Đang ngủ trưa mê man say. Bỗng
"Queng…." tiếng gõ vào kim khí chát chúa khiến chúng tôi giật mình
nhưng vì đang ngái ngủ nên lại tiếp tục.
"Queng…." âm thanh lan tỏa
từ từ như những hạt đạn vô hình xoáy vào tim, vào óc. Từng tiếng, từng tiếng
thong thả đã lôi chúng tôi dậy. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng, trưa, chiều
tiếng kẻng báo thức, báo giờ học, ra chơi, hết giờ chưa thấy khi nào bị sai.
Hôm ra cổng qua
phòng trực thấy một bác đứng tuổi người thô ráp, quê mùa, quần áo cũ kỹ lại nói
cái thổ âm làng Đợn gần quê tôi. Lân la hỏi bác có phải người ở đó không. Bác
bảo phải và hỏi lại: "Mi ở mô?". Tôi nói chỉ cách quê bác có con
sông. Bác cho biết: Theo trường Vinh từ ngày trường sơ tán ra Hà Trung, khoảng
năm 1965. Bác gái làm ở nhà bếp, còn bác cầm canh, giữ nhịp cho toàn trường.
Bác báo giờ chuẩn
như vậy còn phải kể đến cái đồng hồ lên dây cót hiệu Slava của Liên Xô. Nó đã
tróc sơn hoen rỉ nhưng chạy cực chuẩn.
Bác cứ theo giờ
ghi trên tấm bảng gỗ mà phang kẻng. Bất kể nắng mưa, bất kể giá rét. Người nào
chọn bác vào việc ấy quả là có con mắt xanh, tinh đời.
Chúng tôi trêu
bác: Hình như bác gõ kẻng báo thức cứ 1 tiếng xong đợi cho nó ngân nga, lại vào
hút điếu thuốc lào rồi mới ra gõ tiếp.
Bác cười hồn hậu:
Chúng bay chỉ giỏi xuyên tạc.
Hôm đấy đi qua
phòng Bảo vệ thấy có việc to tiếng. Một nam thanh niên tóc hơi dài, quần tương
đối loe, đi cái xe Ét-ka dáng chừng như học bên Ba Lan, Tiệp Khắc về nước.
Bác nói to, tay
liên tục chém chém vào không khí, kiên quyết không cho vào. Bác bảo trường tôi
đã cấm sinh viên mặc quần loe, để tóc dài, có nội quy hẳn hoi. Chúng tôi không cho anh vào là như
vậy. Mọi người xúm lại xem giải quyết, không rõ về sau rồi ra sao.
Các bác nhân viên
làm hành chính, phục vụ, thư viện… nhiều nhưng tôi chả nhớ ai, chỉ còn nhớ mỗi
bác Sơn đánh kẻng.
Không biết bây giờ bác đang ở đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét