Năm
1979, tôi đi thực tập sư phạm ở trường cấp 3 Anh Sơn, Nghệ An. Trọ cùng một nhà
với Mai Sơn Hà, người Quảng Bình. Ấn tượng nhớ đời là đói kinh khủng khiếp, ăn
toàn bo bo, có thêm món nộm hoa chuối, đặc sản ở đây.
Trường
miền núi những năm đó hoang tàn, nhếch nhác đóng trên triền đồi của một quả đồi
thâm thấp. Có một dãy phòng cấp 4 gọi là khang trang thì tường vôi nứt và loang
lổ. Còn lại các phòng học tranh tre thì ọp ẹp đến thảm thương. Cổng trường
không có, lũ trẻ đưa cả trâu bò vào chăn thả trong trường, cứ thỉnh thoảng bảo
vệ lại phải chạy ra quát tháo đuổi đi.
Nhớ
có một anh giáo cùng bộ môn thường nhờ tôi dạy thay. Nhà anh ta ở cuối mé đồi,
cách trường chưa đầy cây số. Anh ấy hình như không thiết tha gì lắm với việc dạy
học. Chỉ chú tâm đi làm rẫy, vào rừng lấy măng là chính. Một
hôm thấy đạp xe sang chỗ tôi: “Bữa mai anh bận. Chú quơ cho anh 2 tiết. Bài ni
là một, bài ni là hai”. Vừa nói anh ta vừa lật lật cuốn sách giáo khoa như đã gấp
lại để đánh dấu.
Là
giáo sinh thực tập nên tôi phải cẩn thận chuẩn bị soạn trước, thậm chí nếu có
thí nghiệm còn phải lo mà làm. Vả lại chúng tôi chỉ có kiến thức chứ đã có kinh
nghiệm gì đâu.
Lại
một hôm khác, mới sáng sớm đã đã thấy anh sang đứng ở cửa, giọng có vẻ gấp gáp:
“Chú mi mần cho anh tiết hai, bài ni”. Tôi giãy nảy lên: “Em đã chuẩn bị gì đâu
mà dạy”. Anh cười nhăn nhó: “Cứ ra cho nó bài kiểm tra là được”.
Tôi
được phân công chủ nhiệm một lớp đầu cấp và dạy môn Lý luôn lớp đó. Học sinh rất
hiền và ngoan, hầu như không khi nào nghe nói tục, chửi bậy. Trong lớp có khoảng
mươi em người dân tộc Thái và Thổ. Theo
lịch Tổ chuyên môn sẽ dự giờ của tôi vào tiết ngày mai. Hôm nay tôi đã chuẩn bị
rất kỹ nội dung, làm thí nghiệm thử cho thành công. Chỉ còn mỗi một băn khoăn
là học trò học hơi yếu và nhút nhát. Tôi dặn cả lớp:
“Ngày
mai có các thầy cô dự giờ các em phải hăng hái phát biểu. Đặc biệt nhất những
em này là phải tích cực….”. Tôi đọc tên, dặn dò khoảng dăm sáu em học tạm
được, coi như đấy là nòng cốt cho ngày mai.
Buổi
thao giảng khởi đầu rất hào hứng, hơn hẳn các tiết học khác. Đến giữa chừng tôi
hỏi cả lớp một câu cực kỳ dễ, nhiều em giơ tay. Để tỏ ra là mình cũng chú ý đến
tất cả các đối tượng, tôi lại chỉ một em không giơ tay ngồi ngay bàn đầu. Em ấy
lúng túng đứng lên và nói: “Thưa thầy, hôm qua thầy đã không dặn em mà”
Tôi
hơi bị sốc, chỉ muốn độn thổ ngay lúc ấy. Vậy là nó đã thật thà khai toẹt ra
cái chuyện thầy cài người phát biểu trước. Nhìn
xuống cuối, mấy thầy cô bộ môn cứ che miệng cười. Từ
phút ấy tôi dạy rời rạc hẳn, mất hứng. Tiết dạy cũng qua đi nhưng khó mà gọi là
thành công mỹ mãn.
Chủ
nhật, một lũ con trai và con gái mời thày cùng ra hiệu chụp ảnh. Ngày ấy đi chụp
ảnh là một sự kiện trọng đại lắm, chứ không như bây giờ ai cũng làm thợ ảnh được.
Tôi ăn mặc tử tế, chải chuốt để bọn học trò lấy xe đạp lai đi.
Hôm
sau bọn chúng tặng thầy vài tấm để làm kỷ niệm. Tôi cầm tấm ảnh mình đứng ở giữa
mặc áo sơ mi trắng xơ-vin cùng với đám học trò nữ đứng, ngồi xung quanh về đưa
cho Mai Sơn Hà xem: “Mi thấy có được không”. Hắn
cười tít cả mắt và tếu táo: “Ừ, cũng được đó. Tau trông không khác chi con chó
sói giữa bầy cừu non”.
Chúng
tôi chia tay trường cấp 3 Anh Sơn vào đúng ngày 26/3/1979. Đêm ấy Đoàn trường tổ
chức một đêm liên hoan văn nghệ vui lắm. Điện không có, phải thắp sáng bằng đèn
măng-xông, mỗi lần nó hơi tối lại phải lấy xuống bơm đến mỏi tay.
Rất
nhiều tiết mục ca múa nhạc, cả của thầy lẫn của trò. Tôi và Mai Sơn Hà cùng lên
sân khấu song ca một bài hát Nga, đến nay chỉ còn nhớ một đoạn:
“Bạn ơi tôi
mong ước bao đêm ngày chuyến bay này
Trời cao,
cao xanh thắm ngàn sao sáng nhìn lấp lánh
Vượt biết
bao lớp mây trời và tới những ngôi sao
Tung cánh
bay vượt sóng trên trời biếc
Và dấu chân
in trên đường, mờ tít nơi không gian
Bay mãi trên
trời biếc, vượt ngàn sao……”
Từ
ngày ấy tôi chưa khi nào quay trở lại. Nhưng cứ mỗi khi xem thời sự hoặc đọc
báo có nhắc đến huyện Anh Sơn, tôi lại sực nhớ đến những kỷ niệm buồn vui đã một
thời ở đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét