Chúng tôi đã nghe nói đến cơ sở này từ lâu, do bạn bè xem về kể
lại. Tôi không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực đồ cổ nhưng yêu thích thì chắc
chắn là có. Trước khi đi anh em đã bảo nhau: Lần này qua Vĩnh Lộc phải quyết
ghé thăm cho thoả trí tò mò.
Quả nhiên mới đến cổng đã gặp ngay một không gian hoài cổ với
hàng chục cái cối đá lăn, cối xay bột, cối giã, chân tảng các loại bài trí.
Trong nhà đang xây dựng gì đó nên vật liệu vương vãi bề bộn.
Gặp chủ nhân Lâm Sơn Trang, thật bất ngờ anh còn khá trẻ, chỉ độ 40 nhưng bề dày chơi đồ cổ thì không trẻ tý nào. Tôi thật sự choáng ngợp với hàng ngàn cổ vật từ các đồ đá, đồ gốm đến đồ đồng, đồ sắt đủ các niên đại được chủ cơ sở sưu tầm, tập hợp về đây. Những nồi niêu, bình lọ, bát đĩa, đồ dùng lao động, vũ khí thô sơ của người xưa khiến chúng ta hình dung ra phần nào lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của cha ông.
Anh dẫn tôi đi và giới thiệu những nét đặc sắc của một số loại cổ vật mà nếu nhìn qua ta khó mà biết được. Đây là các loại bình vôi cổ, cái to, cái nhỏ, cấu trúc xinh xắn mà tinh xảo vô cùng. Kia là bình gốm đựng tiền đồng lâu ngày rỉ ghét kết lại thành khối. Còn thanh gươm này từ thời nhà Đinh, tương truyền là của vua Lê Hoàn. Tôi hỏi anh: Làm sao biết? Anh quả quyết rằng: Các nhà khảo cổ học có chuyên môn đã thẩm định rồi chứ chúng em sao mà biết được.
Để có được lượng cổ vật lớn lao ấy anh đã phải vất vả bỏ nhiều công sức, tiền bạc đi thu mua từ khắp các vùng miền. Rất may khu vực quanh Vĩnh Lộc, Yên Định là nơi tập trung khá dày đặc nhiều loại cổ vật. Khi xưa ít người để ý đến nên săn lùng chúng còn dễ.
Từ khi được cấp bằng Di sản văn hoá thế giới, du khách đến thăm Thành nhà Hồ ngày một nhiều. Đến được Thành nhà Hồ mà không qua Lâm Sơn Trang thì cũng coi như mới đi được một nửa. Chủ nhà cho biết anh đang sửa sang, phân loại, sắp đặt, các hiện vật theo thứ tự, lớp lang. Hy vọng lần sau đến Lâm Sơn Trang sẽ có nhiều đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét