Trang

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

NHÀ VĂN GIẢI NÔ-BEN


Năm 2012, một sự kiện văn hóa đặc biệt chấn động đã gây nên cơn sốt sách ở Việt Nam.
Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học đã làm cho các độc giả yêu mến ông vô cùng hân hoan, sung sướng. Sách của ông vốn thịnh hành ở nước ta khoảng chục năm qua đã không còn một cuốn nào trên sạp.
Bên Trung Quốc dân chúng mến mộ ông đến mức nhiều sự kiện đã trở thành “hiện tượng Mạc Ngôn”.   
Ông viết nhiều thể loại văn xuôi. Nổi tiếng thế giới là các tiểu thuyết, có tác phẩm đã được dựng thành phim và đoạt giải Liên hoan phim Quốc tế Cành cọ vàng như phim “Cao lương đỏ”.
Tuy vậy ông viết Tạp văn và Đoản văn cũng hay không kém gì Tiểu thuyết.
Tôi đọc Tạp văn của ông một cách say sưa vì ông am hiểu quá sâu sắc tâm lý của con người. Văn của ông vừa cay đắng vừa hài hước, vừa mãnh liệt vừa giản dị. Nhiều câu chuyện thực đến trần trụi, lột tả những cảnh đời bê bối, những sự tầm thường, nhỏ nhen, đố kị của con người.
Ông mô tả các kiểu cách sống động như bắt mạch được hết các tính cách của nhân vật vậy. Ông tự giễu mình, bộc bạch như con chiên xưng tội trước Chúa. Ông tả lại cái đói và cái cách ăn lúc đói nó khổ nhục khiến cho ta hình dung lại cả quá khứ cơ hàn của ngay chính bản thân mình xưa kia.
Mạc Ngôn cũng viết về “Đại nhảy vọt”, về “Cách mạng văn hóa” rất bi hài, chua xót vì bản thân ông từng  là người trong cuộc và đã từng nếm trải.
  Nguyên các bài luận về Chó của ông cũng phải 5-6 bài, bài nào cũng đặc sắc, đậm chất khôi hài và trí tuệ. Tôi xin trích dẫn một mẩu:
 “Ôi! Chó ơi! Những cống hiến của mi đối với con người không hề kém cạnh so với trâu bò, càng không kém cạnh so với ngựa. Vậy mà gần như chẳng có một lời hay ý đẹp nào cho thân phận của mi. Con người khi giận dữ chửi nhau, hễ mở mồm ra là: ‘Đồ con chó’, ‘Đồ chó săn’, ‘Đồ chó đẻ’…. Công lao của loài mèo với con người càng kém xa loài chó, song có ai nhiếc mèo là đồ mèo đẻ bao giờ”
 Mạc Ngôn thật xứng đáng được tôn vinh trên văn đàn Quốc tế. 
Tuy nhiên, có một tác phẩm của Mạc Ngôn đã làm cho các độc giả Việt Nam phẫn nộ và ném đá. Đó là cuốn truyện “Ma chiến hữu”. Tôi chưa đọc, xem trên mạng không có, nghe nói viết về cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979.
Cũng phải thông cảm cho ông vì bấy giờ ông là lính của Tàu, ông chỉ viết về cái mà ông quan sát được. Ông buộc phải làm theo lệnh của thượng cấp mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét