Làm việc liên quan đến Tuyển sinh nên
hàng năm tôi phải thu nhận hồ sơ, các loại danh sách học sinh và có những câu
chuyện về cái tên người.
Nếu thống kê trên tập hợp lớn thì cái
tên có vần T số lượng đông đảo hàng đầu, phải chiếm đến một phần tư, tiếp đến
là vần H. Những vần hiếm và ít người đặt tên là vần U, vần Y.
Dân ta bây giờ thường chỉ chọn những cái tên
đẹp đẽ để đặt cho con nên có cái tên nhiều quá trùng nhau đến hàng chục em. Có
lần xếp phòng thi, riêng tên Nguyễn Thị Hoa đã có khá nhiều. Có khi rất ngẫu
nhiên trùng cả họ tên và trùng cả ngày tháng năm sinh.
Lắm lúc nghĩ cái tên mình nó xấu và
độc đáo thế lại hóa hay, chả có ai trùng, đỡ nhầm lẫn lôi thôi.
Lại nhớ một lần, trong danh sách học
sinh có một cái tên khá lạ: Nguyễn Hữu Phan Hoàng Nguyên. Khi nhập dữ liệu vào
máy tính thì không tài nào nhập được, vì phần mềm thiết kế chỉ cho phép tên tối
đa không quá 20 ký tự. Tôi bảo cô Hiệu trưởng mời phụ huynh đến trao đổi để cắt
giảm bớt.
Nhưng thật oái oăm là phụ huynh cũng
ương ương không chịu: Có sao xin cô cứ để vậy, Nhà nước ta không cấm đặt tên
dài.
Chúng tôi đành phải chiết xuất danh
sách ra Excel để nhập trực tiếp gửi về Sở cho kịp thời. Đồng thời làm tờ trình
báo cáo cụ thể về trường hợp này. Bởi nếu không về sau khi đưa vào chương trình
em ấy sẽ bị cắt mất tên.
Báo
chí từng phản ánh chuyện năm 1987, ông Mai Văn Cán ở Quảng Nam “lỡ” sinh
con thứ 5 nên chính quyền xã phạt ông 6.500 đồng. Ông
năn nỉ xin tha nhưng không được. Giận
chính quyền, ông đặt luôn tên con là Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi.
Lại có em có cái tên nghe tây tây:
Nguyễn Thị Ya Ly. Nghe nói khi em sinh thì bố em đang làm việc trong Công trình
thủy điện Ya-ly nên khai sinh luôn cái tên ấy coi như một kỷ niệm, chứ không
phải là người ngoại quốc.
Một lần về kiểm tra ở một trường Tiểu học.
Trong một cuốn sổ lớp có cái tên lạ: Lê Huyền Chang. Tôi nghi vấn hỏi lại cô
giáo chủ nhiệm lớp xem có viết nhầm không. Cô bảo cô đã viết đúng y như giấy
khai sinh. Cô cũng đã hỏi ý kiến gia đình nhưng họ bảo người ta đã trót làm
giấy khai sinh, thôi thì cứ để vậy kẻo làm lại phiền hà lắm.
Lại nhớ lại ngày tôi còn học ở trường
cấp 3, có một bạn tên rất ngon và rất hay: Bùi Như Lạc. Bạn ấy lại có năng
khiếu văn nghệ nên hễ tập trung toàn trường, là thể nào cũng được các thày mời
lên hát. Khi gọi Bùi Như Lạc cả trường lại được một trận cười nghiêng ngả.
Còn trong lớp tôi có bạn Vũ Tiến Rửng.
Hồi đấy cả nước học Trung văn nên đứa nào cũng nhờ thầy tra Tự điển tên mình
bằng tiếng Trung Quốc đọc và viết thế nào.
Riêng bạn ấy thầy lục khắp cả Tự điển
mà không tìm thấy. Khi thầy thông báo tin này mặt bạn ấy buồn thiu, ngơ ngác…
Có Cái Tên mà lắm chuyện vậy đấy.
Bài 2:
Cái tên vậy mà lắm chuyện
ra phết, bởi vì số từ vựng thì có hạn nên nhiều người mang tên trùng nhau âu
cũng là sự thường.
Ở làng tôi có hai nhà gần
kề nhau. Khi đẻ con ra một nhà đặt tên trùng với tên bố ông hàng xóm. Có thể
chỉ là sự vô tình, vì ở quê tôi có tục gọi bố theo tên con nên nhiều người ít
nghe tên cúng cơm của ông bố. Chả biết hai nhà có gặp nhau thương thuyết hay
không nhưng tự nhiên hôm ấy có đám cãi nhau to lắm, xuýt nữa thì đánh nhau.
"Đã thế thì tao cứ để
tên con như vậy thỉnh thoảng tao lôi ra chửi bố mày cho sướng miệng" (!)
Nhà kia cũng không vừa,
"đấy vỏ quýt dày, thì đây có móng tay nhọn". Năm sau đẻ con gái, liền
đặt ngay tên mẹ của đối thủ cho bõ tức.
Chỉ khổ cho hai đứa con
nít, chả có tội tình gì, nhưng cứ vô cớ thỉnh thoảng lại bị bố mẹ chúng mang ra
chửi oan.
Lại nói về cái tục gọi tên
bố theo tên con.
Chẳng biết từ khi nào quê
tôi có lệ ấy. Ông nội tôi vẫn gọi là cố Phới, mặc dù nhà tôi không có ai tên
Phới. Rất nhiều người con cháu trong nhà cũng không rõ. Nó là thế này:
Chị cả tôi khi đẻ ra đặt
tên là Phới, cháu nội đầu tiên của ông tôi. Như vậy cứ theo lệ thì cha tôi là
ông Phới còn ông tôi là cố Phới.
Nhưng khi chị tôi học đến
cấp 2, một ông thày bảo: Em có muốn đổi tên khác để thày ghi vào sổ. Chị tôi đã
đổi là Phượng và cái tên Phới chỉ còn là kỷ niệm một thời thơ ấu.
Cho đến nay chị tôi tên
Phượng, còn người làng cũng như con cháu trong nhà cứ gọi ông tôi là cố Phới và
cha tôi là ông Phới.
Tục Thanh Hóa xưa còn quy
định: con gái lấy chồng thì gọi theo tên chồng, cưới rồi mà chưa có con gọi là
Nhiêu, đẻ con trai đầu gọi là Cò, đẻ con gái đầu gọi là Hĩm. Trong bài vè về
Thanh Hóa đã có một đoạn như sau:
"Lấy vợ từ nhỏ
Còn để trái đào
Đặt tên con đầu
Không Cò thì Hĩm…"
Vì thế ở trong làng tôi có
rất nhiều anh Cò nọ, Cò kia, Hĩm này, Hĩm khác. Bây giờ thì ít rồi nhưng hiện
tại vẫn còn một số ông Cò, bà Cò.
Có rất nhiều cô sau khi đi
lấy chồng là mất tên vì cứ gọi theo tên chồng. Chỉ đến khi có cuộc bầu cử, thấy
ghi ở Bảng danh sách cử tri mới biết tên thật của cô ấy, bà ấy.
Các nước khác lại có tục
trái ngược với ta. Được ai dùng tên mình là một vinh hạnh. Tổng thống An-giê-ri
là Bu-mê-điên sang thăm Việt Nam
đã lịch sự đề nghị Hồ Chủ tịch cho phép được đặt tên con mình là Hồ.
Hồ Chủ tịch vui vẻ chấp
nhận đồng thời cười và bảo với các tùy tùng cùng đi:
- Bác không có con, nên có
chú nào muốn lấy tên Tổng thống đặt cho con mình thì bác cho phép.
Các chú nhìn nhau sợ hết
hồn. Không ai dám nhận lời, ai lại đi đặt tên con là ĐIÊN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét