Từ cửa Thần Phù theo
dòng sông Hoạt ngược lên độ 5, 6 cây số trước đây có một ngôi làng xanh tươi,
trù phú: làng Hoàng Cương. Những năm thời bao cấp (1977), chính quyền quá nôn
nóng muốn dân mau chóng tiến lên no ấm ngay nên đã dời làng đi vùng kinh tế mới, bỏ lại một vùng đất
màu mỡ đến hoang tàn.
Tôi đã nghe nói vùng này
có tượng Lã Vọng trên núi, nên rủ anh Phan Thắng, anh Trần Hà tới xem. Đường đi
lầy lội sau trận mưa đêm. Qua rặng tre rậm rạp nhìn về phía nam đã thấy hình
ông Lã Vọng in rõ trên nền trời xám đục. Dân ở đây bảo rằng đứng ở bất cứ góc
nào cũng thấy rất rõ ông đang ngồi câu cá. Lâu nay thường nghe tượng đá Vọng
Phu chứ Lã Vọng ít thấy đâu có.
Ở nhiều gia đình trong
bể cảnh non bộ có pho tượng nhỏ Lã Vọng câu cá. Tò mò tìm hiểu, tôi cũng đã sơ
sơ biết về sự tích Lã Vọng, một công thần đời nhà Chu bên Tàu, học rộng biết
nhiều nhưng bất mãn với thời thế không muốn ra làm quan. Tuổi đã cao mà ông vẫn
ngồi câu cá bên bờ sông Vị Thủy chưa chịu giúp đời, trị quốc. Một hôm, Văn
Vương là vua sáng lập ra nhà Chu, đi săn trông thấy, biết ông là người có tài,
mừng rỡ rước về lập làm quân sư. Từ đó, Lã Vọng đã đem hết tâm trí của mình ra
để giúp Văn Vương lập nên nghiệp nhà Chu hưng
thịnh, rực rỡ, lưu truyền sử sách muôn đời sau.
Nói đến Lã Vọng, người
ta còn muốn ám chỉ những người có tài, có đức mà không muốn bon chen trong vòng
danh lợi tầm thường, tìm nơi ẩn dật ở chốn non thanh thủy tú.
Từ con đường chính đến chân tượng cũng
không còn xa lắm nhưng hơi khó đi, chúng tôi chỉ đứng dưới tranh thủ bấm mấy
kiểu ảnh. Không ngờ tay máy Do Quang Xuan còn trèo lên một cái núi bên cạnh bắn
sang trông cũng rất được.
Gặp một bác nông dân
người Nga Thiện bên kia núi đến làm trang trại ở đây, bác cho biết ngoài này
cũng chỉ làm trang trại thôi chứ ở thì đang còn vất vả, gian nan lắm Giao thông
không thuận tiện, con cái không có chỗ học hành phải để nhà gửi ông bà.
Nhiều khi xem trên ti-vi
thấy nói ngành này, ngành nọ, chỗ này, chỗ kia bê bối, tiêu cực mà buồn. Chợt
nghĩ các Lã Vọng đời nay đi đâu cả, sao cứ ngồi câu cá mãi không chịu ra giúp
đời. Bao nhiêu tài đức của các vị cứ âm thầm, mòn mỏi nơi núi thẳm non ngàn
thật vô cùng hoài phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét