Trang

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

ĐỒNG LỘC



       Là ngã ba nhưng nào có phân vân
                   Nào có đắn đo, do dự
                   Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt
                   Nhưng hướng đi đã quyết
                   Không phải cho một lần
                  Mà cho tất cả mọi lần
                  Không phải cho một người
                   Mà cho tất cả quê hương, đất nước…
Đây là mấy câu thơ trong bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận viết từ hồi còn chiến tranh.
Ngã ba Đồng Lộc, một địa danh khá nổi tiếng ở Hà Tĩnh với chiến tích bi tráng của 10 cô Thanh niên xung phong tại đây năm 1968. Từ Hà Nội vào gần tới TP Hà Tĩnh thì rẽ về Can Lộc, khoảng hơn mười cây số là tới.
Trong đoàn đi hơn hai chục người thì đã có 7 cựu TNXP nên việc rẽ vào càng có ý nghĩa. Ngã ba Đồng Lộc giờ đây đã có nhiều đổi thay. Tôi đến từ năm 1983, khi mà chưa hề có sự đầu tư nào. Cả một khu vực rộng lớn chỉ thấy hố bom chồng hố bom, cỏ gà mọc kín và một tấm bia ghi dấu tích bị bọn trẻ chăn trâu nghịch ngợm vẽ bậy  bạ lên đấy.
Xe đi qua một ngôi nhà nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh có tấm biển đề “Nơi đón tiếp khách tham quan” nhưng sao thấy xe nào cũng chạy qua để vào thẳng khu di tích. Chúng tôi vào sắp lễ, dâng hương, anh Cận là Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã đọc bài văn khấn rồi mọi người thắp hương lên các ngôi mộ. Trên các mộ đều có hoa tươi và một số khách đã đặt đồ hàng mã như nón, gương, lược, dép… để các cô dùng. Người đến viếng khá đông nhưng không thấy có ai hướng dẫn. Ban Tổ chức thì cắm cúi viết tờ công đức cho khách. So với hang Tám cô có vẻ như cách làm ở khu di tích này thiếu phần chặt chẽ. Chúng tôi sang Phòng Truyền thống TNXP phía bên kia đường. Nơi đây trưng bày các ảnh thời chiến, một số hiện vật như bom, đạn, súng, dép lốp, pháo sáng… Nói chung cũng còn sơ lược. Tranh thủ đi vệ sinh, nước dội khan hiếm nên mùi khai xông lên kinh khủng. Tôi hỏi một cháu trông coi bảo tàng thì được biết: Cả Ban Quản lý di tích có đến 50 người và đang còn có cả dự án xây chùa nữa.

Khi lên xe về tôi bảo với mọi người: Chúng ta có khiếm khuyết là không vào đền Trình chỗ “Nơi đón tiếp…” thảo nào họ không tiếp đón chúng ta. Nhưng một bác vặn lại: Dù gì đi nữa khách đến thăm, anh cũng phải cho nhân viên ra hướng dẫn, giới thiệu cho người ta khi người ta từ nơi xa đến không biết. Ít nhất là cũng phải ra cúi đầu chào các bác thì mới gọi là phải đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét