Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

TÔM TÉP XƯỚNG HỌA



                          Bài xướng: VỊNH TÔM  
                    Nòi giống các ngươi thật quá buồn
                    Suốt ngày khúm núm, cảnh đi khom
                    Được đôi râu vểnh quen lùi ngược
                    Có cái lưng cong thạo cúi luồn
                    Phân lộn lên đầu nên có dại?
                    Não nằm phía dưới bởi chưa khôn?   
                    Ở đời ứng xử cho minh bạch
                   Tư cách đàng hoàng, đáng trọng hơn


                        Bài tự họa:  TÔM GIÃI BÀY
                   Tự thấy có chi phải đáng buồn
                   Vượt dòng nước ngược, dáng nên khom
                   Te câu người đặt, cần lui tránh 
                   Đăng đó ai đơm, cố lách luồn
                   Dối trá, lọc lừa - Khôn với dại?
                   Thật thà, trung thực - Dại hay khôn? (1)
                    Đừng vì hình thức lưng cong ấy
                   Đánh giá, luận bàn sẽ chuẩn hơn

                     (1) Tôm tép trả lại tiền cho bà Còng


------------------
CÁC BÀI HỌA 

1/ Lê Trường - TÂM SỰ TÔM
Vạn vật sinh ra vốn tại Trời
Cái tên tự bác đặt mà thôi
Bác to, bác mạnh nên nhiều chuyện
Em bé, em hèn dám hé môi.
Kẻ nôn bằng miệng sao không ví?
Đứa ị đằng đầu lại cứ bôi?
Sản phẩm đều từ trong bụng cả
Có khác chi đâu hả bác Người?

 

2/ Dinhnguyen Nguyen -TÔM VÀ QUAN
Mấy vị quan tham thật đáng buồn
To mồm hống hách lại chuyên khom
Loài tôm khúm núm chuyên đi ngược
Cán bộ cong lưng để chúi luồn
Cứt đặt trên đầu ai bảo dại
Tiền đem lót đệm kẻ ban khôn
Quan trường chẳng thể còn trinh bạch
Trốc thối như tôm chắc bẩn hơn

 

3/ Trần Chính - TỪ CHỨC
Vận nước trông anh thấy thật buồn
Trên đầu xã tắc lại đi khom
Tinh thần Rồng Việt còn chưa tỏ
Não trạng tôm lươn chỉ cúi luồn
Nhục nhã nhiều phen nào đã đủ
Đớn đau bao bận mãi không khôn
Nhân dân mong mỏi chờ minh triết
Từ chức xin về đáng trọng hơn

4/  Nhuy Gialai - ĐÂY TÔM HÙM
Mang tiếng “hùm” chi, chỉ thấy buồn
Cũng dòng tôm tép, cũng đi khom
Càng to khua khoắng không ai sợ
Thân lớn rằn ri khó trốn luồn
Ngon thịt, miệng đời câu đắt - rẻ 
Khòm lưng, thời thế chuyện ngu - khôn
Số phần “nhãi nhép” âu đành chịu
Đâu dám cùng người sánh thiệt hơn…

 

5/ Viet Hung Le - LŨ TÔM.
Cái lũ Tôm kia chẳng biết buồn
Không hề đứng thẳng lại lom khom.
Chơi đàn tép nhỏ thì hà hiếp
Giỡn đám cá to lại cúi luồn.
Bụng dạ hẹp hòi nào phải dại
Ruột gan lộn ngược mấy khi khôn
Bon chen chi lắm lồi con mắt,
An phận thủ thường có phải hơn

 

6/ Viet Hung Le - TÔM TÍCH
Cái giống Tôm ni chẳng khoái buồn
Hễ vui thẳng đứng chẳng thèm khom
Mưa tràn nước trẩy thì bơi nhảy
Thấy lỗ, gặp hang cứ rúc luồn.
Ỷ thế nhọn đầu nào sợ dại
Cậy minh gân gốc há chi khôn.
Ham luồn thích rúc chi thêm mệt
Mặc thế sự đời chớ thiệt hơn


7/
Bá Tú Nguyễn - HỌA CON TÔM
Râu vểnh ngược râu, mặt chẳng buồn
Mọc sừng trên trốc phải lom khom
Chân chèo, cong bụng đem hơi bắng
Mắt chống, co lưng lấy sức luồn
Rồng đến chơi nhà, Rồng dụng trí
Ốc nằm trong vỏ, Ốc làm khôn
Loài Tôm bơi lội chìm trong nước
Mà óc chứa đầy chuyện thiệt hơn

 

8/ Dong Hoang - TÔM CA
Biết phận như tôi chẳng thấy buồn.
Sinh ra dáng dấp đã lom khom
Lũ người bắt chước, ưa bò ngược
Bọn quỷ học theo, khoái cúi luồn.
Tránh "Ngọ Môn" cao - Hèn bạc dại?
Lách qua cổng hẹp - Bạo tiền khôn?
"Bà Còng" gặp nạn thì quay mặt
Lối sống so Tôm có kém hơn

 

9/ Chu Mã Ba - CHỄM CHỆ
Phân lộn lên đầu nghĩ chẳng buồn
Trời sinh ra vậy việc gì khom
Sông sâu thoải mái vô tư lách
Biển rộng mênh mông thả sức luồn
Thứ hấp cõng bia chờ kẻ đẹp
Món đồ vác rượu đợi người khôn
Tôm hùm đầu bảng trên bàn tiệc
Chễm chệ hầu chầu kính nể hơn

 

10/ Thanh Hoa Dang - LỜI TÔM
Năng động, thông minh phải lách, luồn
Đường đời muốn vượt có khi khom
Cửa cao cúi mặt… thì là dại
Vòm thấp ngẩng đầu… ắt chẳng khôn
Lắm lúc thẳng lưng thường bị thiệt
Nhiều khi quỳ gối lại phần hơn
Loài người kiêu ngạo chê loài vật
Sống khổ hơn Tôm – thật quá buồn

 

11/ Dương Hoàng  -  CÓ NÊN BUỒN?
Trời sinh ra kiếp phải đi khom
Đâu phải là tôi thích cúi luồn
Thuở bé thấp hèn đành chịu thiệt (1)
Lớn lên chậm tiến chẳng đòi hơn
Thật thà trả của hay chăng dại? (2)
Nhân hậu giúp già há lại khôn?
Thiên hạ trăm người trăm miệng lưỡi
Khen chê, khinh trọng có nên buồn?



12/ Thanh Thanh  - TÔM THAN
Trời đè phải sống kiếp lưng khom
Lùi bước nào đâu biết lách luồn
Đầu cứng sánh Cua đành chịu thiệt
Càng to so Cáy buộc nhường hơn
Tử hồng cả xác còn là dại?
Sinh bạch một đời vẫn chửa khôn?
Miệng thế truyền lan gieo tiếng xấu
Làm thân Tôm Tép thật là buồn

13/ Toi Pham Van - TÔM LUỒN

Vẫn nghe tôm cứt lộn lên đầu
Họ hàng nhà nó khác chi nhau
Mấy thằng khua mép quen luồn cúi
Có kẻ võ mồm cũng vểnh râu
Đi thẳng chắc đà thăng tiến khó
Cúi khom, luồn khéo cũng còn mau
Được cơ, được nước thi nhau bật
Cũng chẳng phải cần ngó trước sau

 

14/ Khanh Van Chi Duc - VỊNH TÔM
Cuộc sống khi vui lẫn lúc buồn
Trời sinh sao nỡ trách lưng khom
Tìm hàng bún đậu không cần cúi
Đến quán bánh tôm chẳng phải luồn
Vào chỗ chiếu bài khôn hóa dại
Ra đời đầm vũng lại nên khôn
Kẻ nào đụng đến dương càng chống
Giữ lấy ao, đâu quản thiệt hơn 

15/ Dong Hoang  - BẦY TÔM.
Rồng hóa thành Tôm thật đáng buồn
Đứng đầu trăm họ lại đi khom
Nhập triều (* ) khúm núm - Loài bò ngược
Xuất ngoại xun xoe - Giống cúi luồn

Lắm cẳng ngỡ là... nhiều chước độc?
Dài râu lại tưởng... lắm mưu khôn?
Kết bè kéo cánh phường xôi thịt.
Xử hết bầy gian Nước sạch hơn

( *) Long Vương.


16/
Cố Nhân - TÍNH CÁCH TÔM
Bốn phía, nhìn xem thật đáng buồn
Trên dao dưới thớt, mới đành khom
Bùn dơ hôi hám, nên chui tránh
Sóng dữ hung hăng, phải lách luồn
Thây kệ người đời chê: quá nhát
Mặc cho miệng thế trách: không khôn
“Bà Còng” vẫn giúp, khi cần giúp
Đã giúp đâu màng chuyện thiệt hơn.

 

 

17/ Lê Trường - TÂM SỰ TÔM 2
Tiếng xấu đành mang tủi phận buồn
Lưng xương chẳng có mới đi khom
Chỉ vì đít nhỏ phân đành lộn
Cũng bởi đầu to tính phải luồn
Hàn Tín cúi đầu ai bảo dại?
Quan Công khí phách chắc gì khôn?
Mặc cha thiên hạ lời đàm tiếu
Cay cú làm gì chuyện thiệt hơn

 


18/ Chu Hồng Trung -  ĐỜI TÔM
Bạc phước nhưng đâu tủi với buồn
Dọc ngang sông biển chẳng cần khom
Qua cơn bĩ cực nhờ khôn lách
Gặp cảnh hàn vi phải khéo luồn
Căng mắt nhìn đời phòng kẻ dại
Cúi mình đáp lễ kính người khôn
Bà Còng vẫn "sống" trong thơ trẻ
Sao vội bẽ bàng chuyện thiệt hơn....

 

19/ Trúc Lê Văn - LỜI CỦA TÔM
Thân phận tôm ta nghĩ cũng buồn
Trời sinh ra kiếp phải đi khom
Người người một mực: Đồ hèn kém
Kẻ kẻ hai rằng: Hạng cúi luồn
Tiếng Hùm người bắt: Đành là dại
Tên Bạc kẻ cào: Bởi chẳng khôn
Gìn giữ tấm thân nên phải tính
Cúi luồn, ngay thẳng cái chi hơn?

 

20/ Nguyễn Cảnh Bình - VỊNH TÔM
Cong cong một tý cớ sao buồn
Hết nằm ta lại chiến khom khom
Ừ thì râu vểnh ta đi ngược
Với cái lưng cong tớ dễ luồn
Biết cúi, biết luồn sao cho dại
Thẳng lưng vấp váp có rằng khôn
Ở đời đâu cứ là minh bạch
Tùy thế mà cong có lẽ hơn

 

21/ Dang Kich - TÔM GIÃI BÀY
Tự thấy có chi phải đáng buồn
Vượt dòng nước ngược, dáng nên khom
Te câu người đặt, cần lui tránh 
Đăng đó ai đơm, cố lách luồn
Dối trá, lọc lừa - Khôn với dại?
Thật thà, trung thực - Dại hay khôn? (1)
Đừng vì hình thức lưng cong ấy
Đánh giá, luận bàn sẽ chuẩn hơn

(1) Tôm tép trả lại tiền cho bà Còng

22/ Dung Nguyen Xuan -TÔM TỰ BẠCH
Chớ thấy cong queo đã vội buồn
Bởi vì trời thấp phải lom khom
Giang hồ có lúc cần lùi, tiến
Ghềnh thác đôi khi phải lách, luồn
Chịu đựng hoá thân từ bỏ dại
Kiên trì lột xác trở nên khôn  
Thật thà được tiếng trong thiên hạ
Nhặt của trả người mấy kẻ hơn  


   @  Tôm lột xác nhiều lần
    &   Tôm tép thật thà

 

23/ Hai Thảnh - CHẲNG PHẢI LUỒN

Bố mẹ sinh ra phận chẳng buồn 
Hàn vi thiếu chất phải lom khom
Chân tay vẫn vững không nhu nhược 
Cột sống dù cong chẳng chịu luồn

Tạo hóa dập khuôn đâu kẻ dại 
Con người rèn nết biết ai khôn 
Môi trường tôi sống hằng trong sạch 
Còng – Thẳng chốn nào đỡ Thiệt – Hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét