Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

SUY TƯ QUA MỘT BỨC ẢNH

Về quê. Lâu lắm mới lại thấy một người ngồi đan lát. Cứ tưởng thời đại đồ nhôm nhựa đã giết chết nghề tre đan truyền thống. Người Việt tự hào về cây tre đến mức coi nó như biểu tượng quật cường của dân tộc. Ông Thép Mới đã viết hẳn một thiên phóng sự về Cây tre cho đoàn làm phim.
- “Tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp….
- “Ðất nước ta có muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa….
- "Muôn ngàn đời ghi công chiếc gậy tầm vông đã dựng nên Thành đồng Tổ quốc, và sông Hồng bất khuất có cái chông tre"….

Ông cha ta đã bao đời nay gắn bó với thúng, mủng, dần, sàng, rổ rá… Rồi những vật dụng kiếm cá hàng ngày như cái giỏ, cái dậm, cái nơm… Tre làm cọc rào vườn, làm giàn bầu, giàn bí và còn biết bao công việc thường nhật hàng ngày cần đến tre xanh. Nhỏ thì như cái tăm, cái đũa; lớn thì như cây cột, cây sào. Hiếm thấy một nhà nào ở nông thôn mà không có vài thứ bằng tre.
Chúng đồng hành cùng con người cho đến khi mục nát hư hỏng thì trở về lòng đất tự nguyện làm phân bón cho cây cối tốt tươi. Một chu trình sự sống lại bắt đầu, như là quy luật tự nhiên của vũ trụ.
Những năm gần đây, người càng đông ra, đất thổ cư dần khan hiếm. Nhà cửa của mỗi gia đình ở nông thôn được xây tường bê tông cao vút bao quanh, trên cắm mảnh chai, mảnh sành lởm chởm. Những bờ rào cúc tần, dâm bụt đã dần biến mất. Nhiều lũy tre xanh cũng đã dần biến mất để thế vào đó những tòa cao ốc kiến trúc tân kỳ chóp cao, chóp thấp.
Quá trình công nghiệp hóa cũng mang đến những vật dụng tiêu dùng mới màu sắc, mẫu mã đẹp, giá cả lại rẻ. Đó là các đồ nhựa, đồ ni-lông, đồ nhôm như rổ rá, thau chậu…
Nhiều quá đến độ tràn ngập, thừa thãi. Hễ đi chợ về là thể nào cũng kèm theo 5, 6 cái túi ni-lông. Nhà nào cũng có hàng chục đồ dùng vật dụng bằng nhựa, bằng nhôm. Từ đấy đồ phế thải bừa bãi, vương vãi khắp nơi. Có chỗ rác chất đống đầu làng, bốc mùi hôi hám, đi qua không chịu nổi.
Các chất nhựa, ni-lông thì rất khó phân hủy, có khi hàng nhiều chục năm sau. Nạn ô nhiễm môi trường trong đất, trong nước cứ hàng ngày, hàng giờ tích tụ và thẩm thấu. Bệnh nan y ngày càng nhiều phải chăng nó có nguồn gốc từ đây?
Chính vì thế mà tôi nuối tiếc các bờ tre bị mất, tiếc cái nghề tre đan của ông cha ta từ ngàn đời đã dần dần mai một.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét