Trang

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

TRỊNH DUY ÂN









Trong ảnh anh đứng hàng dưới cùng, có mũi tên màu trắng




Lớp tôi hồi ấy có anh Trịnh Duy Ân, người Đông Sơn, Thanh Hóa cũng có nhiều kỷ niệm. Anh từ bộ đội chuyển về ngay năm thứ nhất. Anh có một cái đài bán dẫn hiệu Nationa, mà hầu như lúc ấy đang là của hiếm. Chúng tôi nghe ké thông tin, ca nhạc, bóng đá, thời tiết… qua cái Ra-đi-ô của anh.
Vốn là thợ sửa Ra-đa trong bộ đội nên anh có thể sửa chữa Ra-đi-ô, Ti-vi thuần thục, nhẹ nhàng. Bộ đồ nghề của anh xếp ngăn nắp trong một cái rương gỗ. Thôi thì đủ loại: mỏ hàn, dây điện, thiếc, các linh kiện…
Có lần một ông (chắc là nhân viên hành chính của trường) mang đến một cái Ra-đi-ô 3 pin nhờ anh kiểm tra xem sao mà không nói. Anh bảo để tối về sẽ xem. Tối mang ra thì ông ấy lắp ngược pin. Hôm sau thấy ông ấy đến lấy đài không quên cầm theo một nải chuối biếu cảm ơn.
Anh không chú tâm nhiều lắm đến chuyện học chuyên môn, phần lớn thời gian anh đi sửa mấy thứ đài điện. Các kỳ thi đối với anh cũng khá trầy trật nhưng Lạy Trời rồi cũng qua. Nhờ có chuyên môn thợ bậc cao về điện tử mà năm cuối cấp anh lắp cho Khoa Lý một cái máy tăng âm, thay cho một bài báo cáo tốt nghiệp.
Giá như anh học Bách khoa thì có phải hợp sở trường không?
Năm 1988, ông chú tôi đi làm trong nam cho nhà tôi một cái ti-vi hiệu Vietronic. Nhưng hệ thống của miền nam và miền bắc khác tần số nên chỉnh được hình thì mất tiếng và được tiếng thì mất hình.
Tôi tìm gặp anh đang dạy ở trường Đào Duy Từ trên thị xã Thanh Hóa. Anh nói phải đợi buổi tối có phát hình thì mới làm được. Tôi để ti-vi lại và ra về. Mấy hôm sau nghe có tiếng xe máy và tiếng bọn trẻ con reo hò tôi chạy ra thì anh đang cỡi chiếc Ba-bét-nhè chở Ti-vi xuống. Cơm nước xong phải đợi nhạc hiệu của Đài Truyền hình để hiệu chỉnh lần cuối.
Nhà tôi lúc ấy đã có đến vài trăm người cả người lớn lẫn con nít tập trung để chuẩn bị xem kịch vì hôm đó là thứ Bảy. Lúc đầu có ít người tôi còn trải vài cái chiếu phục vụ nhưng với ngần ấy người thì thôi, đành phải tùy nghi vậy.
Anh đã vi chỉnh cẩn thận cho hình và tiếng thật khớp, thật nét rồi lên xe về ngay trong tối đó. Đêm ấy diễn vở kịch nói của Lưu Quang Vũ, hàng mấy trăm người đã chăm chú theo dõi đến phút cuối tầm khoảng 11 giờ đêm. Đến những đoạn cao trào mọi người vỗ tay rầm rầm tán thưởng.
Sáng mai ra, nhà tôi là một bãi chiến trường ngổn ngang các loại rơm, lá chuối, giấy báo để ngồi. Các loại vỏ, hạt trái cây vung vãi. Chưa kể nạn phóng uế bừa bãi khắp xung quanh. Toàn bộ vườn trồng rau phía trước sân được san phẳng như có xe lu.
Nhưng tôi vẫn nghĩ: Thôi bà con ta cả, phục vụ mọi người cũng là phục vụ mình. Vả chăng đã có nhà đóng cửa bật Ti-vi bị bọn choai choai ném đá lên mái. Ngoài xã hội có câu vè: "Tan cửa nát nhà, thì sắm ti-vi"
Tuy nhiên cũng chỉ tối thứ Bảy có sân khấu tôi mới mở, vì còn phải đi nạp ac-quy cách nhà 6-7 cây số. Cũng may từ năm sau, trong làng lác đác có nhà sắm nên chỗ  tôi cũng thưa vắng dần.
Anh Ân dạy ở Đào Duy Từ một thời gian sau đó thì chuyển về trường THPT Thạch Thành 4 là một trường miền núi hẻo lánh. Tôi nghe đồng nghiệp kể lại là anh và vợ ở quê không hợp nhau. Anh đã bỏ lại tất cả cơ nghiệp phồn hoa đô hội cho vợ con, để đi theo tiếng gọi của con tim.
Lâu lắm rồi tôi không được tin của anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét