Ông là con trai út cụ Đặng Thịnh Kỷ, sinh năm 1933 tại làng Đại Thọ, tổng
Cao Vịnh (Xóm 9 xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn ngày nay). Học Đại học Tổng hợp khoa
Sinh từ những khóa đầu. Ra trường ông làm giảng viên trường Đại học Nông Lâm.
Từ năm 1973, Vườn Quốc gia Cúc Phương thành lập, ông xin về đây. Là một
trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên cơ ngơi của Vườn. Ông đã
nhiều năm làm Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học.
Có điều kiện đi rừng nhiều, ông biết rành rọt những chuyện nơi ma
thiêng nước độc. Ông đã cùng với sinh viên ăn, ở trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số nên biết lắm phong tục lạ. Ví dụ như quan tài chôn người chết là một
khúc gỗ cắt 2 đầu rồi khoét lõm ở giữa, con trai đi tán vợ cầm que chọc dưới
sàn, tục cướp vợ của người Mèo…..
Những năm chiến tranh ông ít về nhà, phần vì giao thông đi lại cũng
khó, phần vì ông phải đi công tác nhiều.
Sau này xem các sổ tay ghi chép của ông mới thấy ông đúng là một người
làm khoa học hết sức nghiêm túc. Ông ghi chép rất tỷ mỷ đối tượng cần nghiên cứu,
vẽ lại cẩn thận hình dáng của lá, hoa, quả, hạt… Ghi cả tên địa phương, tên
la-tinh, đặc điểm sinh thái của các loài cây mới gặp cần phải khảo sát. Tôi thấy
ông có rất nhiều các loại sổ tay ghi chép như vậy.
Trong tàng thư của gia đình còn một tập bản thảo in Rô-nê-ô dày hàng
trăm trang. Xem qua thì mới biết đây là một báo cáo khoa học cấp Nhà nước của
ông về quần thể thực vật rừng Cúc Phương. Lẽ ra ông có thể được đi nước ngoài
làm nghiên cứu sinh Phó Tiến sỹ, nhưng do lý lịch nên điều ấy là không thể. Ông
đã từng làm việc với Viện sỹ TAKTAZAN, Chủ tịch Hội Thực vật Quốc tế; Viện sỹ
MUKUH Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Là người làm khoa học chân chính, ông không ủng hộ quan điểm của ai đó
đưa rừng Cúc Phương vào khai thác du lịch. Theo ông hãy để nó tồn tại như vốn
có, tạo các điều kiện tốt nhất cho sinh quyển nơi đây phát triển lành mạnh hợp
quy luật tự nhiên.
Ông đã chỉ đạo trồng hàng trăm hec-ta cây rừng vốn là gỗ quý hiếm, có
nguy cơ tuyệt chủng.
Tôi cùng tuổi và lại cùng học với anh Đặng Thịnh Tư là con trai đầu của
ông. Những năm chúng tôi học cấp 2, ông đã mua về rất nhiều sách của Nhà xuất bản
Kim Đồng. Nhìn vào chữ ký và địa danh nơi mua sách cũng đủ biết ông đã đi đến
nhiều nơi: khi thì Móng Cái, Tuyên Quang, lúc thì Lào Cai, Bắc Cạn… Cũng nhờ tủ
sách đó mà tôi được biết đến “Chú người gỗ”; “Dế mèn phiêu lưu ký”; “Rô-bin xơn
Cru-xô”….
Tôi có vài lần đến Cúc Phương nơi ông làm việc. Lần thứ nhất đầu năm
1975, ở đó vài hôm thấy ông khá bận bịu với công việc: chỉ đạo trồng rừng, họp
hành, tra cứu sách vở, giảng bài cho lớp tập huấn… Ông bảo nán lại vài hôm nữa
có đoàn khách ngoài Hà Nội vào sẽ cho lên Bống xem cây chò ngàn năm. Tuổi trẻ
không chịu được cái cảnh hoang vắng nơi góc rừng nên tôi xin phép về.
Lần thứ 2 tôi theo nhà trường đi tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương vào
năm 1993. Lúc đó ông đã nghỉ hưu ở quê rồi. Tôi hỏi một anh là người của Vườn
đi theo đoàn, có biết ông Miên không. Anh bảo: Ông chính là những người khai
thiên lập địa ở đây. Rồi anh chỉ tay ra những cánh rừng xanh bạt ngàn phía xa
xa: toàn bộ thành quả này là của ông Miên đó.
Ông vóc dáng to khỏe, nhưng lại sớm mang bệnh trọng. Từ khi mới ngoài
40 tuổi ông đã ốm nặng phải vào bệnh viện điều trị. Sau này thỉnh thoảng ông lại
phải đi nằm viện.
Năm 1992 ông được về nghỉ hưu tại quê nhà.
Ông thẳng thắn, chính trực, thu nhập qua lương là chính. Khi ông về cơ
quan cho một chuyến ô-tô chở đồ: có một cái giường một, một cái tủ đứng là đồ
dùng cá nhân. Còn lại 80% khối lượng là sách và sách, tiếng ta và tiếng Tây.
Ông ăn uống, nghỉ ngơi hết sức điều độ. Năm 1996 ông mất do xuất huyết
não quá nặng. Trong tang lễ, ông Đặng Thịnh Duyên đọc lời tiễn biệt. Bài Điếu cảm
động này đã có đoạn:
Cây rừng ngàn vạn cái tên
Ít người rành rẽ như em trước này
Bùi ngùi vách núi, rừng cây
Ai
người tri kỷ bấy chầy có nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét