TẢN MẠN MỘT THỜI XƯA CŨ
Ở Thạch Thành chưa đầy 2 năm học nhưng cũng đủ để lưu
lại trong tôi những ký ức ngọt ngào và sâu lắng bởi đó chính là mái trường đầu
tiên nơi tôi bước vào nghề dạy học.
Tháng 10 năm 1979 cầm Quyết định điều động đến trường,
tôi lên gặp và trình thầy Hiệu trưởng. Xem xong Quyết định thầy bảo:
- Chú sẽ gặp ông Lênh hành chính để ông ấy chỉ phòng ở. Nếu cần thì góp gạo
nhờ ông bà ấy nấu ăn cho.
Mới chân ướt chân ráo về đây chưa quen biết ai nên tôi nhận lời để anh chị
Lênh nấu hộ cơm. Khoảng tháng sau thấy có một mình phiền toái quá nên tôi đã kiếm
xoong nồi để tự nấu. Khu tập thể dạo ấy khá đông vui: Võ Kỳ Anh, Lê Thuyết, Bồi
Toán, cô Dân Sử, cô Dương Pháp, Hùng Pháp, cô Nga, cô Ích, cô An… Khu gia đình
thì có các anh chị Tiến Tập, Chi Bằng, Thắng Dung. Những ai nhà không xa lắm
thì thường cứ chiều thứ Bảy là chuồn như anh Tân, anh Nguyên, anh Hồ... Bọn
chúng tôi xa xôi thường ở lỳ lại khu tập thể hàng mấy tháng liền.
Trường chỉ có duy nhất một dãy phòng học cấp 4, còn lại là tranh tre, tường
đất. Mỗi khi trời mưa sân trường lầy lội như ruộng mạ sắp gieo. Các lớp học
không có điện, những hôm mùa đông vào tiết cuối thầy trò chả nhìn rõ nhau, nghe
tiếng trống tan, học sinh đồng loạt ồ lên sung sướng.
Nhớ mãi hôm Rằm tháng Giêng năm 1980, thầy Bang rủ
tôi, Kỳ Anh và Thuyết lên Thạch Cẩm chơi. Chiều thứ Bảy, bốn thày trò đạp xe
lên đường, dọc theo sông Bưởi mà tiến về mạn ngược. Lần đầu tiên ở nhà sàn, ăn
món thịt lợn rừng gác bếp được cảm nhận cái hương vị là lạ của miền sơn cước. Về
đêm bỗng nhiên tỉnh giấc nghe văng vẳng xa xa tiếng ai đấy hát một khúc dân ca
Mường. Hôm sau, trên đường về, trời ấm và sáng, 4 thày trò xuống sông Bưởi tắm.
Nước trôi xuôi lững lờ, trong đến mức nhìn thấy rõ cả từng viên đá cuội dưới
đáy, chúng tôi tha hồ mà bơi lội, vẫy vùng thỏa thích.
Ngay sát
vách phòng tôi là phòng anh Trương Thanh Hồ, dạy văn, người dân tộc Mường. Là
thương binh bị mất một tay nhưng anh lao động giỏi hơn cả người lành lặn. Bắn
súng hơi thì thiện xạ vô cùng. Thấy con chim đậu trên cành cây mé sau trường,
anh xách súng lên và bảo: “Ta đi lấy con chim kia!”, nhẹ nhàng như lấy đồ trong
túi vậy. Chiều tối hôm ấy, vừa lên lớp xuống, thấy anh gọi: “Này, sang đây, ta
đang có món này”. Tôi sang thì thấy trên mâm ngoài vài món thông thường còn có
thêm một đĩa trăng trắng trông như cơm nguội rang. Anh hỏi tôi: “Có biết cái
chi không?”. Quả thật từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa được ăn món này
khi nào. Nó bùi, hơi ngòn ngọt và thơm thơm. Đấy là lần đầu tiên và cũng chưa
có lần thứ hai tôi được ăn món trứng kiến. Anh cho biết hôm qua Chủ nhật vào rừng
thấy có tổ kiến to trên cây, chặt mang về lấy ra được vài bát trứng.
Cuối năm
1980, tôi và Hoàng Kim Lân được điều động vào quân đội. Sự việc đột ngột khiến
tôi không kịp báo về gia đình vì đi lại lúc ấy thực là rất khó khăn. Tôi cùng với
2 đứa em ra hiệu ảnh Quang Thọ chụp một kiểu đen trắng làm kỷ niệm. Hôm sau ra
lấy ảnh ông Quang Thọ bảo:
- Tôi không lấy tiền của thày và sẽ phóng một chiếc chụp cá nhân thầy
treo ở đây để dù cho thày có đi đâu chăng nữa học sinh cũng vẫn nhìn thấy.
Đã 35 năm xa Thạch Thành nhưng kỷ niệm về một thời trai trẻ vẫn trinh nguyên như mới vừa hôm qua vậy.
Đã 35 năm xa Thạch Thành nhưng kỷ niệm về một thời trai trẻ vẫn trinh nguyên như mới vừa hôm qua vậy.
CẤP 3 THẠCH THÀNH
(Đây là Tôi và cô Lưu Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Thạch Thành)
Lâu lắm rồi tôi chưa về trường cấp 3 Thạch Thành, phần vì đường
đất xa xôi, phần khác phải lo cho cái tôi trước mắt mà vô tình quên lãng những
tháng ngày xưa cũ.
Địa điểm của trường cấp 3 Thạch Thành ngày ấy, nay là một cơ
quan khác tọa lạc. Trường ở Dốc Trầu với tôi hoàn toàn mới lạ bởi ngày đó chỉ
là sự khởi đầu cho việc đào móng, san nền. Chưa có máy ủi, máy gạt nên hàng
tuần thày và trò phải luân phiên ra lao động xúc đất đá san lấp làm mặt bằng.
Năm nay trường THPT Thạch
Thành 1 kỷ niệm 50 năm thành lập (1965-2015). Mặc dù đã làm được một số nhưng
rải rác quanh đấy vẫn còn nhiều hạng mục công trình dang dở. Cô hiệu trưởng Lưu
Thị Tươi đang trăn trở chuẩn bị cho ngày kỷ niệm vào dịp cuối năm. Thời gian
không còn bao nhiêu với khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang kia.
Tình cờ tôi gặp lại chị Lênh, người phụ nữ từng làm công tác
hành chính trong nhà trường, nay đã ngoài 70. Ngày đầu mới đến trường tôi đã
nhờ anh chị nấu hộ cơm. Mới hôm nào..... Nay đã 35 năm có lẻ.
BẾN ĐÒ THẠCH ĐỊNH NĂM XƯA
Nơi đây mấy chục năm trước là bến đò Thạch Định, vào các buổi sáng,
các ngày phiên chợ khách bộ hành qua lại nhộn nhịp. Lúc ấy chưa có trường THPT
Thạch Thành 2 nên học sinh các xã Thạch Đồng, Thạch Bình, Thạch Định, Thạch
Tân… đều phải qua đò sang Kim Tân học. Nhiều hôm trống vào học mà hãy còn vắng
đến nửa lớp, lý do các em bị lỡ đò.
Sông Bưởi mùa nước cạn thì hiền hòa, lờ lững trôi xuôi, ngày ngày
tưới xanh những bãi mía, nương ngô ven bờ. Nhưng vào
mùa lũ nó hung tợn như một con mãnh hổ, lồng lộn phá vỡ cả đê điều, nhấn chìm
cả ruộng đồng, làng mạc. Thị trấn Kim Tân có năm đại hồng thủy nước ngập lút
mái nhà.
Nay thì
đã có một cây cầu xi-măng bề thế vắt ngang đôi bờ sông Bưởi, thực hiện ước mong
bao đời nay của người dân lao động để Thạch và Thành không còn bị cắt chia. Một
khẩu hiệu lớn ngay đầu cầu nói về thì tương lai Thạch Thành sẽ phấn đấu là một
huyện kiểu mẫu của xứ Thanh. Và trên cầu cũng treo rất nhiều các ý tưởng lớn
lao như vậy.
Chúng tôi qua Thạch Định để đi
lên Thạch Bình cách đấy độ 6 cây số. Tới một cây cầu khác sang Thành Trực lại
thấy có tên “Cầu Thạch Định”. Lấy làm lạ hỏi thì người ta bảo Tên dự án đã như
vậy rồi nên không thay nữa.
Việc đi lại bây giờ thật dễ dàng. Người nào đi xa khoảng mươi năm mới
trở lại thì sẽ thấy diện mạo quê hương đổi khác.
CÂY CỔ THỤ Ở THÀNH AN
Trên
đường ngang qua xã Thành An, huyện Thạch Thành có mấy cây cổ thụ tán lá xum
xuê. Dưới thung lũng kia lúa xanh thì con gái, bảng lảng sương sớm chưa tan, thấp
thoáng những dãy núi mờ xa ẩn hiện, phía bên kia là hồ Đồng Ngư.
Trước
đây con đường này chỉ là đường mòn của cánh thợ rừng và của đồng bào địa phương.
Mãi sau này có Lâm trường, người ta mới mở đường để chở gỗ xuống xuôi (dân quen
gọi là “đường Lâm nghiệp”). Năm 1979, lần đầu đi qua đây để lên Kim Tân, dọc đường
tôi còn thấy khá nhiều cây cổ thụ, rừng núi âm u, nhiều nhà sàn cùng với các chị,
các bà mặc áo váy dân tộc Mường. Khi ấy chưa có đường nhựa, có những hôm mưa to
nước chảy qua đường như thác đổ làm sạt cả một đoạn dài.
Những cây cổ thụ kia không biết đã bao nhiêu tuổi
nhưng tôi đoán ít ra cũng phải hàng trăm năm. Trải qua bao mùa thay lá, chỉ có
nó là được chứng kiến tất cả những đổi thay, biến động trên mảnh đất này. Nhìn
thân hình sù sì, gân guốc của cây mà thầm nghĩ: Có lẽ nó sẽ trường sinh bất tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét