Trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

BÁC NGOẠN

Nghe qua cái tiêu đề này hẳn nhiều người sẽ thấy rất lạ.
Ở ngay đầu làng tôi có cái Trạm Đo nước, thực ra đó là tên thường gọi của mọi người đối với trạm Thủy văn, một cơ quan nhà nước. Cái trạm ấy có từ thời Pháp, do một ông Ký ăn lương trông coi.
Khoảng năm 1959, trạm Đo nước được một ông Ký mới về phụ trách. Ông ta khá đặc biệt, người miền Nam tập kết, giọng nói to và vang, vui tính, hay chuyện. Ông thường mặc bộ đồ gụ bà ba như một người nông dân, cũng lao động tự phục vụ hoặc tăng gia như bà con trong làng. Tất cả mọi người, từ người cao tuổi đến đứa con nít đều gọi là Bác Ngoạn
Công việc của ông rất đơn giản và nhàm chán. Cứ 2 tiếng đồng hồ ông lại phải ra cái cột có vạch số ở ngoài sông để ghi mực nước thủy triều. Ngày nào cũng như ngày nào, ông mẫn cán, tỷ mỷ ghi chép số liệu một cách đều đặn. Cuối tháng tổng hợp báo cáo về Tỉnh, không cần phải cộng trừ tính toán, cũng không phải điều chỉnh gì cả. Lúc ấy, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Ông được Nhà nước cung cấp cho một cái xe Stéc-ling mới toanh, đi đâu về là ông đưa ngay vào buồng treo lên. Không cho ai mượn bao giờ, mà làng tôi lúc ấy cũng chả  mấy ai biết đi xe.
Để có người thay thế khi cần, ông hợp đồng với một người trong làng. Người này làm từ 10 giờ đêm cho đến sáng hoặc những hôm nào ông phải đi Tỉnh, đi đong gạo… Đã làm cho ông thì phải cẩn thận, vặn chuông đồng hồ báo thức để đến giờ đi đo, ghi chép vào sổ thật rõ ràng. Tính ông khắt khe, làm hỏng thì ông nói cho nhức xương, sai sót nhiều ông sẽ thay người khác.
Bà con trong làng quý ông ở cái tính ngay thẳng, tằn tiện và chăm chỉ. Chính vì thế trạm Đo nước là nơi mọi người thường hay lui tới tụ tập chuyện vặt, hút thuốc lào. Khoảng năm 1964 ông được cung cấp một cái Ra-đi-ô kéo dây ăng-ten từ cây cột cao chót vót, mỗi khi mưa giông là phải ra ngắt dây ăng-ten cắm xuống đất. Tối thứ Bảy, trạm Đo nước chật kín người ngồi nghe Sân khấu truyền thanh. Ông ghét nhất là bà nào cho trẻ nhỏ đến quấy khóc. Nghe ông quát thì con nít đang khóc phải im bặt.
Chỗ ông đặt báo Nhân Dân, cứ mấy ngày Bưu tá lại mang báo đến. Cha tôi thường mượn báo của ông về đọc và tôi có nhiệm vụ ra hỏi bác Ngoạn xem đã có báo mới chưa.
Ông vốn hay chuyện nên chúng tôi cũng nghe lỏm được ở ông khá nhiều, nào Tam quốc, Thủy hử… rồi cổ tích, ngụ ngôn… Đôi khi ông cũng tâm sự hoàn cảnh gia đình với bà con. Ông quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, khi ông ra bắc tập kết đứa con út đang còn trong bụng mẹ. Những năm 1970, ông cảm thấy buồn bã vì xa nhà đã quá lâu (gần 20 năm), nhiều lúc thấy ông đăm chiêu, tư lự.
Dân miền Nam tập kết có nhiều ông không chịu được cảnh cô đơn đã cưới thêm bà khác. Riêng ông, cũng một vài chỗ có ẩn ý nhưng ông kiên quyết khước từ. Qua các câu chuyện thì biết rằng ông rất nặng tình với gia đình, với quê hương.
Sau năm 1975, ông về quê Quảng Ngãi. Nếu còn sống nay ông cũng phải ngoài 90 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét