Đi các nơi đến nhiều
đình, đền nhưng chỉ thấy ở làng Thanh Đớn (còn gọi là làng Đợn) xã Hà Thanh,
huyện Hà Trung, Thanh Hóa có một ngôi đình mang tên lạ: “Đình Cơm Thi”. Xưa
kia, có rất nhiều vùng quê tổ chức thi nấu cơm vào ngày hội làng, nhưng tên
đình làng gắn với tục thi nấu cơm thì chỉ thấy nơi này có.
Theo các cụ già nói lại
Đình Cơm Thi xưa to và rộng gấp mấy lần hiện nay, nằm trên sườn đồi thoai thoải.
Nhìn các hòn chân tảng cũ đang xếp phía sau đình thì mới biết lượng gỗ làm đình
lúc trước nhiều như thế nào. Đình Cơm Thi thờ tướng
quân Phan Tây Nhạc, từ thời vua Hùng đã có công chống giặc ngoại xâm, dạy dân
canh tác lúa nước. Đến thời Lý, phối thờ thêm Tể tướng Tô Hiến Thành là một vị
quan đại thần, văn võ toàn tài.
Thời kỳ sau những năm 1950, lễ hội Đình Cơm Thi đã không
còn được tổ chức. Những năm 1960, do nhu cầu làm trường học, làm nhà kho hợp
tác xã đình được gỡ ra để lấy gạch ngói, gỗ, từ đó đồ thờ dần hư nát. Lớp người
40-50 tuổi sau này không biết đến điển tích, lễ
hội đình
Cơm Thi. Nếu có thì chỉ còn là hoài niệm một thời của các cụ già.
Sau những năm 1990, trước
nhu cầu khôi phục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, đình
Cơm Thi đã được Nhà nước cùng nhân dân phục dựng lại. Độ mươi năm trở lại đây, Lễ
hội Đình Cơm Thi đã được tổ chức hàng năm vào đúng ngày 12 tháng Giêng.
Tôi cùng mấy người bạn
về từ sáng sớm. Trời lạnh giá nhưng mới tới đầu làng đã thấy không khí tưng bừng,
rộn rã. Cờ ngũ sắc cắm dọc đường làng. Người lớn, trẻ con nét mặt hân hoan như
ngày Tết. Mấy bà đang đội mâm lễ cúng ra đình, vừa đi vừa chuyện trò râm ran.
Góc sân đình một cây đu được trồng từ hôm trước, hai thanh niên lực lưỡng đang
cố hết sức nhưng đu vẫn không bay lên được do họ chưa biết cách chơi.
Người Thanh Đớn làm
ăn các nơi nhớ ngày lễ hội về tham gia, cũng vừa là để thăm lại quê hương bản
quán, gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Đến giờ kiệu Bà được
đoàn rước kiệu rước từ đình ngoài phía bờ sông về đình Cơm Thi. Cỗ kiệu sơn son
thếp vàng, có lọng che 2 bên với đồ tế khí, bát biểu được long trọng rước đi
trong tiếng trống, tiếng chiêng vang lừng. Về đến gần nơi thì đoàn rước kiệu
Ông ra đón. Khi các cỗ kiệu đã yên vị, lễ vật
dâng cúng đã bày sẵn là lúc bắt đầu tế lễ nghiêm trang và thành kính cầu mong
thành hoàng và các vị phúc thần phù hộ cho dân làng cũng như trăm họ bình an,
mùa màng cây con tươi tốt.
Phần quan trọng trong Lễ hội truyền thống là thi nấu cơm.
Ban Giám khảo phát lúa cho các nhóm để tự giã, sàng sảy thành gạo và nấu thành
cơm. Nghe nói xưa kia làm cầu kỳ hơn: lúa phải là Tám thơm, lửa phải dùng nứa
cọ xát cho nóng bật ra lửa, chất đốt là bã mía ăn cho khô nước bỏ vào. Và cái
khó nữa là thi nấu cơm hồi xưa phải vừa đi vừa nấu. Nay thì biểu diễn tượng
trưng trên sân khấu, đơn giản đi rất nhiều. Tuy vậy người xem cũng vòng trong
vòng ngoài reo hò cổ vũ cho đội mình giành chiến thắng.
Trong lễ hội Đình Cơm thi,
chúng tôi cũng thấy có các trò chơi khác như: đánh cờ người, chọi gà, đấu bóng
chuyền… nhưng theo chương trình sẽ diễn ra vào buổi chiều.
Người dân làng Thanh Đớn ngày nay ai
cũng tự hào về truyền thống thượng võ, hiếu nghĩa của cha ông xưa, biết xả thân
khi Tổ Quốc lâm nguy, biết tri ân các bậc Tiền nhân đã có công với làng, với
nước. Mong rằng lễ hội Đình
Cơm Thi sẽ được các thế hệ sau gìn giữ, phát huy để mãi mãi trường tồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét