Trang

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

ĐÀO DUY TỪ


Trên đường trở ra bắc chúng tôi lại tán chuyện phiếm, Quảng Bình và Thanh Hóa tuy có nhiều điểm khác biệt song cũng có những cái giống nhau vì cùng là “quê choa” cả. Tôi nói thêm: còn một điểm chung nữa thuộc về lịch sử có liên quan đến một nhân vật lừng danh thế kỷ 17. Ấy là danh nhân Đào Duy Từ.
Ông vốn người Tĩnh Gia, Thanh Hóa, con một gia đình làm nghề hát xướng, cầm ca chuyên nghiệp. Thời xưa những ai làm nghề này bị xem rất thường và bị kỳ thị, coi như đồ “xướng ca vô loài”. Đào Duy Từ có tư chất thông minh, tài cao, học rộng và biết nhiều nhưng đi thi thì bị đánh trượt chỉ vì lý do vớ vẩn như vậy. Bất mãn ông trốn vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Là người sớm nhận ra chân tài, chúa Nguyễn tin dùng ông và Đào Duy Từ đã trở thành một nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà thơ, được chúa coi là một Khai quốc công thần, một Khổng Minh giáng thế.
Đào Duy Từ đã cho quân lính đắp lũy Trường Dục và Lũy Thầy trên bờ sông Nhật Lệ, nhờ vậy mà ngăn được quân Trịnh một cách hiệu quả; tham mưu cho chúa nhiều chính sách đối ngoại, đối nội, giữ vững chính sự, cải cách an dân… Tác phẩm nổi tiếng ông để lại cho đời sau là “Hổ trướng khu cơ” nói về nghệ thuật dùng binh. Nhiều bài thơ, vở tuồng của ông được truyền tụng trong dân gian.
Sau này chúa Trịnh tiếc đã cho người đưa thư ngỏ ý vời ông trở lại quê nhà với nhiều bổng lộc, chức tước bằng một bài ca dao:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Đào Duy Từ cũng mượn ca dao để khước từ:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Chúa Trịnh còn cố tình lôi kéo một số lần nữa nhưng Đào Duy Từ đã dứt khoát cự tuyệt:
Có lòng xin tạ ơn lòng, 
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen
Ngày nay tên của Đào Duy Từ đã được đặt cho hai trường THPT của hai tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa.
Bài học về việc dùng người từ cách đây ba trăm năm nay vẫn còn nguyên giá trị. Không biết các nhà tổ chức, các nhà lãnh đạo có thuộc bài này không. Lại nhớ đến một đoạn trên bia khắc ở Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước thấp hèn….”. Không biết đến khi nào thì “nguyên khí quốc gia” mới không bị sử dụng phí phạm như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét