Thời sinh viên của
chúng tôi đất nước cực kỳ khó khăn. Mọi thứ đều phân phối. Và vì khan hiếm nên
cái gì cũng phải canh cách, chia chác ra rất bần tiện và bôi bác.
Cả lớp được phân phối
nửa xô đường Sông Lam (Loại đường màu hung hung mà bây giờ không thấy có). Cả mấy
chục người quây quần để vi phân số đường kia. Thôi thì có còn hơn không, của
phân phối mà. Dù sao thì Nhà nước cũng đã có sự quan tâm đến sinh viên, những
"kỹ sư tâm hồn" trong tương lai.
Đầu tiên là phải lấy
cốc đong toàn bộ số đường xem được bao nhiêu cốc. Khi đong cho từng người thì
phải nhè nhẹ tay chứ không đến người sau sẽ hết.
Lạy trời! Được cái
anh em lớp tôi cũng khá đoàn kết, nên suốt mấy năm học không thấy có vụ đánh
nhau nào trong việc chia đường.
Nhớ nhất một lần lớp
được phân 10 suất mua vải xi-mi-li may quần. Không phải màu xanh cũng không
phải màu vàng, gọi màu "cứt gà" là chuẩn nhất. Nói thật chứ bây giờ
có mang cho không cũng chả ai muốn lấy.
Lớp có đến mấy chục người
mà chỉ có 10 suất, ai cũng rách rưới, khó khăn cả. Thôi thì bắt thăm vậy. Cán
bộ lớp làm thăm, cho vào cái mũ cối lắc lên, lắc xuống lộn tùng phèo.
Bắt được thăm, tiếng
reo hò vang động cả sân ký túc xá: "Trúng rồ…ồi…" - "Số đỏ rồ…ồi"…
Nhiều đứa vỗ tay, nhẩy cẫng lên như vừa đào được vàng. Nhưng sao nhiều người
trúng thế này, hay nhầm lẫn. Rõ ràng là trong thăm của mình ghi chữ CÓ đàng
hoàng đây. Đám đông hưng phấn bắt đầu nghi ngờ và chất vấn cán bộ lớp. Bấy giờ
lớp trưởng Lê Thanh Phương mới thong thả tâu trình: "Thưa các bạn! Lâu nay
thấy các bạn học hành căng thẳng quá, lại ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên Ban
cán sự quyết định bồi dưỡng cho cả lớp một trận cười. Thăm nào ghi CÓ là không
và ghi KHÔNG là có".
Hôm ấy người được,
người không, nhưng tất cả, ai cũng được một bữa cười thỏa thích no cả bụng.
Không biết có ai còn
cái quần xi-mi-li ngày xưa không. Riêng tôi vẫn còn. Chả là có chú em ở quê hôm
nọ bảo: cái quần hồi trước bác cho em vẫn còn kia, nó dai đến mức sổ hết chỉ mà
vẫn chưa rách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét