăng lưu hành đầy trên mạng, đọc cho vui thôi chứ tin vào đấy thì có mà bán cả nhà. 
       Xem ra dân tình bây giờ nhiều người đang lạc trong bến lú sông mê quá. 
             (Chụp tại Lễ đúc chuông chùa Cao, Hà Lĩnh)
Đọc tiếp »

DU THUYỀN - PHÒNG GIÁO DỤC BS









Đọc tiếp »

DU THUYỀN HỘI THƠ ĐƯỜNG



ĐỀN CÔ BA - NGÃ BA BÔNG

TOÀN ĐOÀN

CẦU NGOẠT VIÊN

EM HƯƠNG - HDV 


CHU MÃ BA


DƯƠNG CUNG


LÊ ĐÌNH NGHĨA

Đọc tiếp »

DU THUYỀN SÔNG MÃ (ĐÔNG DU)



NGƯỢC DÒNG SÔNG MÃ

Sáng 20/4/2015, đoàn chúng tôi hơn hai chục người làm một chuyến ngược dòng sông Mã. Không rõ sao lại gọi là sông Mã, người thì bảo nó chảy xiết như ngựa phi, người thì bảo không phải vậy. Chỉ biết rằng sáng nay, nước ròng, nó cũng hiền hòa, êm dịu như bao con sông quê khác.
Đoàn chúng tôi là những phụ huynh Đông Du ở Thanh Hóa mời thầy Nguyễn Đức Hòe và các bác trong Hội Khuyến học tỉnh cùng đi thăm di tích thắng cảnh xứ Thanh bằng du thuyền.
Tuyến du lịch này mới mở ít bữa nay, cũng chưa nhiều người biết. Ca-nô đưa khách đi dọc sông Mã ngược lên mạn Ngã ba Bông rồi quay về xuôi xuống cầu Nguyệt Viên và trở lại bến ăn cơm trưa. Tổng hành trình ước độ 4-5 tiếng đồng hồ, trên một chặng đường gần 50 km.
Chúng tôi làm quen với nhau, nhiều người trên tận Như Thanh, Tĩnh Gia phải về từ tối hôm trước. Ban tổ chức đề nghị mỗi thành viên hãy tự giới thiệu về mình, con cái học học từ khóa nào, nay đang học hoặc đi làm ở đâu…. Cảm ơn thầy Hòe và trường Nhật ngữ Đông du đã tạo những điều kiện tốt nhất cho các em Du học sinh học tập và thành đạt.
Thầy Nguyễn Đức Hòe, Hiệu trưởng trường Nhật ngữ Đông du, vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn nhiều so với cái tuổi 76 của mình. Thầy đã tâm sự với các bậc phụ huynh về sự quan tâm đến con em, mong muốn các em sẽ học tập, lao động tốt đồng thời biết hướng về quê hương, đất nước.
Trên Du thuyền còn có mấy ca sỹ, nhạc công góp vui văn nghệ. Những Tình ca Tây Bắc, Hò Sông Mã, Tình ta biển bạc đồng xanh…. luôn sôi động trên suốt hành trình. Các phụ huynh cũng có nhiều người có tiềm năng ca hát nên càng làm cho buổi giao lưu thêm rất nhiều ấn tượng.
Chẳng mấy chốc đã đến Ngã ba Bông, một địa danh khá đặc biệt, “con gà gáy 4 huyện đều nghe”. Nơi đây là giáp ranh của các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa. Đến ngã ba, sông Mã hợp lưu với sông Bưởi trên Thạch Thành chảy về cùng đổ vào sông Lèn và ra biển. Xưa kia, vào mùa lũ những xoáy nước kinh hoàng ở đây đã nhấn chìm không biết bao nhiêu thuyền bè. Nếu còn thời gian du khách có thể lên đền Cô Ba, đền Hàn ngay tại chỗ ngã ba này. 






 Khoảng 9 giờ, thuyền quay trở về phía hạ lưu đến cầu Nguyệt Viên, một cây cầu mới xây xong năm 2015. Cầu mang tên làng Nguyệt Viên (Tiếng địa phương là Ngoạt Viên). Đây là một làng khoa bảng nổi tiếng của nước ta thuộc xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa mà từ xưa tới nay làng này đã có rất nhiều người học cao và đỗ đạt. Cây cầu mới bề thế và chững chạc nối đôi bờ sông Mã đã góp phần giảm tải luồng xe bắc nam lưu thông qua thành phố Thanh Hóa.
Bữa ăn trưa đơn giản nhưng ngon. Ngoài các món thông thường như cá, thịt, tôm, cua thì có thêm một đĩa lớn rau má, món đặc sản xứ Thanh. Đây là rau má ta hẳn hoi (để phân biệt với rau má Tây có vị đắng). Đã có một thời cây rau má gắn bó cùng người dân quê Thanh với câu cửa miệng “Ăn rau má, phá đường tàu”. Ấy cũng bởi đói kém mà ra chứ nào ai có chủ “phá đường tàu”.
Chúng tôi chia tay nhau, xin số điện thoại, email, facebook của nhau để liên hệ. Chào thầy Nguyễn Đức Hòe, chúc thầy mạnh khỏe, thượng lộ bình an. Chúc trường Nhật ngữ Đông du, Hội Du học sinh Đông du luôn là ngôi nhà chung thân ái của tất cả chúng ta.       



Đọc tiếp »

TRÒ CHƠI GIỜ ĐÃ KHÁC


Thời @ lũ trẻ khoái nhất có cái điện thoại thông minh nối mạng. Và chúng đắm chìm trong thế giới ảo đến quên mình.
Không biết nên vui hay buồn trước sự đổi thay này và có ai tiên đoán được rồi đây sẽ còn trò gì nữa...

Riêng tôi thấy các trò chơi Game là một phát kiến vĩ đại của loài người trong công nghệ. Nhưng cũng như là những viên thuốc. Tuy nhiên dùng nó sao cho đúng liều, đúng lúc thật chẳng dễ dàng. Tất yếu thuốc có cả phản ứng phụ, có cả nhờn thuốc và có cả sốc thuốc. 
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Trẻ con bên thành Hồ





Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

ĐÚC CHUÔNG CHÙA CAO - HÀ LĨNH




ÔNG ĐỒ CHO CHỮ 
         Ông đồ này còn trẻ, kể ra phải gọi là Anh Đồ thì có lý hơn. Anh có Nickname kèm luôn cùng công việc: Hoàng Tuyển Thư Pháp. Chữ của anh cho là chữ Việt ta để ai ai cũng đọc được, cũng hiểu được. Đại thể là bên cạnh chữ TRÍ được viết to theo lối thư pháp bay bướm sẽ là kèm thêm hàng chữ nhỏ cầu chúc ngọt ngào: "Học hành giỏi giang - Thi cử đỗ đạt"...

Phát cơm chay

Đường lên chùa Cao

Cô giáo MC Thúy Hà


Trên suối ấu

Đọc tiếp »

LÀNG NGHỀ LA XUYÊN


Làng La Xuyên thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đây là một làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống lâu đời. Nhịp sống lao động, mua bán ở nơi này thật là náo nhiệt với những siêu thị đồ gỗ rộng lớn, xe cộ vào ra tấp nập.

Khắp trong làng lúc nào cũng râm ran tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy chạy. Hầu như người nào cũng hối hả trong hàng chuỗi dây chuyền công việc.
     Thời nay máy móc đã tham gia vào khá nhiều công đoạn. Những hoa văn trên gỗ được các nghệ nhân thiết kế trên máy tính và điều khiển cho máy đục thực hiện. 
Đương nhiên cũng còn nhiều công đoạn chả có máy móc nào thay thế được. 
       Sắm đồ thờ thì ra đây tha hồ lựa chọn kiểu cách mẫu mã: đại tự, câu đối, ban thờ, hương án, tượng... Giá cả thì cũng tùy, có điều kiện dùng gỗ đinh hương, gỗ gụ. Nói chung dổi, mít, vàng tâm đã là được. Tốt nhất nên để chủ hàng vận chuyển về tận nhà lắp đặt, vừa bảo đảm lại tăng thêm trách nhiệm cho họ.
      Làng La Xuyên bây giờ rộng hơn trước nhiều lắm, tuy vậy đường làng vẫn chật chội và chen chúc, chắc chắn sự ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.



Đọc tiếp »

ÔNG ĐẶNG THỊNH VĨ


Cha mẹ đặt tên ông là Vĩ không rõ còn thêm ý nghĩa gì nữa không nhưng chắc chắn là đặt nhiều kỳ vọng vì ông là con trưởng, anh Cả Cang thì đã mất.
Ông sinh năm 1924, là con trai đầu cố Hào. Học xong lấy bằng Sơ học yếu lược thì thân phụ chuyển ông sang học chữ Hán đồng thời truyền nghề bốc thuốc với ý định để ở nhà làm trụ cột trông nom hương hoả. Nhưng chưa được bao lâu thì thân phụ qua đời (1943), rồi tiếp đến cách mạng tháng Tám. Nghề thuốc của ông từ đấy cũng dở dang. Thời kỳ kháng Pháp ông cũng tham gia các phong trào của Việt Minh, làm thôn trưởng, đi dân công chiến dịch…  Đầu năm 1955, cải cách ruộng đất, ông đưa cả gia đình chạy ra Hà Nội. Lúc bấy giờ tình hình xã hội phức tạp ông phải mang căn cước: Vũ Văn Ngạn. Hà Nội khi ấy còn thưa người, nhà ông ở Ngõ Giếng - Ô Chợ Dừa đang khá hoang vắng. Ông bà làm đủ các công việc nặng nhọc để lo nuôi các con ăn học, từ việc buôn gà, buôn gạo đến việc phụ hồ cho các công trường xây dựng trên Cao Xà Lá hoặc bốc vác ở bến Phà Đen…
Năm 1964, Hà Nội lại dãn dân, nhiều gia đình đã lên xây dựng kinh tế mới ở miền núi. Ông có đi thăm dò đâu đó trên mạn ngược nhưng sau chọn giải pháp về quê làm ăn. Ông bà vào Hợp tác xã, ông tham gia đội Thuỷ lợi chuyên đào mương, đắp đường… Còn nhớ tạng người ông cao lòng khòng, dáng đi hơi gù gù người cứ nhô về phía trước và luôn mặc cái áo màu xanh công nhân đã bạc trắng, đội cái mũ lá rộng vành. Ông bảo chỉ đội loại mũ ấy vì nó chịu được mưa nắng lại nhẹ và mát.
Năm 1973, bà bị bệnh kéo dài và mất sớm đúng vào cái ngày 27 áp tết Giáp Dần. Con cái đều ổn định nơi xa, anh Tiệp dạy học ngoài Thái Bình, chị Ngân ở Hà Nội (năm 1976 mới vào Đà Nẵng), chị Sách làm bên Hoằng Hoá. Từ đây hầu như các công việc trong nhà ông phải tự lo. Người hàn huyên tâm sự thường ngày là mấy anh em chú cháu: ông Quy, cố Cai, cố Tục.
Tính ông chu đáo, lại thạo việc nên hầu hết anh em bà con thường tới nhờ vả việc này, việc kia. Những là đại sự như giỗ chạp, cưới xin cho tới tiểu tiết: sửa lại tí bếp, rào đám vườn…  
Năm 1986 ông bị tai biến não khá nặng phải đi Bạch Mai điều trị hàng mấy tháng nhưng rốt cuộc vẫn để lại di chứng làm tay chân khập khiễng, đi lại phải dùng nạng. Vốn là con người tự lực, tự thân đã nhiều, ông tích cực luyện tập. Cố gắng tự phục vụ là chính chỉ nhờ con cháu những gì không thể. Và cũng do vậy cơ thể được vận động, trí não thêm công năng để chống lại những khó khăn do tạo hoá áp đặt.
Ông nghiêm túc, cẩn trọng, ngăn nắp từ lúc xưa. Nói năng thì giữ dìn, công việc thì cân nhắc trước sau. Cả đến khi  ốm đau cũng cứ giữ nếp ấy.
Đến năm 1998 thì bệnh tái phát, tuổi cao sức yếu, không cách nào khác được. Ông tạ thế ngày mùng 1 tháng Mười một năm Mậu Dần (1998).
Tấm ảnh kia tôi chụp năm 1991, đấy là chân dung của ông những năm đã đau ốm cuối đời. Tôi còn nhìn thấy một tấm chân dung khác có cả com-lê, cà-vạt ông chụp hồi ở Hà Nội khá hào hoa, phong nhã nhưng tiếc rằng bây giờ đã thất lạc.
Đọc tiếp »

CÂY ĐA LÀNG



Từ Bỉm Sơn về Nga Sơn qua cầu Đa Nam khoảng nửa cây số là đến làng tôi. Làng Tứ Thôn xưa gồm 4 thôn nhỏ có những cái tên nghe rất văn chương: Phú Quý, Ngọc Khê, Đại Thọ và Phúc tinh. Từ thời có Hợp tác xã người ta ghép lại còn 2 làng là xóm 8 và xóm 9, nghe khô cứng chẳng có gì gợi cảm.
Đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn thấy cây đa làng mình có một dáng vẻ kỳ vĩ riêng. Từ thời cụ nội tôi còn sống, cụ bảo lớn lên đã trông thấy cây đa làng lừng lững như vậy rồi. Tôi đồ rằng chí ít nó cũng phải tầm 300 tuổi.
Lúc còn bé, vào những đêm trăng chúng tôi thường chơi trốn tìm quanh gốc đa và chui luồn qua những cái rễ phụ cắm xuống đất như những cây cột đình. Quanh gốc đa rễ trồi lên uốn lượn tựa hồ những con trăn khổng lồ. Một cái rễ cắm thẳng xuống ao, bọn trẻ con thường tắm và trèo lên cây đa từ cái rễ ấy. Những cành đa, sù sì, gân guốc hùng dũng vươn lên giữa trời xanh. Có một cành gần như nằm ngang về phía ao đình, những đứa trẻ nghịch ngợm còn đi trên đó. Quả đa ăn chả ra gì, nó chua chua, chát chát nhưng lũ trẻ vẫn cứ thích trèo lên hái quả, rồi đu người xuống những chùm rễ phụ.
Thời gian dần trôi, làng trở nên chật chội. Cái ao đình trước làng to rộng là thế được đem đấu thầu nuôi cá và bán làm đất ở. Không ai muốn cho cái rễ phụ của đa cắm vào mảnh đất nhà mình. Sân kho hợp tác xã mở rộng ra thì phần đất sống của đa cũng dần dần thu hẹp lại. Sân lát gạch, bê tông hóa, rễ phụ giảm bớt, cái rễ cắm xuống ao cũng biến mất. Đa xơ xác, khô héo, có những cành gẫy mục, nhiều lúc tưởng không qua được cơn bạo bệnh.
Cũng may, dần dà dân làng cũng đã có người tỉnh ngộ. Người ta bồi đất cho gốc đa. Rễ phụ được rào dậu, chăm chút, nuôi nấng cẩn thận. Khoảng mươi năm trở lại đây cây đa bắt đầu hồi sinh.
Từ xa nhìn về làng, tán đa vượt cao hẳn lên ngạo nghễ, như là một biểu tượng của làng, hàng thế kỷ nay đứng đó trầm mặc, uy nghi. Cây đa như mảnh hồn làng, từng chứng kiến biết bao những thăng trầm của lịch sử, bất chấp bão giông, bất chấp những biến động của cuộc đời.



 Đình làng thôn Tư

Đường mới hôm nay
Đọc tiếp »