Trang

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

THANH MINH


Ta thường có thói quen gọi tiết Thanh Minh là tết Thanh Minh. Cách gọi này là do phát âm chữ tiết thành chữ tết. Thanh Minh (清 明) là trong sáng, khí trời mát mẻ. Một năm có hai mươi bốn tiết khí, mỗi tiết khí trên dưới 15 ngày. Bắt đầu là Lập xuân, cuối năm là Đại hàn.
Tiết Thanh Minh sau tiết Xuân phân (giữa xuân) khoảng nửa tháng. Phần lớn tiết Thanh minh vào đầu tháng 3 âm lịch: 
“Thanh minh trong tiết tháng ba, 
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du). 
Tiết Thanh minh bắt đầu vào ngày mồng 4 – 5/4 dương lịch. Nhưng tiết Thanh minh tính theo Âm lịch lại có sự chênh nhau khá xa, có thể bắt đầu từ trung tuần tháng Hai hoặc đầu tháng Ba.
Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 ngày. Dân ta có tục đi tảo mộ, quét dọn mồ mả trong dịp này. Đúng ra là việc tảo mộ có thể làm trong tiết Thanh minh, chứ không nhất thiết chỉ có ngày mùng 3 tháng Ba.
Dân ta vẫn còn thói quen gọi ngày mùng 3 tháng Ba (âm) là Tết Thanh minh, như vậy không đúng. Thực ra đó là ngày tết Hàn Thực (寒食) ăn đồ lạnh, phải tắt bếp của Trung quốc, không liên quan gì tới Việt Nam.
Chuyện rằng: Đời Xuân Thu, vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, vua Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, cơ hàn đói rét. Ông Giới Tử Thôi đã cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Về sau, yên bình Tấn Văn Công phong thưởng rất hậu cho những ai có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Ông đưa mẹ lên núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn để lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, nhưng ông cũng nhất định không chịu ra, cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mồng 3 đến mồng 5 tháng Ba hàng năm), chỉ ăn đồ ăn nguội để tưởng nhớ ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét