Trang

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

GÓC NHỎ BỈM SƠN


Đi trên đường phố người xe tấp nập, cảnh vật chạy ào ào lướt qua như xem phim. Ngày nào cũng như ngày nào đôi khi ta cảm thấy nó nhàm chán hệt như một cuốn sách đã đọc mãi hoặc ăn cơm chỉ có độc món thịt lợn luộc.
Tôi ở chân đồi Ông Đùng bao nhiêu năm nay mà hầu như chưa leo lên đó khi nào. Thứ nhất là cũng không có nhiều thì giờ rảnh rỗi, thứ hai là đi một mình nó buồn và cũng không thạo lối.
Chiều hôm vừa rồi tôi rủ bác hàng xóm đã nghỉ hưu làm một chuyến “phượt” lên đỉnh núi, vừa là thể dục thay đổi không khí, vừa là để xem những cái lâu nay ta chỉ biết đến nó theo phương nằm ngang.
Tôi chuẩn bị giầy, gậy chống, nước uống và máy ảnh. Định mang theo áo rét nhưng bác ấy bảo: “Ông sẽ phải tháo hết áo ra đấy, tôi đã đi tôi biết rồi”.
 Cứ hì hục bám theo ông ta, có đoạn phải đu người mới lên được vì dốc. Cây bạch đàn, cây keo mọc khá dầy, cỏ tranh và những cây dại tốt ngang lưng, đôi lúc không nhìn thấy lối đi. Trời hanh khô, hơi se lạnh nhưng tôi đã bắt đầu thở phì phò, người túa hết mồ hôi. Lên đến gần đỉnh có một chỗ tương đối quang đãng, chúng tôi dừng lại nghỉ, ở đây có thể chụp ảnh dưới chân đồi.
Kia là Nhà máy Gạch Ba Lan (tên mới của nó dài lằng ngoằng nên ít người nhớ), có hai chiếc ống khói đang phun khói. Chính nó đã làm ra những viên gạch đầu tiên xây nên Thị xã này từ hồi đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Đã có tuổi đời trên 40 năm với biết bao thăng trầm, qua mấy đời Giám đốc.
Chúng tôi là dân ở đây đã nhiều năm chịu đựng cái sự ô nhiễm khói bụi mà nó mang đến. Nghe nói rằng sẽ chuyển đi nơi khác để giảm thiểu tác hại cho môi trường nhưng rồi vẫn cứ thấy nó đều đều hoạt động. Đất quanh đây đã hết, muốn có phải đi mua từ Hà Vinh, Hà Thanh về. Xe chở đất rơi vãi dọc đường, bẩn ơi là bẩn.
Nói cho công bằng, sự tồn tại của nó cũng là cái cần câu cơm của không ít gia đình. Họ là công nhân làm gạch, thợ bốc gạch và cả những người làm các dịch vụ ăn theo. Dù cho đồng lương có rẻ mạt nhưng còn có cái để duy trì đời sống cho dăm bảy miệng ăn vốn lâu nay đã nhì nhằng như vậy. Xung quanh nhà tôi có nhiều bác làm ở đấy cả đời nhưng trong nhà họ cũng chằng có gì nhiều. Chuyện rất khó tin là có bác công nhân gần 30 năm nhưng khi về hưu lương lại khá hơn lúc còn đi làm. Ấy là do hưởng theo sản phẩm nên phụ thuộc vào việc có bán được gạch hay không. Khu Công trường 20 (ngay phía dưới tấm ảnh này) là nhà ở của phần lớn các gia đình công nhân. Cũng có nhà khá giả, nhưng phần đông phải chắt bóp, dành dụm và mưu sinh thêm ngoài giờ bằng đủ thứ nghề khác.
Nhưng nếu ví thử không còn Nhà máy gạch nữa, không khí trở lại trong lành thì họ sẽ đi đâu, làm gì?. Có chuyển đổi và thích nghi kịp hay không?
Câu hỏi xem ra cũng chẳng dễ trả lời.


  Nhà thi đấu Cty Xi-măng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét