Trang

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

ÔNG PHẠM PHÚ ƯNG




Ông tuổi Tân Tị (1941), nguyên quán thôn Phú Quý, xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình trung lưu có truyền thống Nho giáo và hiếu học.
Mẹ mất khi mới được 5 tuổi, ông được anh em nội ngoại đùm bọc. Nhưng năm 1952, đại gia đình gặp cơn nguy biến nặng nề, bố phải vào tù do bị cáo buộc một cách vu vơ, oan ức. Từ đây ông sớm phải lưu lạc và đi làm con nuôi một gia đình đánh cá ở vùng biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Rất may, bố mẹ nuôi ông là những người nhân từ đức độ, đã thương yêu, nuôi nấng và cho ông đi học. Sau Cải cách ruộng đất, yên hàn ông lại trở về quê và tiếp tục học hết cấp 2.
Những năm ấy, tốt nghiệp cấp 2 cũng đã là hiếm hoi. Năm 1959, người anh họ dạy học ở Hải Dương về quê thấy cảnh nhà túng bấn đã đưa ông đi thoát ly. Năm 1960, học xong lớp Kế toán sơ cấp ông được nhận vào làm ở Ty Giao thông Hải Dương. 
Năm 1965 ông xây dựng gia đình với bà Cao Thị Hoa – ở xã Thất Hùng, Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Sự nghiệp của ông từ đó gắn chặt với ngành Giao thông vận tải Hải Dương. Ông đã nhiều năm làm ở Phòng Tài chính Kế hoạch của Sở, sau về Cảng Cống Câu và những năm cuối sắp về nghỉ hưu ông về Ban Quản lý các dự án Giao thông.
Ông đã được các cấp Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, ngành tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen.
        Cuộc đời ông luôn là một tấm gương về đối nhân xử thế. Đồng chí, đồng nghiệp, bà con xóm giềng yêu mến ông vì ông ăn ở có nghĩa, có tình. Anh em, con cháu kính trọng ông vì ông là người có nhân, có đức, sẵn lòng chia sẻ, cảm thông với những buồn vui, sướng khổ của mọi nhà.
        Đối với cha mẹ ông là một người con hiếu thảo. Đối với bố mẹ nuôi ở Nam Định ông luôn luôn giữ trọn đạo nghĩa, khi còn sống thì thăm viếng hỏi han, khi từ trần thì khói hương chu tất. Ông thờ cúng cha mẹ, Tổ tiên đầy đủ, luôn giáo dục nhắc nhở cháu con “uống nước nhớ nguồn”
        Mặc dù xa quê từ lúc còn trai trẻ nhưng lòng ông vẫn hướng về cố hương với tình cảm yêu thương, da diết. Hàng năm ông vẫn dành thời gian về quê thăm anh em, bà con, nội ngoại, chăm lo mộ phần, nơi thờ tự các bậc tiền nhân.
        Đối với các cháu ông gần gũi thân tình, lo toan chu đáo, lúc tắt lửa tối đèn, khi mưa khi nắng. Nhiều người là em, là cháu ở quê nhà, đã được ông đưa ra Hải Dương dìu dắt và trưởng thành.
        Ông là con người điển hình cho ý chí vươn lên khắc phục mọi khó khăn, trở ngại. Những năm tháng chiến tranh, những năm tháng bao cấp muôn vàn thiếu thốn, vừa phải lo công việc cơ quan, vừa phải lo sơ tán gia đình, ông đã gồng mình để vượt khó vươn lên. Ông là người ngoại giao rộng rãi, được rất đông bạn bè tin yêu, kính trọng.
        Ông chắt chiu, hy sinh để lo cho các con khôn lớn, trưởng thành. Tuy không thành đạt lớn nhưng ai cũng được học hành đầy đủ, có công việc ổn định, có một gia đình êm ấm.
Năm 2009, trong một lần về làm giỗ bố nuôi ở Giao Thủy ông bị xuất huyết não. Mặc dù đã sớm được đưa về Hà Nội điều trị ở những cơ sở y tế tốt nhất nhưng vẫn không tránh khỏi di chứng khá nặng nề. Những ngày gần đây bệnh tình mỗi ngày thêm trầm trọng.
Ngày 14 tháng 9 năm 2014 (21 tháng Tám âm lịch) ông đã vĩnh viễn yên nghỉ giấc ngàn thu, khép lại cuộc đời 74  năm trên thế gian này.
        Vĩnh biệt ông, các con, các cháu, những người ở lại nguyện đoàn kết gắn bó, đùm bọc lấy nhau. Giấy rách giữ lề, tu chí lập thân, kiệm cần lập nghiệp để ông yên lòng nơi chín suối, để linh hồn ông mãi mãi mát lành, hoà quyện cùng trời xanh và nắng vàng, phù hộ độ trì cho con cháu, anh em



                                Giỗ Tổ Họ Phạm thôn Phú Quý năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét