Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

THỜI CHIẾN


Những năm chiến tranh chống Mỹ, các lớp học phần nhiều phải đặt trong hầm,  một cái lán tre, mái lợp tranh, xung quanh là hào đào sâu rộng độ 1 mét có lối thông ra ngoài xa. Bên ngoài bờ hào đắp đất như những con đê lên đến gần sát mái tranh. Chỉ có một lối vào duy nhất là cửa lớp. 
Khối lượng hầm hào ấy hoàn toàn là do học sinh làm nên. Cứ đến thứ Năm hoặc Chủ nhật là có 1 buổi lao động đi làm hầm hào hoặc dọn dẹp vệ sinh quanh lớp. Mùa mưa, hầm hào ngập nước, chúng tôi vô cùng khốn khổ vì phải tát nước, vét bùn, tu bổ lại nơi trú ẩn.
Đầu năm học mỗi em góp mấy cái tranh, mấy cây tre. Làm lán học thì có phụ huynh, còn đào hầm hào và vệ sinh thường ngày là do học sinh luân phiên cắt cử.
         Hồi đầu tiên bắn phá miền Bắc, những năm 64, 65 máy bay Mỹ chỉ hoạt động vào ban ngày. Các trường phải cho các lớp học vào buổi tối để phòng tránh bom đạn. Vậy là mỗi em học sinh một ngọn đèn “phòng không” xách đến lớp. Đèn phòng không là một đoạn luồng khoét một lỗ cho vừa cái đèn dầu, chỉ cốt ánh sáng loe ra vừa đủ trang sách. 


Hồi tôi học lớp 6 ở lán Nghi Vịnh có một lần máy bay vào bắn phá phía bờ sông Hoạt cách chỗ lớp học khoảng gần 2 cây số. Cả lớp nhảy xuống hào chạy ra hầm chữ A, đứa nọ đè lên đứa kia, trống ngực đập thình thịch. Hôm ấy máy bay quần thảo rất lâu vì có mấy chiếc xà-lan chở hàng đang nấp dưới rặng tre ven đê. Đạn rốc-két rít trong không trung nghe chiu chíu, bom nổ chuyển đất. Mấy đứa nhà nó ngoài bờ sông thì khóc như ri.
Máy bay đi rồi chúng tôi chui ra khỏi hầm, mặt mũi lem luốc. Thầy cho nghỉ học chúng tôi chạy như bay về nhà.
Đồ dùng đi học, ngoài sách vở bút giấy mực còn phải kèm theo: mũ rơm, túi bông băng cứu thương và vòng lá cây ngụy trang (sau này thay bằng tấm vải màn nhuộm xanh).
Đầu buổi học, đội Cờ đỏ đi kiểm tra chéo. Từ lán nọ đến lán kia phải cách nhau mấy trăm mét. Chuẩn bị vào giờ học bỗng nhiên nghe tiếng còi báo động thổi dồn dập. Tất cả phải nhanh chóng lấy mũ rơm của mình chụp lên đầu, chạy ra khỏi vị trí và lao xuống hào.
Đội Cờ đỏ có thể ghi vào sổ nhận xét về tinh thần cảnh giác cao hay thấp của lớp để báo về nhà trường. Trong sổ cũng ghi những anh nào thiếu mũ rơm, bông băng hoặc tấm vải ngụy trang để giờ sinh hoạt nhắc nhở. Nhìn thấy bọn học trò làm Cờ đỏ bây giờ đi ghi bạn nào không có khăn đỏ lại chợt nhớ đến thời xưa đi học.
Cái thời ấy đã xa lơ, xa lắc nhưng hễ ai nhắc đến trong đầu tôi lại  vang lên đoạn ca khúc chiến đấu hào hùng mà cả lớp vừa hát vừa vỗ tay vào đầu giờ học:
 “Đây Thanh Hóa anh hùng, ngày ngày ghi những chiến công
Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông…..”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét