Trang

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

ĐI TÀU


Từ Đà Nẵng ra bắc tôi đi tàu hỏa. Vào ga mua vé trước 1 ngày, nhân viên cho biết chỉ còn ghế phụ (Ghế nhựa kê vào lối đi ngồi tạm). Không còn nhiều thời gian vì đã sắp xếp rồi, tôi chấp nhận mua ghế phụ. Thầm nghĩ thôi có 1 đêm chịu khó vậy.
Khách đi tàu đông đúc, chen chúc nhau, đủ các loại hình đi du lịch tua theo cơ quan, đi thăm người nhà… Lên tàu mới biết cũng có nhiều người phải ngồi ghế phụ như mình. Một cô to béo, người Hà Nội đi thăm con gái. Một cậu thanh niên học xong Cao đẳng Nhạc Họa thất nghiệp làm nghề tự do xuống ga Vinh. Ba chúng tôi ngồi ở ngay gần chỗ giáp nối 2 toa giường nằm, kê ghế nhựa ngồi gà gật. Chị Hà Nội cho biết cũng thường hay vào đây và cũng nhiều lần chịu cảnh này. Ngồi đây thật bất tiện, người qua lại luôn, mỗi lần lại phải thu xếp. Có lần nhân viên nhà tàu kéo xe đồ ăn đi qua, miệng giục rối rít: “Qua nào, qua nào”. Chẳng may hành lý của chị Hà Nội bị vướng bánh xe sượt qua làm rách. Đôi bên lời qua tiếng lại. Tôi bảo với cô nhân viên còn khá trẻ: “Này cháu, lương của các cháu là do các bác trả đấy nhé. Lẽ ra cháu phải có lời xin lỗi khách mới phải”. Chị Hà Nội còn tỏ ra rành rọt thông tin: “Bộ trưởng Thăng nói rồi từ ngày 1/8 này nhân viên nào vi phạm kỷ luật sẽ cho nghỉ việc ngay”.
 Khoảng độ 9 giờ tối, thấy chị Hà Nội đi đâu đó một lát rồi quay lại: “Anh ơi em kiếm được chỗ rồi, em chuyển đây”. Còn lại tôi và cậu thanh niên. Tàu chạy ầm ào, đôi khi người đi qua, khó mà chợp mắt. Tôi bỗng nhớ lại thời bao cấp khốn khó, đi từ bắc vào nam phải mất cả 4, 5 ngày. Có những khi không còn chỗ ngồi phải leo cả lên nóc, chui cả vào nhà vệ sinh.
Khoảng hơn 11 giờ đêm, đang chập chờn, có một nhân viên tàu cúi xuống tôi thì thầm: “Bác có muốn ngủ không?”. Đang buồn ngủ lại có người gợi ý. Tôi hỏi lại: “Thêm bao nhiêu?”. – “Bốn trăm”. Tôi dứt khoát: “Thôi cảm ơn anh. Vậy tôi sẽ ngủ tại đây”.
Chỉ độ 15 phút sau, lại điệp khúc cũ nhưng hạ giá 300. Tôi vẫn không.
Độ lát sau anh ta quay lại nài nỉ: “Thôi 200 bác đi nghỉ đi cho khỏe”. Đến nước này thì tôi cũng phải mềm lòng mà đi theo anh ta vậy. Ngoảnh lại cậu thanh niên thì cậu ta đã trải ni-lông ra sàn và đang kéo gỗ.
Mệt mỏi, tôi làm một giấc đến gần sáng. Tàu đã sắp về đến ga Thanh Hóa. Tôi xuống đi tìm nhân viên toa thì toa nào toa nấy cửa đóng kín mít (Toa giường nằm mà). Tàu qua khỏi ga Thanh Hóa cũng không thấy nhân viên nào. Ruột gan như lửa đốt, tôi định bê hành lý đi dọc đoàn tàu tìm bất cứ một anh nhà tàu nào để giải quyết. Mãi đến Đò Lèn thì mới có một anh áo màu xanh ghi đeo phù hiệu xuất hiện. Anh ta cười: “Bác nằm giường số 24 xuống Bỉm Sơn chứ gì. Bọn cháu quản chặt lắm. Bác không lo”.
“Làm nghề nào, ăn nghề ấy”. Dân gian xưa nay nói cấm có sai bao giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét