Trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

VĂN DUY



Hôm Chủ nhật vừa qua, nhân ra thăm cậu tôi ở Hải Dương, tôi đã đến thăm chú Văn Duy.  Lâu rồi chú cháu không gặp nhau, nhưng chỉ sau thoáng ngỡ ngàng ban đầu chú đã gọi đúng tên tôi.
Cách đây 41 năm, vào năm học cuối cấp 3, tôi đã trọ học ở nhà chú. Là một giáo viên cấp 2, vợ làm ruộng, con đông, cuộc sống gia đình chú  cũng khá chật vật.
Tôi cũng từng đến nhiều nơi, trọ trong nhà dân cũng nhiều, mỗi nơi lưu giữ một ấn tượng riêng. Nhưng chỉ có thời gian trọ ở nhà chú Văn Duy là để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm nhất.
Chú dạy văn cấp 2, sau này chú học hàm thụ Đại học Tổng hợp và dạy trường Năng khiếu của huyện Kinh Môn cho đến lúc về hưu. Từ những ngày xưa ấy tôi đã biết chú là một nhà giáo tài hoa và tâm huyết với nghề. Trong nhà chú có một tủ sách có rất nhiều loại sách kinh điển. Chú cho phép tôi thích đọc cuốn nào cứ việc tự nhiên. Đọc xong để đúng vào vị trí cũ là được. Năm đó học ôn cuối cấp chiếm nhiều thời gian, nhưng tôi cũng tranh thủ xem được một ít.
Tôi được chứng kiến cái không khí sôi nổi về học thuật văn chương ở nhà chú. Có những buổi tối chú cùng các thầy giáo cấp 3 đàm đạo say sưa về thơ Phạm Tiến Duật mà tôi vẫn còn nhớ lõm bõm: “Quê em ở Thạch Kim\Sao lại đùa anh nói là Thạch nhọn…”
Chả là lúc bấy giờ Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ vừa mới xuất hiện trên thi đàn như một ngôi sao.
  Chú còn có năng khiếu Hội họa. Thời ấy phim ảnh là của hiếm, chú vẽ phim Đèn chiếu để cho học sinh xem (Vẽ tranh trên giấy trong rồi dùng đèn măng-xông chiếu lên tường vôi trắng). Tôi đã từng ngồi xem chú tỷ mẩn vẽ từng mẩu phim, đánh số và sắp xếp cẩn thận để khi dùng khỏi lầm lẫn.
Chú đọc rất nhiều sách. Từ văn chương tới Lịch sử, Địa lý, Văn hóa…. và luôn được huyện cử bồi dưỡng các đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn.
Sau này tôi đi học rồi đi dạy ở Thanh Hóa, ít gặp chú. Tôi chỉ nghĩ chú cũng chỉ thuần dạy học như bao nhà giáo khác.
Lần này gặp lại chú, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi biết chú còn là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có hạng của tỉnh Hải Dương. Kiến văn của chú uyên bác, sâu sắc về nhiều lĩnh vực lịch sử, địa lý, xã hội, văn hóa…
Chú đã có đến 9 đầu sách được xuất bản gồm: Tập truyện, Thơ, Phê bình văn học, Khảo cứu văn hóa, lịch sử, Tản văn….. Nhìn lên quyển lịch treo trên vách đã kẻ sẵn Kế hoạch trong tháng tôi biết chú vẫn còn bao công việc bề bộn đang chờ kia. Nào bản thảo gửi Nhà xuất bản, nào đi khảo sát văn hóa làng nghề, hẹn gặp bạn viết… Nói đến Văn hóa đất Kinh Môn có lẽ không mấy ai am tường bằng chú, mặc dù quê chú ở tận huyện Tứ Kỳ, cuối tỉnh Hải Dương.
Ra về chú tặng tôi cuốn TRỜI MƯA BONG BÓNG là tập hợp các bài bình thơ mà chú cảm thấy tâm đắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét