Trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

HIỆN TƯỢNG VÀ BẢN CHẤT

Thầy Xơn dạy Lý ở Hà Tĩnh kể rằng:
Hồi đi thực tập sư phạm ở Triệu Sơn, trong buổi chia tay với học sinh để về lại trường. Có một em nữ trông cũng khá xinh xắn cứ ngồi rấm rức khóc, mắt đỏ hoe. Trong thầy tự dưng dâng lên nỗi bồi hồi, xao xuyến khó tả. Có lẽ nào em học sinh kia đã cảm mến thầy mà khóc trong phút giây li biệt. Tự vấn mình suốt cả quá trình làm chủ nhiệm lớp sự ưu ái là chia đều, công minh. Cớ sao lại có một em gái nhỏ thương trộm, nhớ thầm thầy chủ nhiệm chỉ có một tháng trời.
Lúc ấy chuyện quan hệ luyến ái còn khá khắt khe và nặng nề nên thầy rất ngại bị dư luận đàm tiếu.
Từ phút đó thầy bắt đầu bối rối trước cả lớp, mỗi khi nữ sinh nọ ngước nhìn, thầy lại phải quay mặt đi chỗ khác.
Sau buổi chia tay thầy tìm hiểu qua một em nữ trong lớp thì mới vỡ lẽ: Em học sinh kia bị mất cái áo mưa mới mua, sợ về bị bố đánh nên đã khóc.
Bất chợt tôi nhớ đến chuyện xưa:
Một góa phụ có chồng làm nghề cung bông nhưng đã không may chết cách đấy mấy năm.
Nhà bên có một anh chàng đang tập đánh đàn bầu. Hôm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tiếng đàn của anh cất lên thì góa phụ lại ngồi bưng mặt khóc.
Ngạc nhiên quá đỗi, anh mới sang nhà dò hỏi:
- Phải chăng tiếng đàn của tôi đã làm cho nàng xúc động?
Góa phụ buồn rầu mà rằng:
- Mỗi khi nghe anh gẩy đàn là em lại nhớ đến chồng em những lúc làm nghề.
(Cái cung bông để làm chăn bông mỗi khi bật lên nghe tưng tưng… tưng tưng…)
Trong Triết học có phạm trù Hiện tượng và Bản chất. Nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng mà kết luận nhiều khi nhầm to.
Vậy nên xem xét mọi sự ở đời đều phải "điều nghiên" cho kỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét