Trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

DŨNG "THANH LONG"


Theo giới thiệu của một người anh em tôi tìm đến trang trại của Dũng “Thanh long” ở làng Trạch Lâm (Quang Trung, Bỉm Sơn) vào một buổi sáng sớm. Leo qua một cái dốc tương đối khó đi, bắt gặp một triền đồi thoai thoải dứa, sắn đã lên xanh. Đi thêm một đoạn thì tới vườn Thanh long với bạt ngàn hoa đang nở trắng, hương thơm ngan ngát, vo vo tiếng ong lấy mật.
Trước đây đã từng thức cho đến nửa đêm để xem hoa quỳnh nở. Cảm giác sung sướng được thưởng thức những bông quỳnh trắng tinh mở ra e ấp trong đêm như một món quà của thiên nhiên ban tặng. Hôm nay đứng trước vườn thanh long này tự dưng liên tưởng đến hoa quỳnh. Không phải một bông, không phải một khóm. Nó là một tập hợp của số nhiều, rất nhiều. Rực rỡ, tinh khiết và vẫn có chút nào đó như ngập ngừng, e lệ. Chủ trang trại cho biết: Các bác mà đến muộn tí nữa, mặt trời lên là nó cụp hết.
Tôi đi tha thẩn giữa các trụ thanh long, tìm các góc độ khác nhau để chụp ảnh. Chụp gần, chụp xa, chụp toàn cảnh, chụp một góc…. Thôi thì tha hồ mà chọn trong một không gian ngập tràn cây lá, hương hoa. Thầm nghĩ sao cái giống Thanh long này nó kiên cường đến vậy, toàn sỏi và đá ong, nóng nực hầm hập đến thế mà nó vẫn mơn mởn xanh tươi như thách thức cả ông Trời.
Loại cây này trước đây chúng ta không có, nó là thứ cây ngoại nhập. Về đến nước ta, dân ta gọi là “Rồng Xanh”, không biết có phải do dáng dấp bề ngoài của nó, hay là nó đã cả gan dám bám rễ ngay trên những vùng cát nóng bỏng như ở xứ Phan Rang, Bình Thuận trong kia.
Chia tay chủ trang trại Dũng “thanh long”, trên đường về, phảng phất đâu đây một mùi hương dịu nhẹ. Nhớ lời Dũng thủ thỉ: Tháng sau bác xuống sẽ là cả một vườn đầy thanh long màu đỏ rực.
Vâng. Tháng sau.                    


Người đàn ông có khuôn mặt phong trần, từng trải, đang đứng trước mặt tôi là Đỗ Lương Dũng. Anh còn có biệt danh là “Dũng thanh long” với một trang trại hơn 4 héc-ta vườn đồi, chủ yếu trồng cây thanh long.
Trước năm 2007, anh lăn lộn làm ăn khắp trong nam ngoài bắc nhưng cảnh nhà vẫn hoàn túng thiếu, đói nghèo. Ở Bình Thuận làm thuê cho một trang trại trồng nho và thanh long, anh tự hỏi: Ở đây đất đai cằn cỗi, xơ xác thế kia mà họ vẫn làm ăn được, quê mình đâu đến nỗi, chả lẽ lại cứ đi làm thuê mãi. Anh trở về quê cải tạo lại vườn đồi của cha mẹ để lại, trồng cây Thanh long trắng giống Đài Loan. Tuy vậy năng suất thấp, thu hoạch kém, chỉ loay hoay đủ tiền trả nợ. Năm 2010, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa tổ chức cho một số Hội viên đi tham quan học tập mô hình trồng Thanh long đỏ ở Tiền Giang. Anh đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật và chuyển đổi trồng toàn bộ thanh long đỏ giống H14 trên đất vườn nhà mình với 300 trụ. Tính đến năm ngoái đã hai năm cho quả. Chỉ riêng năm 2013 thôi cũng đã thu hoạch khoảng 15 tấn, trị giá gần 500 triệu đồng.
Có tiền anh tiếp tục mạnh dạn đầu tư, mua thêm đất, đổ thêm trụ bê-tông. Từ chỗ chỉ có chưa đầy nửa héc-ta vườn nhà, anh mua thêm gần 4 héc-ta nữa và cho trồng tiếp 2000 hốc thanh long. Vẫn còn đất, anh mời chuyên gia từ trong nam ra tư vấn, hướng dẫn trồng bưởi da xanh.
Anh kể: Đi vay tiền Ngân hàng họ không tin mình có thể thành công. Nhìn căn nhà cấp 4 ọp ẹp, vườn tược chưa đâu vào đâu họ ngao ngán không dám cho vay, sợ rơi vào nợ khó đòi. Mãi đến khi anh làm thắng lợi vụ thanh long đầu tiên thì họ mới cho vay. Nay anh cũng đã thanh toán xong xuôi cả.
Năm nay tuy chưa thu hoạch nhưng anh ước lượng một cách khiêm tốn cũng được khoảng 30 tấn. Tôi nhẩm tính nếu bình quân 25 ngàn một kg thì anh đã có được 750 triệu đồng. Một con số khá ấn tượng đối với một gia đình nhà nông.
Thanh long đỏ lại còn một ưu điểm khác là thu hái rất nhiều lứa trong năm. Nếu tận thu là 10 lứa, nhưng để dưỡng cây chỉ lấy 6 lứa là vừa. Vậy là cây cũng đã ưu ái cho người quá nhiều, chỉ sợ người phụ cây mà không chăm chút nổi.
Tôi hỏi anh: Người lao động ở đây có nhiều không?. Anh cho biết ngoài hai vợ chồng còn có thêm 3 người thường trực. Thời vụ chăm bón, thu hoạch thì có thể gọi thêm, tùy theo nhu cầu. Trầm ngâm giây lát anh cười buồn:
-                 -   Bố làm không hết việc mà con gái tôi vẫn cứ thích lên thành phố làm thuê. 
Tôi bảo anh: Nhu cầu giao lưu của tuổi trẻ mà, đi vài năm cho biết thiên hạ rồi về làm thuê cho bố cũng được.
Đứng ở đỉnh đồi nhìn tít tắp xa xa, những trụ thanh long thẳng hàng như một đoàn quân chỉnh tề chuẩn bị ra trận. Tôi mường tượng vườn thanh long của anh trong tương lai còn bề thế, rộng dài hơn rất nhiều so với nơi tôi vừa đi qua. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét