Qua Khe Dứa khoảng 1 cây số là trang trại dứa
của nhà anh Tường trên đất Hà Vinh. Thời bao cấp vùng này là đất thuộc Nông trường
Hà Trung quản lý. Sau này đổi mới, đất đồi được giao cho các chủ trang trại đấu
thầu khai thác lâu dài.
Thung lũng bao la ngút ngàn vào đến tận chân
núi đá phía xa. Chúng tôi theo anh leo lên đồi dứa. Phong cảnh núi đồi quan sát
từ trên cao thật hùng vĩ và thơ mộng. Vài căn nhà nhỏ con bình dị, lúp xúp xa
xa như lẫn vào cỏ cây, hoa lá. Dứa nhiều vô kể, từng thửa, từng thửa được quy
hoạch có be bờ làm lối đi lại để chăm bón và thu hoạch. Đây là thửa chưa kịp
làm cỏ, dây leo chằng chịt trùm lên cây dứa vốn sẵn nhiều gai góc. Kia là ruộng
vừa được dọn sạch cỏ hàng lối nghiêm trang. Mấy cô trong đoàn tranh thủ tạo
dáng chụp ảnh trong vườn dứa cũng chỉ dám rón rén vì sợ gai cào. Thế mới biết
dân cửu vạn làm cỏ dứa thuê ngày dăm bảy chục ngàn cực nhọc đến thế nào.
Lại có thửa lá dứa được buộc dây túm lại như
tóc đuôi gà. Không rõ để làm gì, chúng tôi hỏi chủ trang trại. Anh bật mí: Đấy
là một thủ thuật cho dứa ra quả trái vụ mà khỏi cần dùng đến hóa chất…. Thật là
khôn ngoan, thật là đơn giản, chỉ có những người lăn lộn, trăn trở cùng ruộng
nương mới có được những sáng kiến bất ngờ như vậy.
Dưới chân đồi một vạt dứa quả chín vàng rải
rác khắp ruộng. Anh bảo đến độ rồi mà chưa kịp sắp xếp thời gian thu hái được.
Chúng tôi hỏi anh có phải canh coi gì không. Anh cười hiền lành: Chả có ai lấy,
mà dứa nhiều lắm có lấy cũng không hết.
Ra về cứ lan man trong suy nghĩ về nỗi vất vả
của người làm ruộng. Ngoài chợ mỗi quả dứa bán ra chỉ độ vài ngàn, nếu bán cất
thì không được. Giá như công nghệ chế biến đồng bộ và đủ sức bao tiêu để những
quả dứa kia trở thành thương phẩm đến các vùng miền, hoặc thành hàng xuất khẩu.
Để cho những giọt mồ hôi của người nông dân bớt vị mặn mòi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét