Trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

TIỆN

Nghe chuyện này nhiều người cười khảy: Vớ vẩn quá, có thế mà cũng nói, thật là bó tay chấm com…
Chuyện của loài người từ thuở thoát thai. Ở trường Mầm non các cô dạy các cháu chỉ được nói vệ sinh nhẹ và vệ sinh nặng chứ không như mấy bác trong quê cứ ngắn gọn cho dễ hiểu. Xưa đây các cụ nhà ta nho nhã thì gọi là Tiểu tiện và Đại tiện. Tôi thì thấy vô vàn cái bất tiện quanh sự việc này.
Hôm đi Quảng Bình, đường Quốc lộ 1 đang thi công, xe cứ ì ạch bò chầm chậm qua. Thỉnh thoảng lái xe lại khéo léo kiếm chỗ cho chúng tôi giải quyết nỗi buồn. Thế mà đôi khi đi mãi, cố tìm cho được một chỗ ưng ý, thuận tiện cũng không phải dễ. Thôi thì bờ tre, gốc chuối, bụi cây tùy theo địa hình địa vật. Nam giới còn đỡ, khổ nhất là mấy cô, mấy bà cứ chạy ngược, chạy xuôi, mắt la mày lét mà xem ra vẫn chưa thấy an toàn. Một ông trong đoàn trêu: Các cô cứ việc tự nhiên, chúng tôi sẽ nhắm mắt lại hết.
Nhớ lại độ khoảng hơn chục năm trước đến thăm nhà một người quen. Lâu ngày gặp nhau, chủ nhà rất ân cần, niềm nở, tiếp đón vô cùng trọng thị. Mình tôi được ưu tiên nằm một giường mô-đéc thênh thang ở nhà ngoài, chăn màn trắng tinh, thơm phức. Không hiểu sao, tự nhiên hôm ấy khoảng 3 giờ sáng lại buồn đi vệ sinh, ngồi lên nhưng nhà tối om, bên ngoài thì chó dữ canh cửa, không có lẽ gọi chủ nhà dậy. Phiền toái quá. Thật đúng cái câu “Khỏi nhà ra thất nghiệp” là đây. Đành phải cố chịu nhịn cho đến sáng cái sự không tiện ấy.
Ở quê tôi xưa kia bà con sống đơn giản lắm, họ không quan trọng ba cái chuyện vặt vãnh đó làm chi. Chỗ ấy chỉ là hai cái khúc tre bắc ngang trên miệng hố, phía dưới có đổ tro. Chung quanh cắm mấy cái que, vắt mấy tàu lá chuối hoặc cái chiếu rách, thế là xong. Gà qué, chó mèo tha hồ mà quần thảo, vùng vẫy. Xa hơn chút nữa, ở mấy xã dưới, vùng bà con trồng rau màu thì họ xây những cái thùng, bể bằng xi măng, ai ai trong nhà cũng đều tương xuống đó cả, mùa nắng nó bốc lên một thứ mùi rất khó tả. Ruồi nhặng nhiều vô kể, có lẽ đây là thủ phủ của các loại ruồi. Lại nghe nói ở ngoài Nam Định, người ta làm chênh vênh ra ao gọi là Cầu Tõm, nhân thể cho cá ăn luôn. Cho nên hồi trước mới có chuyện tiếu lâm: “Chín củ thành mười”.
Bây giờ thì có khác trước, nhưng vẫn còn có nhà theo lối cũ. Một số gia đình cũng xây nho nhỏ, đậy tấm ngói Bờ-rô kín đáo ở góc vườn. Tôi hỏi một chú em, sao không làm nhà vệ sinh bán tự hoại cho sạch sẽ. Chú cho biết làm thì sẽ được nhưng khoản nước dội rất khó khăn, cả với lại làm nông thì cũng phải tính cái để bón ruộng. Đành phải nhập gia tùy tục vậy, được cái vườn rộng, cây cối um tùm, rất tiện cho công việc kia. Nhưng thú thật nhiều khi cũng bí, nhất là những hôm có đình đám đông người chả biết chạy đâu.
Lâu nay Hà Nội đang ồn ào chuyện làm nhà vệ sinh công cộng. Làm, không làm, rồi quyết làm… Mình là dân quê, sợ nhất ra Hà Nội ở cái nỗi ấy. Chỉ mong cho đến bao giờ đi trên đường phố thủ đô không phải ra sức để mang cái sự bất tiện kia về tận nhà mới giải quyết.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét