Trang

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

CỔNG TRỜI

CổngTrời thăm thẳm, dốc quanh co
Đá dựng sườn non, lộng gió lùa
Núi lượn chập chùng như sóng vỗ
Cây reo xào xạc tựa gươm khua
Mây bay đầu suối che mờ lối
Đường vắt lưng đồi vẽ hướng vô
Muốn gặp ôngTrời mà chả được
Hay là thang ngắn, ổng chưa cho
Chúng tôi có chương trình lên Thác Bạc và Cổng Trời, nhưng thật buồn thác mà không có nước. Những mạch nước nhỏ ri rỉ trên cao tưới xuống không đủ làm nên ngọn thác. Khách đến chỉ biết tiếc ngơ ngẩn, chụp vài kiểu ảnh rồi đi. Dân bản xứ bảo từ trước đến nay không vậy. Có lẽ sự biến đổi khí hậu chăng. Hoặc là cây rừng hết đã làm cho nước nguồn dần cạn kiệt. 
Lại lên xe đi tiếp độ chục cây số thì sang bên kia là huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đường đèo dốc vòng vèo như rắn lượn,  nhiều chỗ gấp khúc tay áo, nhìn ra cửa sổ lại thấy con đường vừa nãy đang ở ngay trước mặt. Lên đến đỉnh đèo gió thổi ù ù, tưởng như là nơi đây đãhút hết gió về. Trông sang phía tây núi đồi lúp xúp,  mờ mờ ảo ảo sao mà giống các cảnh trong phim Tây Du ký. Đường đi như sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo tựa hồ xuyên mãi đến vô cùng.
Nghe kể lại hồi giặc Tàu đánh sang, chúng tiến vào Sa-pa từ hướng Lào Cai nên dân Sa-pa chạy ngược lên Cổng Trời, chạy về Lai Châu rồi cứ thế mà phiêu dạt về xuôi. Tôi hỏi một anh giáo người địa phương về ý nghĩa của chữ Phong Thổ. Anh bảo chữ Hán có nghĩa là “đất gió” nên gió ở đây kinh khủng lắm, chẳng thế mà có câu: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Sang bên Phong Thổ đã là một kiểu khí hậu khác, có khi chênh nhau đến hàng mấy độ.
Lên đỉnh dốc tưởng đã là một kỳ tích xứng đáng dừng lại để ghi hình. Nhưng thật bất ngờ thấy bên kia đường có 2 người phụ nữ Mông đang gùi rau rừng đi ngược dốc. Nhìn dáng vẻ họ chả thấy có gì là nhọc mệt, chỉ thấy toát lên một khả năng nhẫn nhịn, kiên cường. Heo hút vậy nhưng vẫn có vài quán nhỏ đơn sơ bán hang vặt: nước, kẹo bánh, thuốc lá, xà phòng, khăn mặt…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét