Trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

ĐỀN THỔ KHỐI


Đi từ phía Hà Nội vào, đến đầu cầu Tống Giang nhìn sang bên trái có tấm biển chữ to đùng: “ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO”. Cứ men theo đê đi độ một cây số nữa thì tới. Dân địa phương thường gọi là đền Thổ Khối, thuộc xã Hà Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Trước đây, tôi đã có vài lần đến vãn cảnh, thăm đền. Không gian u tịch, hoang sơ là cảm nhận của tôi lần đầu tiên qua đây. Dòng sông Tống Giang lững lờ uốn quanh bao bọc mé tây ngôi đền tạo nên một vẻ thâm nghiêm, thơ mộng. Qua bên kia bờ sông là cánh đồng lúa xanh rờn, thấp thoáng nón trắng những cô thôn nữ. Và xa hơn chỉ chưa đầy cây số là Quốc lộ 1 ồn ào xe tàu vào nam, ra bắc. Soi bóng xuống dòng sông là những tán lá cây lộc vừng cổ thụ xum xuê. Có lần ông Đặng Thịnh Phùng, bác tôi đến thăm đền về đã làm đôi câu đối:
“Tống Giang thuở ấy dừng chân, dựa thế hiểm, dưỡng sức dân, tạo cơ hội tiến lên tiêu diệt giặc
Thổ Khối ngày nay hiển thánh, ngự đền thiêng, trừ yêu quái, ban phép lành rộng mở giữ yên dân”
Năm nay trở lại ngôi đền tôi đã thấy nhiều thay đổi lắm. Một con đường rộng lớn xuyên từ Quốc lộ đi qua trước cửa đền. Một con đường khác phía  bên kia bờ sông Tống Giang có lẽ chuẩn bị cho một khu dân cư mới sắp ra đời. Bãi đỗ ô-tô, xe máy được mở rộng hàng mấy héc-ta. Nhà Tiền đường và Cổng đã được đầu tư làm mới to cao hơn trước. Ngoài sân hai cái rạp như rạp đám cưới đã được dựng lên chuẩn bị sẵn sàng cho mùa lễ hội.
Hầu như là mới, nếu là đồ cổ thì phía cuối sân có tấm bình phong cũ kỹ, hai bên là hai tấm bia được đặt trên lưng hai chú rùa. Một tấm đã mờ chẳng nhìn thấy gì, tấm kia ghi rõ làm năm Bảo Đại thứ nhất về việc đã cho trùng tu ngôi đền. Nghe đâu hai tấm bia này đã từng được mang lát ở bến ao nhà ai đó.
Ngồi uống nước, tôi hỏi một cụ già người địa phương về lịch sử ngôi đền. Cụ cho biết:
-           Đền này có từ cuối thời Trần để thờ Đức Thánh Trần, ban đầu chỉ là tranh tre. Sau này thời Nguyễn mới tôn tạo xây cất, lợp ngói. Đến khi “cách mạng văn hóa” chống mê tín dị đoan không cho thờ cúng nữa, tượng ngài và các đồ thờ thất lạc cả. Sau này các nhà hảo tâm mới công đức tiến cúng để xây lại được như hôm nay.
Tôi mới bảo cụ:
-  Nước ta làm gì có cách mạng văn hóa hả cụ.
Thì ra cụ nhầm với hồi cải cách ruộng đất. Cụ đính chính lại là thời kỳ bao cấp.
Cô bán hàng bên cạnh góp thêm chuyện:
-  Các bác mà sang tối hôm mười bốn là ở đây có Lễ Khai ấn đấy.
Tôi bảo với cô:
-  Mấy năm trước ở đền Trần (Nam Định) phát sinh nhiều tiêu cực quá, Nhà nước có cho làm nữa đâu. Với lại các quan mới cần đến đi xin ấn chứ, chúng tôi dân đen lấy ấn làm gì.
Cô cười:
-  Ai cũng cần cả bác ạ! Người chưa có chức thì muốn lên chức. Người chức bé thì muốn lên chức to hơn.
 Nếu thế năm nay mình thử đi xin ấn một lần, biết đâu lên được cái chức gì đó thì sao. Sống ở trên đời phải biết phấn đấu chứ. Nguyễn Công Trứ chẳng đã nói rồi:
            “Đã mang tiếng ở trong trời đất
              Phải có danh gì với núi sông”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét