1/ Bài thơ Con mọt
Một cậu bạn cho biết cách đây khoảng 60 năm ông nội của cậu
đã khốn đốn vì bài thơ Vịnh Con mọt của cụ. Chả là cụ vốn là thầy đồ trong
làng, hay làm câu đối, làm thơ phú xướng họa với bạn bè. Cụ tức cảnh một bài Đường
luật nói về Con mọt. Đại khái là lên án nó phá hoại nhà cửa, thóc gạo, sách vở,
chung quy là chỉ làm khổ người chả được tích sự gì.
Tình hình chính trị khi ấy rất phức tạp, chuẩn bị cho Cải
cách ruộng đất, phát động đấu tranh lật đổ giai cấp địa chủ, xây dựng quan hệ sản
xuất mới ở nông thôn. Cụ bị gán cho cái tội là đã làm thơ bôi bác và nói xấu
cán bộ, bị truy bức, bị quy thành phần phản động và phải ngồi tù.
Khổ thân cho ông cụ, chả biết kêu ai. Sau khi ra tù chỉ biết
khuyên con cháu không được nhớ và đọc bài thơ ấy nữa.
2/ “Tre ba, luồng bảy gỗ đẫy một năm” – là tục ngữ của nhân
dân về kinh nghiệm phòng chống mọt cho tre, luồng, gỗ (tre ngâm nước 3 tháng,
luồng ngâm 7 tháng và gỗ ngâm 1 năm thì chống được mọt).
Ở thôn quê trước đây nhà nào trong bếp cũng làm một cái gác
bằng tre ngay dưới chỗ đun nấu. Cái gác ấy thường để nhiều thứ. Đặc biệt các loại
đồ tre nan mới đan xong như thúng, mủng, dần, sàng… phải gác bếp nhiều ngày cho
bồ hóng làm sạm đen thì sau dùng mới không bị mọt. Cho nên thành ngữ “Đen như bồ
hóng” hoặc “Đen như gác bếp” là thế.
“Mọt sách” là biệt danh để tặng cho những ai suốt ngày chỉ
mê mẩn, chăm chú vào trang sách đến độ quên hết cả mọi thứ trên đời. Nhưng tiếc
rằng hiện nay các “Mọt sách” hiếm dần do các phương tiện giải trí quá nhiều. Kiếm
được được người chăm đọc sách bây giờ cũng là hiếm hoi.
3/ Cái cọc mọt:
Hai nhà láng giềng sát vách với nhau. Xưa kia nghèo túng nên
chỉ là nhà tranh vách đất đơn sơ. Đôi trai gái mới lớn ở hai nhà ấy thầm yêu mến
nhau. Chúng hẹn nhau cứ sáng sớm đứa con gái xuống bếp nấu ăn sáng thì đứa con
trai cũng ra. Ở vách bếp chúng đã dùi sẵn một cái lỗ thủng rất tiện…
Hôm ấy như thường lệ thấy bên bếp nhà kia sáng lửa, cậu trai
bèn lẻn dậy, mò ra hành sự ngay không cần kiểm tra xem ai đang ở bên trong. Rủi
cho hắn bữa đấy cô con gái lại bị ốm nên bà mẹ xuống bếp rang cám để đánh cảm.
Rang xong bà treo chảo lên vách. Thấy có vật nhô ra bà tưởng đấy là cái cọc
(xưa bếp làm vách tre trát bùn và buộc những chạc cây vào đấy để treo nồi chảo,
rổ rá…). Bà mới ngoắc cái chảo vô cọc đó. Cậu này bất ngờ bị nóng bỏng liền giật thụt lại, cái chảo rơi ngay
xuống đất.
Bà lẩm bẩm:
- Mẹ
cha nó! Phải cái cọc mọt.
Rất tiếc trong Chuyện cười Dân gian Việt Nam
– NXB Văn học 1964 không in chuyện này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét