Ở quê tôi, chả ai lạ
gì con cáy. Thủy triều lên thì cả một cánh đồng bãi bên kia sông người đi dậm
cáy đông như trảy hội. Cáy chủ yếu để làm mắm, món ăn hầu như không thể thiếu
của người dân. Đến nỗi có người đã đi
thoát ly bao nhiêu năm mà lúc về già chỉ ước ao được ăn bữa mắm cáy chấm rau
lang. Cái hương vị nồng nồng, thơm thơm ấy khác hẳn với các loại nước mắm đóng
chai như Nam Ngư, Phan Thiết… đang bày bán ngoài chợ. Có thể sẽ có người không
quen và không thích, nhưng ai ưa nó thì nhớ mãi khó quên.
Trước khi làm mắm,
cáy được bóc yếm, khẽ dùng tay bóp gập thân cáy lại là cái yếm bật ra. Người ta
giã cáy cùng với cơm nguội và muối rồi ủ vào vò, vại. Sau vài ba tháng có thể
chắt nước cốt ăn được, chan vào cơm ăn rất ngon. Tuy nhiên thường phải thêm
thính ngô, nước sôi để lọc và đóng chai dùng dần.
Lúc bé chúng tôi hay
đi câu cáy. Câu cáy cực kỳ đơn giản, không cần lưỡi câu, chỉ cần buộc một mẩu
giun hoặc ốc vào sợi chỉ rồi buộc vào đầu một cái que. Nhắc nhắc trước nơi cáy
thường qua lại. Thể nào cũng có chú ngơ ngẩn bò đến cắp con mồi. Lúc ấy chỉ
việc khẽ nhấc lên là xong. Xưa nay người ta hay nói: "Nhát như cáy"
quả thật không sai. Khi bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất là cáy ta co rúm người
lại không dám buông chân. Thả vào cái thau nó sẽ tự nhả ra. Bị cáy cặp thì đau
vô cùng, nó thà bị rụng còng chứ nhất quyết không tha đối thủ.
Lắm khi tôi cứ phân
vân về cái nghĩa lý của câu tục ngữ: “Đời cua cua xáy, đời cáy cáy đào”. Cái
câu này thì không mấy ai không biết. Người ủng hộ thì bảo: Đúng quá! Phải có
tinh thần tự lực tự cường chứ, quen ăn sẵn là hỏng, chả làm nên trò trống gì.
Nhưng cũng có người
không chịu cho rằng nó trái với truyền thống lâu nay: Sao lại thiếu trách nhiệm
với con cái như vậy. Hóa ra là mặc kệ chúng mày, đời chúng mày thì tự lo lấy
hay sao?. Có nhiều ông đương chức mà đã lo nhà cửa, tài sản cả tỷ bạc cho con cháu, có
ông xin nghỉ việc cho con vào thay đấy thì sao?…
Thành ra đúng sai,
hay dở là do người ta nhìn ở các góc độ khác nhau để phán xét.
Tôi
đi Hải Phòng, qua lối Thái Bình thường có một loại bánh mà tên gọi khá độc đáo:
Bánh Cáy. Ăn ngọt đậm, bùi béo và cay vị gừng. Xưa kia bánh Cáy sản xuất đơn
giản và dân dã, nhưng sau này được công nghiệp hóa nên hình thức mẫu mã của gói
bánh rực rỡ và đều tăm tắp như từ một khuôn.
Tôi không
rõ sao thứ bánh ấy lại có cái tên quê mùa vậy. Hỏi cô chủ quán, cô cười bẽn
lẽn: Em cũng chả hiểu, chỉ biết rằng từ thời xửa xưa các cụ đã gọi như thế.
Liên tưởng đến con cáy ở quê tôi mới thấy rằng miếng bánh cáy có những màu vàng vàng xen
lẫn hồng hồng trông giống
như trứng cáy. Có thể đây là lý do mà loại bánh này có tên là Bánh
Cáy chăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét