Ở Sa-pa, người dân tộc thiểu số rất
đông (Tất nhiên họ sống ở các vùng đồi núi quanh đấy). Gặp nhiều nhất là người
H’Mông. Dân ta cứ gọi một cách dân dã là người Mông cho gọn. Xưa kia gọi là
người Mèo, sau này nghe đâu họ không thích gọi như vậy.
Người Mông về thị xã để bán đồ lưu
niệm, bán thổ sản như táo, lê, măng, rau… Cảm giác chung của tôi là họ dễ mến,
dễ gần, có phần chân chất của người nhà quê, có phần tự ti của người yếu thế.
Chỉ cần ra ngoài phố ta sẽ bắt gặp rất nhiều người Mông lưng gùi hàng hoặc địu
con, người nhao về phía trước. Ở góc con hẻm nhỏ, một dãy phụ nữ Mông đang thêu
đan các đồ hàng lưu niệm. Họ chào mời:
- Mua hàng đê!
Tôi
dừng lại cầm một cái mũ Mèo và hỏi: “Cái này bao nhiêu?”
- Ba chục.
Tôi
đã biết giá mỗi cái ấy rồi, khoảng 20 ngàn nên trả vậy.
- Không có mà bán được đâu.
Nhưng khi tôi không có ý định mua
nữa thì chị ta lại gọi để bán.
Nhìn những người phụ nữ ngồi dưới
làn mưa phùn thấy cũng cám cảnh. Bên cạnh là đứa trẻ con 5 tuổi đang bế một đứa
chừng 2 tuổi, miệng mút cái kẹo màu đỏ loét.
Tôi hỏi một em gái Mông, trông già
dặn nhưng chỉ còi cọc như một thiếu nhi, đang địu một đứa bé sau lưng:
- Em năm nay bao nhiêu tuổi?
- Mười tám
- Thế kia là em hãy còn đấy?
- Nó là con đấy. Ba tuổi rồi
Mới 18 tuổi mà đã có con 3 tuổi, thảo nào còm cõi quá.
Phụ nữ Mông thường có vóc dáng nhỏ, lam lũ. Rất hiếm thấy những gương mặt sáng
sủa, thanh tú.
Không gặp mấy đàn ông người Mông, có thể họ đang ở nhà
lên rẫy hoặc họ đã mặc trang phục tân thời nên khó nhận ra.
Đã 10 giờ đêm vẫn còn thấy có 2 em bé ước độ 5, 6 tuổi
ngồi bán hàng ở vỉa hè. Mưa lăn phăn, chúng lấy cái ni-lông phủ lên. Tôi đến
gần chụp một kiểu ảnh, mua cho chúng món đồ, hỏi: Sắp về chưa? Chúng bảo: Còn
chờ mẹ.
Nói chung Sa-pa sang trọng, lộng lẫy không phải dành cho
họ mà chỉ để cho họ theo đấy kiếm ăn. Vả chăng người Mông vốn là một tộc người
du canh, du cư nên núi rừng mới chính là quê hương gắn bó.
Dù sao tôi cũng có cảm tình với người Mông, yêu quý họ và
xem họ như tuổi thơ của loài người. Trong thâm tâm tôi rất muốn người Mông
không bị xoáy vào cơn lốc hội nhập hiện thời mà làm mất dần đi cái bản sắc của
dân tộc mình, cái bản tính tốt đẹp của người Mông xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét