Trước khi làm Lễ, nhà
sư Aoki Takashi đã nói đại ý: Hạnh phúc không ở đâu xa mà nó ở ngay trong mỗi
chúng ta. Nếu chúng ta mở lòng với mọi người, có thiện cảm với họ, tự khắc sẽ
có hạnh phúc. Ngược lại, chúng ta luôn nghi kỵ, ác cảm với một ai đó, hậm hực
và cáu kỉnh với một ai đó thì hạnh phúc sẽ tự bỏ ta mà đi.
Câu này tôi đã từng
nghe hoặc đọc ở đâu đó rồi nhưng hôm nay nghe ở đây trong cái không gian tĩnh lặng
thấm đẫm chất thiền thấy nó hiện hữu nhiệm mầu hơn rất nhiều. Có lẽ sự mắt thấy
tai nghe “mục sở thị” đó chính là một bài
giáo huấn sinh động chăng?.
Chợt nhớ đến mẩu chuyện
tôi đã nghe từ mấy năm nay: Có nhà báo chúng ta hỏi một cô giáo dạy mẫu giáo ở
Nhật rằng: Các cô đã dạy những gì cho các cháu ở nhà trường Mầm non?
Chẳng cần suy nghĩ
nhiều, cô giáo đã vui vẻ trả lời: Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ là dạy cho các cháu
biết cách mỉm cười và cảm ơn. Không còn gì ý vị và ngắn gọn hơn thế nữa.
Có người thắc mắc: Sao sư lại không xuống tóc và mặc áo
cà-sa?. Qua tìm hiểu chúng tôi mới vỡ lẽ sư của Nhật hòa nhập với đời, họ có thể có vợ con. Ông Aoki Takashi là
nhà sư và là Chủ tịch Hội quán Đạo đức Nhật Bản. Tất cả ăn mặc như mọi người
bình thường, nhưng khi làm lễ thì vô cùng thành thạo và chuyên chú. Tư tưởng
chính yếu của họ sống thanh thản, hòa nhập và thân thiện với thiên nhiên. Không
hận thù, không cáu giận, không làm ảnh hưởng người khác.... Thẳng thắn, minh
tích, rõ ràng....
Khi đứng thuyết pháp
ông Aoki Takashi luôn nghiêm trang đúng mực, mặt dãn ra tươi tỉnh, rạng rỡ. Tập
trung cao độ nhưng không căng thẳng, thao tác nhất quán, giọng nói vừa đủ nghe,
không thấy ông cầm sách nhưng nói rất lưu loát như nhập thần. Lúc cô Takara đọc,
ông đứng nghiêm, đầu hơi cúi. Khi ông đọc bài khấn ông quỳ, hai tay đỡ tờ sớ bằng
giấy bản mỏng, hai chân bẻ quặt về phía sau một cách tự nhiên, ông đọc chậm rãi
(Tất nhiên đến phần tên chúng tôi, cậu phiên dịch phải quỳ xuống đọc hộ). Ông
đi đến từng người hướng dẫn họ cách xếp đặt hai tay khi hành lễ, khi bái.
Lễ xong ông chụp ảnh
cùng với chúng tôi, ông cười thoải mái. Ông hỏi chúng tôi có mệt không? Khi nãy
vì phải ngồi co quắp theo những tư thế gò bó, có nhiều người đã không quen.
----------------
Theo hẹn chúng tôi tập
trung để đón khách. Một số đang đi làm cũng cố gắng thu xếp công việc để đến dự.
Các cô, các chị vào bếp chuẩn bị đồ ăn chay. Tôi hỏi một chị đang ngồi trong bếp
thái dò: Sao chay lại còn giò chả. Chị cười bảo: Cũng chỉ là chay thôi nhưng
người ta làm giống như vậy. Và mâm cỗ chay thực sự gồm có: đậu phụ, lạc rang,
muối vừng, “giò” chay, rau xào và cơm xôi. Chuẩn bị một chai rượu nhưng khách
không dùng nên sau đó chúng tôi cũng thôi.
Khoảng 10g30, đoàn
vào đến nơi, có 2 nam và 3 nữ, một cháu DHS Đông Du đi theo hướng dẫn và làm phiên
dịch. Chủ khách chào nhau (bằng động tác là chính) và an tọa. Chúng tôi mời họ
dùng chè tươi, họ cũng thích hơn chè khô. Sau khi thống nhất lịch làm việc,
đoàn khẩn trương tiến hành ngay. Chúng tôi được phát mỗi người một mẩu giấy nhỏ
ghi bằng 2 thứ chữ Nhật và Việt gồm có: Họ tên, Tuổi, Địa chỉ, Số ĐT. Mỗi người
tự ghi các thông tin của mình vào. Các nhà sư tiếp xúc với mọi người qua phiên
dịch và giải thích những điều băn khoăn của bà con.
Sau khi thu thập
thông tin, cô Takara bắt tay vào ghi chép một danh sách những người đến dự. Cô
không biết nhiều tiếng Việt nhưng có thể nhìn chữ để viết lại khá thành thạo.
Có người viết khó đọc quá tôi phải viết lại bằng chữ in hoa cho cô đọc và chép
được. Công việc chiếm khá nhiều thời gian. Đã chép xong nhưng cô kiểm lại thì
thấy thiếu 2 người và yêu cầu phải rút 2 phiếu đó ra. Thì ra có người cứ tưởng như
ở bên ta, viết hộ cho người đi vắng cũng được nên đã ghi cả cho chồng (vợ)
mình.
Cơm đã dọn ra nhưng
cô Takara chưa viết xong, mọi người vẫn cứ ngồi chờ. Danh sách cô phải chép
thành 2 bản: một bản để chốc nữa làm lễ sẽ đọc, một bản khác để lưu. Cô không
muốn để lại những sai sót đáng tiếc. Ông Aoki Takashi, trưởng đoàn đã đến cùng
soạn và sắp xếp với cô. Họ trao đổi với nhau, đối chiếu, chỉnh lý và sửa chữa
cho thật hoàn chỉnh. Chúng tôi nhìn cách thức họ làm mà tự thấy chúng ta còn
quá nhiều khiếm khuyết.
Cơm nước xong, chuẩn
bị vào làm lễ, Danh sách trên lại được cậu Phiên dịch đọc lại, đến tên người
nào người đó xướng lên, đưa danh sách cho người đó xem. Chỉ khi nào người có
tên gật đầu xác nhận thì mới đọc sang tên người khác. Họ muốn tuyệt đối chính
xác khi vào hành lễ.
Lại nhớ đến một chuyện
tiếu lâm của ta:
Thày cúng được mời đến
cúng cho một nhà nọ. Người chết tên là Nguyễn Văn Tròn. Thày không rõ chữ Tròn
viết ra làm sao bèn khoanh một vòng tròn. Tờ sớ để đấy không biết có anh nào
nghịch ngợm nó phệt thêm một vạch vào cái vòng tròn. Khi khấn, thày ngắc ngứ và
cứ đọc đại là Nguyễn Văn Gáo.
Lúc thanh toán nhà chủ
trừ tiền của thày với lý do cúng sai: “Tại sao bố tôi tên là Tròn thày lại đọc
là Gáo?”
Thày xem lại sớ và
kêu lên: “Vậy thì đứa nào mới thêm cái cán vào đây”
------------------------------
Quan sát các hoạt động
của người Nhật, xuyên suốt là ý thức giữ dìn và bảo vệ môi trường. Những thứ họ
lấy ra, làm việc xong, mang đi hầu như không để lại mấy dấu vết. Khi cô Takara
ghi chép trên bàn có một vài bản lỗi phải bỏ đi, một vài mẩu giấy vụn cắt ra,
cô cẩn thận gom hết cho vào túi của mình. Ông Ichiro Niwa trong khi ăn đánh rơi
một cái vỏ hạt lạc xuống đất cũng cúi xuống để nhặt lên cho vào khay.
Bàn thờ đặt lễ rất giản
dị: một pho tượng Phật, một cái lư hương, 3 cái đế cắm nến, một đĩa hoa quả. Mặt
bàn được trải lên một tấm giấy trắng phẳng phiu. Khi làm lễ họ cũng đốt hương,
nến như ta. Nhưng những que hương chỉ dài độ 10 cm được cắm vào trong lòng cái
lư hương và cháy ở trong đó, khói tỏa ra vài sợi lơ mơ. Mỗi khi lễ họ chỉ thắp
3 cây, trong suốt cuộc lễ dùng tổng cộng độ hơn chục cây hương như vậy.
Lễ xong, sư thầy tự
tay hóa sớ. Tờ sớ mỏng như giấy pơ-luya kích thước độ bằng 1 tờ A3 được nhà sư
cuộn khoanh lại cho vào cái lư hương. Khi sớ cháy to có một chút tàn bốc lên
cao được họ đỡ xuống cho vào lư hương. Gọn gàng từng mẩu tro bụi. Không thấy đốt
vàng mã, ngựa, voi hoặc bất cứ một thứ gì khác nữa.
Khi ăn chúng tôi ngồi
xen kẽ thành 2 nhóm, hai nhà sư nam và cậu phiên dịch ngồi với các ông. Còn các
bà ngồi với các bà. Chúng tôi vốn là chỗ quen biết nhau cả nên trò chuyện râm
ran, không thiếu gì các chuyện để nói, thậm chí có người nói hơi lớn. Những người
bạn Nhật chỉ từ tốn ăn, đôi khi trao đổi cùng nhau rất khẽ, vừa đủ nghe. Tôi nhắc
nhẹ: “Mọi người hãy lưu ý các vị khách của chúng ta không hề chuyện trò đâu
nhé!” – Đây có lẽ cũng là một cách bảo vệ môi trường khi mà quanh ta đã có quá
nhiều tiếng ồn. Còn chúng ta không biết truyền thống có từ khi nào mà lúc ăn có
tí bia rượu vào là bắt đầu “ngôn xuất”, cao hứng lên còn dô…dô… 1, 2, 3… ầm ĩ.
Một đất nước rất nghèo nàn về tài nguyên ngoại trừ gỗ và hải sản. Một đất nước với bao nhiêu thứ thiên tai khốc liệt như động
đất, sóng thần, núi lửa, bão tuyết… Diện tích của họ
không lớn hơn nước ta bao nhiêu lại chia cắt bằng rất nhiều đảo. Trong khi dân
số khá đông (120 triệu người). Vậy mà họ thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu ở nhiều
lĩnh vực khoa học, công nghệ, y học,
giáo dục…
Đã đến lúc chúng ta cần phải thành khẩn nhìn lại mình, cầu
thị hơn nữa, học hỏi hơn nữa. Đã đến lúc chúng ta nên thôi đừng đổ hết mọi thứ
nhếch nhác hiện nay cho chiến tranh. Đã đến lúc chúng ta nên thôi không nên ca
bài “Rừng vàng – Biển bạc” ngày xưa, kẻo rồi con cháu ta lại tiếp tục tự sướng
trên đống tài nguyên nham nhở mà quên đi nỗi nhục đói nghèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét