Ở lưng chừng đồi của làng Ngọc Chuế,
xã Hà Châu, huyện Hà Trung, Thanh Hóa có ngôi đền mà ít người biết đến: Đền thờ
Danh tướng Trình Minh.
Ông là một vị tướng tài ba và hơn cả
lại còn văn võ song toàn đã góp phần đắc lực cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân,
thống nhất sơn hà. Năm 960, Trình Minh từ Thọ Xuân ra Hà Trung khai hoang chiêu
dân mở ấp, lập ra làng Ngọc Chuế, vì thế ông chính là Thành hoàng làng Ngọc
Chuế. Gia phả cũng ghi: ông đã cùng với ông Mai Đức Xương ở làng Thạch Lễ kết
tình huynh đệ.
Lúc bấy giờ, sau khi Ngô Quyền mất thì
nước ta rơi vào cảnh loạn lạc 12 sứ quân. Mỗi tướng chiếm cứ một vùng, chiến
tranh giữa các sứ quân cứ liên miên kéo dài mấy chục năm trời. Với tài thao
lược hơn người, Trình Minh đã tham gia dưới cờ của Đinh Bộ Lĩnh, dùng hết khả
năng võ nghệ, mưu lược của mình để khuất phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một
mối. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua gọi là Đinh Tiên Hoàng đế, đổi tên nước là Đại
Cồ Việt. Vốn là người lặng lẽ, khiêm nhường, không ham quyền lực ông một mực
xin vua cho trở lại quê nhà sống cuộc đời trang ấp dân dã. Vua đã phong cho ông
tước Minh Tự Khanh và nhiều bổng lộc cũng như miễn thuế cho làng Ngọc Chuế.
Hai người có công lao to lớn, sát cánh
cùng với Trình Minh dẹp loạn 12 sứ quân là Nguyễn Bặc và Đinh Điền thì sau khi
vua Đinh mất cũng bị hạ sát vì những đấu đá tranh giành ngôi vị trong triều
đình.
Có lẽ vì thế mà chính sử không thấy
chép về Trình Minh bao nhiêu. Mọi nghiên cứu về ông phải thông qua Thần phả,
gia phả của các nhà và bia ký.
Đi từ chợ Gáo về xã Hà Châu, qua làng
Ngọc Chuế ngược lên đồi cao khoảng vài chục mét là đền Danh tướng Trình Minh.
Trước đây ngôi đền chỉ nhỏ bé như một cái miếu bên dưới một cây mít rừng xù xì,
cổ thụ. Năm 2013 được con cháu họ Trình cả nước đóng góp và thêm sự tài trợ của
Nhà nước, đền thờ được xây mới to lớn, đẹp đẽ. Hiện nay, đền còn lưu giữ được
một số di tích cổ như Trình phả tộc bằng chữ Hán là cuốn gia phả ghi chép công
phu từ thời Lê (1572) và tấm bia đá ghi công tích được khắc dưới thời Nguyễn. Tuy
nhiên, rất nhiều sắc phong của các thời kỳ vua chúa xưa kia, nhưng đã bị thất
lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét