Mái tóc là góc con người…
Lúc trước, người Việt đều để tóc dài búi tó củ
hành sau gáy, bất kể là trai hay gái. Khoảng 100 năm về trước, nghề cắt tóc
không có. Sau khi Pháp sang đô hộ, có sự tiếp xúc với văn minh phương Tây, các
nhà cải cách canh tân của nước ta như các cụ Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng,
Phan Chu Trinh…. muốn đưa
lối sống mới vào thay thế đã cổ động cho phong trào học chữ Quốc ngữ, cắt tóc
ngắn, bỏ các hủ tục mê tín dị đoan…. Tuy nhiên một số nhà Nho thủ cựu không
đồng tình, cho rằng như vậy là phá hoại truyền thống của ông cha. Họ còn làm
thơ chế nhạo:
Văn minh chi chi cắt trọc đầu
Dần dần rồi cắt cả phao câu
Văn minh như rứa là văn tối
Thiên hạ từ xưa có thế đâu
Những năm 70 về trước bọn con nít
thường có kiểu tóc để chỏm đào. Con trai thì một chỏm phía trên trán. Còn con
gái thì 3 chỏm, một chỏm đằng trước và 2 chỏm hai bên trông rất ngộ nghĩnh.
Thợ cắt tóc khi xưa phải xách tráp đi
khắp hang cùng ngõ hẻm, miệng rao: “Ai cắt tóc đây…..”. Thông thường họ kiếm
một bóng mát nơi đầu làng, treo gương đặt ghế, nhưng cũng có nhiều nhà muốn
thuận tiện đã mời vào nhà cắt cả cho mấy bố con, ông cháu. Cắt tóc đương nhiên
sẽ có mục cạo mặt, vì thế bà con còn gọi bằng một cái tên khác là Thợ cạo. Chưa
có dao lam như ngày nay, ông thợ cạo phải mài dao thật sắc. Đôi khi sắc quá đã
làm lẹm da chảy cả máu.
Khi tôi còn nhỏ, nhớ có một ông thợ
cắt tóc tên là ông Mục Khiển. Không rõ tay nghề ông ta thế nào, chỉ biết ông có
khá nhiều chuyện. Vừa cắt tóc ông vừa kể chuyện rất rôm rả. Sau này nghe nói
ông bị bắt vì tội phản động hay gián điệp gì đó (!). Mãi gần đây trò chuyện với
một ông người làng ấy mới biết ông hay sáng tác thơ ca, hò vè, có lúc châm biếm
cả cán bộ địa phương. Tội trạng của ông ta chỉ có vậy.
Các kiểu tóc cũng trải qua những bước
thăng trầm đến độ bi hài. Những năm 60 trong xã hội chỉ thịnh hành phổ biến
kiểu chân phương, trắng mai trắng gáy. Sang những năm 70 xuất hiện kiểu “húi
cua 3 phân” học theo lối Trung Quốc, rồi chuyển sang kiểu tóc dài Hip-py. Cho
rằng như vậy là tư tưởng học đòi, lố lăng, biến chất, nên công an, đội Cờ đỏ có
quyền xẻo tóc của những kẻ như thế để làm trong sạch xã hội.
Những năm 80 thanh niên thường cắt tóc
cho nhau bằng kéo. Cắt bằng kéo có lợi thế là mái tóc đẹp tự nhiên và đỡ tốn
tiền. Có những tay kéo tài hoa tạo nên những tác phẩm đẹp nên thường được nhiều
bạn bè tín nhiệm nhờ vả.
Ngày
nay thì chấm vai, húi cua, móng ngựa, sọ dừa, phi-dê, đuôi ngựa, đuôi gà, màu
mè các kiểu chả có gì quan trọng. Miễn là nó tiện cho công việc và hài hòa
trong cộng đồng.
Nhỏ như cái tóc mà cũng lắm chuyện vậy
đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét