Bài 1
Một người bạn có hỏi
tôi rằng: Lớp ta có ai dùng Facebook nữa không? Sau khi biết rất nhiều người
không có, tôi đã trả lời anh bạn kia:
- Họ thì không còn
trẻ nữa mà chúng ta thì ngoan cố không chịu già.
Thật vậy có người
chưa già mà đã tưởng mình lên lão. Thành ra mọi lời nói, mọi cử chỉ đều khệnh
khạng giống hệt người già.
Lại có người già rồi
nhưng cứ tưởng mình còn trẻ nên chơi cầu lông với đám thanh niên là cứ muốn
phải thắng.
Có đứa cháu gái của
tôi mới học lớp 7 mà nó viết trên Facebook
chuyện vợ chồng y như những người lớn từng trải. Tôi mới ghi vào mục
bình luận rằng:
- Ôi! Thật không ngờ
cháu của bác đã già rồi. Mà già thì thường ốm đau bệnh tật lắm đấy.
Lại nhớ một lần đi
tập huấn ở Sầm Sơn, chiều cơm no tắm mát xong tha thẩn ra công viên chơi. Có
trò chơi đi tàu lượn dành cho bọn con nít. Tôi bảo mấy thầy: Thời chúng ta làm
gì có các trò này, nay ta thử ngồi một lần xem sao.
Người nào cũng ngại
"Cưa sừng làm nghé". Tôi động viên: "Thôi, tôi đã mua vé cả rồi,
5 người vừa đủ chuyến, không còn cơ hội nào đâu".
Quả nhiên, nội dung
lần tập huấn ấy là cái gì thì chúng tôi không còn nhớ lắm, nhưng việc cưỡi tàu
lượn của bọn trẻ con thì không ai quên. Mỗi khi gặp lại nhau, cười rung cả râu.
Lại có chuyện vui thế
này: Có người hỏi một nhà hiền triết về bí quyết trẻ dai. Nhà hiền triết ngẫm
nghĩ giây lát rồi bảo:
- Nói tăng tuổi lên.
Đúng như vậy thật. Ai
cũng sẽ trầm trồ: Chị đã ngần ấy tuổi mà trông
trẻ quá.
Mới hay, Trẻ hay Già
còn tùy.
Một
ông bạn thân của tôi hôm trước nhân phiếm đàm chuyện Trẻ và Già thì gửi cho bài
Đường luật:
Mới được nửa trang của cuộc đời
Xem ra ngọc thể cứ xanh tươi
Đào hoa mong muốn tình chưa cạn
Mỹ nữ ước ao lực chửa vơi
Chín chắn chuyên môn còn sung sức
Hồng hào lý tưởng vẫn căng hơi
Già già trẻ trẻ không đều nhỉ?
Tóc tóc râu râu cũng tại Trời
------------------------
Bài 2
Ở ta khi giao thiệp
chuyện xưng hô cực kỳ quan trọng. Nó quan trọng đến mức có thể chỉ vì nó mà hỏng
cả việc lớn.
Tôi treo cái ảnh trên
FB chụp cách đây ngót 40 năm. Nó mờ, mốc lỗ chỗ và úa vàng. Nhưng tôi cứ thích
để ở đấy coi như một cái biển số nhà vậy. Không phải tôi muốn làm nghé mà cưa sừng
đi như ai đó đã đùa. Tính tôi nó hoài cổ nên cái gì đã có tôi cứ muốn để đấy
làm kỷ niệm.
Cách đây khoảng gần một
năm có một cô sinh viên xem trên Facebook và cứ muốn làm quen trao đổi thông
tin. Cô gọi tôi là anh xưng em rất tình cảm. Cô bình luận bài viết hoặc nhắn
tin cho tôi, tôi đều trả lời rất rõ ràng, lịch sự và đầy đủ. Chả biết sao cô
phát hiện ra tôi đã là thế hệ cha chú (Cô sinh năm 1991 mà, kém tôi gần 40 tuổi).
Cô tỏ ra bối rối muốn đổi lại cách xưng hô cho phải. Tôi đã bảo cô rằng: “Chả
quan trọng gì chuyện đó đâu. Tôi chỉ quan tâm đến ý kiến của bạn có khách quan,
trung thực không mà thôi”.
Cũng cách đây độ vài
tháng, một cậu thanh niên đời 8X quen nhau sơ bộ trên mạng và muốn biết tôi bao
nhiêu tuổi để gọi cho tiện. Tôi đã trả lời: “Chắc chắn tôi lớn tuổi hơn bạn,
nhưng sự hiểu biết có thể bạn hơn tôi vì bạn học nhiều và đi nhiều. Cứ gọi nhau
anh em cũng được, như người Anh chỉ có I và You thì sao. Nếu tôi có điều gì khiếm
khuyết mong bạn cứ mạnh dạn nói thẳng, tôi không nặng nề đâu”. Quả thật sau đấy
thì chúng tôi trao đổi với nhau rất chân tình và thoải mái. Tôi coi cậu ta như
những trí thức tinh hoa.
Ở các cơ quan, cán bộ
già có, trẻ có, thậm chí bố con cùng ở một chỗ. Khi họp hành phê bình, nhận
xét, đánh giá cuối tháng, cuối kỳ thường gọi nhau là đồng chí. Thói thường các
đồng chí trẻ đố dám mà phê phán, xoi mói các đồng chí già vậy nên tốt nhất là
im lặng để rồi giơ tay biểu quyết .
“Chúng bay đồ con nít, miệng còn hơi sữa, biết
gì. Bọn tao hai thứ tóc trên đầu, vào sinh ra tử còn chưa ăn ai….”
“Bằng cấp cao cũng đừng
tỏ vẻ ta đây nhé! Thực tế nó khác xa lý thuyết đấy….”
Ngoài các cuộc họp
thì chỉ còn 2 ngôi bác-cháu mà xưng hô. Bác đã bảo rồi đừng có cãi. Nhất là bác
làm sếp thì lời bác chính là một quyết định.
Bao nhiêu năm trong
những thứ bậc tôn ti trật tự “kính lão đắc thọ” tưởng như truyền thống tốt đẹp
cần được phát huy. Nào là kho tàng kinh nghiệm quý báu, nào là sự cống hiến lớn
lao, đạo lý uống nước nhớ nguồn…. Nhưng cứ bình tâm ngẫm kỹ mà xem mặt trái của
nó cũng chẳng hay ho gì. Chẳng thế mà xưa kia cổ nhân cũng đã phần nào lờ mờ nhận
thấy: “Sống lâu lên lão làng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét