Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

LAM KINH


Khoảng 15 giờ, chúng tôi đến Lam Kinh. Cây cối xanh tươi trong khu di tích đã làm dịu đi phần nào cái nóng oi ả ban chiều.
Qua cầu Bạch làm bằng đá trắng có dáng cong cong, là đường vào Ngọ Môn. Ngọ Môn là một tòa nhà kiểu cổ đồ sộ, cột gỗ khá lớn, đường kính đến 70 cm. Đang trong quá trình xây dựng nên mới có được khung nhà, vật liệu hãy còn để ngổn ngang.
Sau Ngọ Môn là Sân Rồng dài rộng đến cả trăm mét, được lát gạch bát bắt mạch. Gạch ngói xây dựng trong di tích cũng có kích thước riêng, được đặt hàng riêng cho một cơ sở sản xuất đúng theo kiểu ngày xưa. Bên cạnh Sân Rồng có cây Đa Thị 300 tuổi. Gọi là cây Đa Thị vì chúng mọc cạnh nhau và quấn quýt với nhau, bây giờ thì chỉ thấy rễ đa chằng chịt.

Cuối Sân Rồng là khu Chính điện. Các nhà khảo cổ, các nhà phục chế đã có ý thức tìm lại dấu xưa, xây các tòa điện đúng trên nền cũ dựa vào hàng trăm chân tảng còn sót lại. Điện Lam Kinh đã được các vua đời Lê sơ dày công xây dựng nhưng cũng đã bị đốt phá đến 2 lần dưới triều Mạc và triều Quang Trung. Đôi khi những chi tiết này ít người được biết phải chăng cũng là do lịch sử thiếu sự trung thực và công bằng. Chỉ vì căm thù một thể chế mà tàn sát, thiêu hủy cả một khu di tích. Chính vì thế mà đất nước ta chuyện phá và xây cứ nối tiếp dài dài...
Phía sau các tòa điện là mộ vua Lê Thái Tổ. Mộ hình chữ nhật, xung quanh xây bằng đá khối đục vuông, bên trong đắp đất. Vùng này thuộc nơi đồng bào Mường sinh sống nên trước mộ có tượng quan hầu và các con vật như voi, ngựa, hổ, tê giác sắp hai bên tả hữu trấn yểm. Nơi đây lại còn có một cây ổi kỳ lạ, khẽ sờ tay vào thân cây thì toàn bộ cành lá khẽ rung rinh như có một lực vô hình nào tác động. Không gian ấy đã đủ để tôn nghiêm, trang trọng mà thành tâm tưởng nhớ tới bậc quân vương, vị anh hùng dân tộc. Nhưng đáng tiếc thay, ngay đằng sau khu lăng mộ lại lù lù cái băng-rôn chữ vàng nền đỏ: “Mộ vua Lê Thái Tổ”. Thiết tưởng Ban Quản lý nên cho gỡ cái băng-rôn chỉ dẫn ấy đi, nó làm hỏng bố cục toàn cảnh.
Đến Lam Kinh mà bỏ qua Bia Vĩnh Lăng thì cũng coi như chưa đến. Đây được xem là một biểu tượng của xứ Thanh Hoa. Bên trong nhà bia kiến trúc cổ kính là tấm bia lớn sừng sững cao đến 3 mét  đặt trên lưng rùa đá cũng phải dài đến 3 mét. Tất cả đều là đá nguyên khối. Bia do Nguyễn Trãi soạn, nội dung ca ngợi công đức vua Lê Lợi, nếm mật nằm gai cùng tướng sỹ lập nên nghiệp lớn. Ở đây cũng giống như bên khu lăng mộ, một tấm biển màu đỏ choét, chữ vàng chỉ dẫn ngay bên cạnh, nó thật không cân xứng, hài hòa giữa một không gian trang trọng. Có cần thiết phải đặt một cái lư hương để cắm hương ở chỗ này không?
Ra về, đi dưới tán cây rừng xôn xao gió chiều, nghĩ về quá khứ cha ông hào hùng suốt cả chiều dài lịch sử. La liệt những tấm pa-nô treo trên cột ghi công tích của Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Lê Lai… Và... sẽ không đủ giấy để ghi công ngàn vạn những anh hùng mà sử sách không ghi danh họ. Họ đã lẫn vào đám đông, lẫn vào cây cỏ mà góp sức dựng nên cả một vương triều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét