Làng Nghĩa Môn (Bỉm Sơn) có một ngôi đền có tên gọi xưa nay
là Đền Cây Vải. Bây giờ chỉ còn sót lại vài gốc cây to đã bị cháy đen như hóa
thạch, dân làng bảo đấy là những gốc cây vải cổ thụ thời xưa. Tương truyền đền
Cây Vải được dựng vào khoảng thời Lý, trùng tu vào thời vua Thiệu Trị
(1840-1847). Sau mấy chục năm hư hỏng, đổ nát, năm 1993 được công nhận xếp hạng
di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Phía trước đền có một giếng nước trong mà dân làng quen gọi
là giếng Tiên.
Đền Cây Vải là nơi thờ Thuỷ Tinh công chúa - con gái của Động đình Long vương dưới Thuỷ cung. Theo thần sắc của đền thì Tiên nữ đã 2 lần phù hộ cho vua nhà Lý và vua Quang Trung đánh dẹp giặc, giữ yên được bờ cõi.
Đền Cây Vải là nơi thờ Thuỷ Tinh công chúa - con gái của Động đình Long vương dưới Thuỷ cung. Theo thần sắc của đền thì Tiên nữ đã 2 lần phù hộ cho vua nhà Lý và vua Quang Trung đánh dẹp giặc, giữ yên được bờ cõi.
Vua Quang Trung đã đề tặng một đôi câu đối hiện còn lưu giữ tại
Đền, nội dung như sau:
Ân ba mặc tướng Thiên Tiên Nữ
Sắc mệnh bao phong Thế Phúc Thần
Tạm dịch nghĩa:
(Không thể quên ơn Tiên nữ tướng - Cấp Sắc phong này cho Thế
Phúc Thần)
Cảnh đền khá đẹp, phía đông là đồi Ông Đùng, phía tây là một
hồ nước trong xanh. Xa xa phía bắc là nhà máy Xi-măng Bỉm Sơn và dãy núi Răng
cưa xanh mờ. Mấy cây đại, cây sứ trước cửa đền vóc dáng sù sì tạo nên một hình
thể rất cổ kính, tôn nghiêm.
Lễ hội Đền Cây Vải có từ lâu đời, chỉ có hồi chiến tranh và
thời kỳ bao cấp là bị lắng xuống. Các cụ làng Nghĩa Môn còn nhớ rất rõ và bây
giờ truyền lại những nghi thức tế lễ để hàng năm thực hiện. Năm
nay Lễ hội diễn ra dưới trời mưa nặng hạt nhưng bà con dân làng vẫn có mặt từ
sáng sớm. Đội làm cỗ phải dậy từ nửa đêm mổ lợn, đồ xôi để sáng ra sắp lễ cúng.
Đoàn rước gồm có kiệu ông, cờ lọng, trống phách diễu hành vào mộ cụ Nguyễn Thiện
là Thành hoàng của làng. Mộ cụ ở cuối làng phía bờ sông Tam Điệp, mới được sửa
sang lại những năm gần đây. Ông chủ tế đọc lầm rầm một bài khấn nơi mộ, bên
ngoài mọi người cười nói râm ran, thành ra cái linh thiêng nó bị giảm bớt.
Đoàn
rước quay trở về đền, ngang qua nhà văn hóa các bà vào đội thêm lễ và tiếp tục rước
ra đền. Ngoài mé hông đền đã làm một cái rạp to để tối hôm trước liên hoan văn
nghệ.
Các mục
khai mạc Lễ hội cũng giống các nơi: Giới thiệu đại biểu khách mời, đại diện
chính quyền nêu sơ qua về lịch sử đền rồi một vị đánh trống khai hội. Phần tế lễ
làm tại sân đền nhưng diện tích nhỏ hẹp, người thì đông nên cũng cần phải có sự
cải tiến để có nhiều người được tham dự, chiêm ngưỡng. Bài tế Hán văn có thể biến
thành Việt ngữ cho người nghe còn hiểu được.
Về lâu dài Di tích Đền Cây vải cần được đầu tư thỏa đáng thì
mới xứng đáng là một di tích lịch sử cấp Quốc gia phục vụ nhu cầu tín ngưỡng,
tâm linh của nhân dân trong vùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét